Liên hiệp Hội Sơn La – Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều năm qua, hoạt động này luôn được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả, giúp các ngành, các cấp có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xác định, phê duyệt và thực hiện các đề án, dự án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống Liên hiệp Hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được cụ thể hóa bằng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2003 của Thủ tướng chính phủ và gần đây nhất là Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Thay thế Quyết định số 22/QĐ-TTg) về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Liên hiệp Hội đã tích cực tham gia và thể hiện được chức năng tư vấn và phản biện trong các Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài, dự án nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; tham gia Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, cũng như đóng góp ý kiến tại một số hội nghị, hội thảo về kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp Hội có luận cứ chặt chẽ, được các cấp, các ngành hữu quan đánh giá cao. Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội ngày càng trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của Liên hiệp Hội.
Tuy nhiên, đối với Liên hiệp Hội và các hội thành viên, đây cũng là công việc khó, đòi hỏi cán bộ có năng lực, bản lĩnh và tâm huyết. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn ở tỉnh Sơn La, công tác tham vấn, tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, đề tài tư vấn, nghiên cứu sâu chuyên đề, tham gia góp ý kiến, phản ánh bằng văn bản hoặc qua Email với lãnh đạo tỉnh, tham luận trực tiếp, viết bài nghiên cứu trao đổi... Liên hiệp Hội đã chủ động đề xuất tư vấn, phản biện được nhiều vấn đề với Tỉnh, có nhiều nội dung do lãnh đạo tỉnh yêu cầu và các sở, ban, ngành đề nghị.
Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg trong điều kiện thực tiễn của địa phương, Liên hiệp Hội đã chủ động nắm tình hình hoạt động của tỉnh và các sở, ban, ngành để phát hiện, đề xuất các vấn đề cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tiến hành xây dựng kế hoạch, thu thập tài liệu, nghiên cứu thực tế và tập hợp đội ngũ trí thức tổ chức tham vấn, tư vấn, phản biện với tỉnh, trong đó có những vấn đề nổi bật: góp ý vào dự thảo Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV; Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ thành phố Sơn La lần thứ XIX; Đánh giá thứ hạng Sơn La trong khu vực miền núi phía Bắc; Các chỉ số giám sát xã hội của Sơn La; Cải cách hành chính; Phát hiện, kiến nghị sửa đổi 01 văn bản của UBND tỉnh về đất đai; Tổ chức tư vấn, phản biện nhiều dự thảo văn bản do các ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh; Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kế hoạch của Chấp hành Đảng bộ tỉnh tỉnh hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tham gia ý kiến trực tiếp và bằng văn bản hơn 40 dự án Luật; Xây dựng dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ tỉnh ủy về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam rong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bà Hà cho biết thêm, là thành viên của Liên hiệp Hội, Hội Luật gia tỉnh Sơn La đã tập hợp, phát huy vai trò hội viên trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên theo bà Hà thì trong quá trình tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn có những khó khăn, hạn chế nhất định như một số ý kiến tư vấn, phản biệncòn chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm tiếp thu; việc phối hợp với các sở, ngành xác định nhiệm vụ tư vấn phản biện hằng năm còn lúng túng; một số trí thức tại các sở, ngành khi được mời tham gia hoạt động tư vấn phản biện còn chưa dành thời gian để nghiên cứu, để có chính kiến chuyên sâu; số nhiệm vụ phản biện thực hiện còn hạn chế so với thực tế các đề án, nhiệm vụ trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với đội ngũ trí thức cũng như các chủ trương về kinh tế - xã hội được phê duyệt hằng năm.
Để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ngày càng chất lượng, Liên hiệp Hội và các hội thành viên đang quan tâm, chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng ngân hàng chuyên gia phục vụ hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trên các lĩnh vực ở tỉnh; tổ chức mời chuyên gia của Liên hiệp Hội Việt Nam tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội và các hội thành viên, bà Hà cho hay.