Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 19/12/2014 21:18 (GMT+7)

Lê Văn Thiêm - Nhà toán học Việt Nam

Sau khi trở về nước, từ năm 1950, ông đã có mặt tại chiến khu Việt Bắc nhận trọng trách thành lập trường Khoa học cơ bản, trường Sư phạm cao cấp và là hiệu trưởng của hai trường này. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và Tổng Biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học của Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica). Hiện nay, tên ông được đặt cho giải toán quốc gia của Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình về nghiên cứu cơ bản của Toán học lý thuyết và những bài toán về ứng dụng (1960--1970). 

Anh thanh niên Lê Văn Thiêm, con một gia đình thanh bạch, nhưng có truyền thống ham học, phải rời quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh, sống nhờ người anh là y sĩ Lê Văn Kỷ làm việc ở Quy Nhơn để tiếp tục học. 

Sau khi đỗ Thành chung năm 1936, anh Lê Văn Thiêm tự học trong 3 tháng thi đậu tiếp bằng Tú tài I thay vì phải học 2 năm như mọi người. Năm học 1936--1937, Lê Văn Thiêm ghi tên vào lớp học Toán (tương đương lớp 12 chuyên ban)trường Bưởi ở Hà Nội để chuẩn bị thi Tú tài Toán học. Anh vào học chậm 3 năm, ăn mặc lại «quê mùa», nói giọng nặng trịch với những thổ âm khó nghe, khó hiểu, nhưng chỉ cần sau khi học một thời gian ngắn là cả giáo sư Toán và bạn cùng lớp thán phục thiên tư toán học của người học trò xứ Nghệ đã nổi danh từ ngày còn ngồi trên ghế Collège de Quy Nhơn. Anh đỗ Tú tài Toán học không mấy khó khăn và ghi tên vào lớp PCB là lớp dự bị Đại học Y khoa vì thời ấy, Đại học Đông Dương không đào tạo Cử nhân Toán. 

Năm 1938, vì đỗ cao kỳ thi tốt nghiệp PCB nên Lê Văn Thiêm được học bổng du học tại Pháp. Đến Pháp, Lê Văn Thiêm xin ghi tên vào trường đào tạo Thạc sĩ Toán học, trở lại nguyện vọng ấp ủ từ lâu. Năm 1939, phát xít Đức thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở châu Âu và thôn tính luôn nước Pháp. Mãi đến năm 1941, anh mới có điều kiện học bình thường. Sau một năm, anh đã đỗ Cử nhân Toán học thay vì phải học 3 năm như mọi người. Anh từ bỏ nước Pháp để sang Đức và ở đó anh đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Toán học để nhận bằng Tiến sĩ A về Toán học. Anh có ý định học thêm để nhận học vị Tiến sĩ habil Toán học nhưng nước Đức phát xít đã thảm bại trước đồng minh vào năm 1945. Anh rời bỏ Berlin (Đức) trở về Pháp, vừa làm việc vừa kiếm sống, vừa tiếp tục học thêm để bảo vệ luận án, nhận học vị khoa học cao nhất: Tiến sĩ khoa học Toán học năm 1948. 

Giáo sư kể: «Sau 1945, tuy là nước thắng trận trong phe đồng minh nhưng kinh tế Pháp kiệt quệ, bánh mì phải phân phối từng trăm gam, thịt, bơ đều thiếu, anh thanh niên Nghệ Tĩnh vốn từ nhỏ quen sống thiếu thốn, mặc dù lúc đó đã có bằng Tiến sĩ A Toán học Đức và là giảng viên trẻ ở đại học nhưng hầu như hằng ngày chỉ sống bằng bánh mì phân phối và phomát cùng rau quả đạm bạc. Anh dành dụm tiền lương khiêm tốn với ý đồ sau khi bảo vệ luận án đạt học vị khoa học cao nhất sẽ làm thêm kiếm tiền đủ mua vé máy bay về nước». 

Năm 1946, được tin phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến Paris, anh Thiêm đã tự nguyện làm một số việc giúp đỡ phái đoàn và tập hợp anh em trí thức Việt kiều đi đón Hồ Chủ tịch. Được đồng chí Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ, anh đã sang Bỉ liên hệ giao dịch mua vũ khí để chuyển về nước. 

Năm 1948, anh đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên dự Hội nghị Hoà bình thế giới tại Ba Lan. Cùng năm đó, anh là người Việt Nam đầu tiên nhận học vị Tiến sỹ Quốc gia về Toán học tại Pháp, sau đó trở thành giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Zurich (Thuỵ Sỹ). Cuối năm 1949, khi tài năng toán học nở rộ, vị giáo sư tiến sỹ 31 tuổi, Lê Văn Thiêm nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. 

Trong suốt 47 năm (1944--1991), Giáo sư đã để lại cho đời sau trên 20 công trình khoa học có giá trị trong đó có công trình là nguồn gốc xuất phát của một số luận án tiến sĩ Toán học của Mỹ hiện nay. Giáo sư Lê Văn Thiêm có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng. 

Về nghiên cứu cơ bản, Giáo sư đã đề ra một phương pháp mới, nhờ đó giải được bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna (tên người khai sinh ra nó, nhà toán học Phần Lan), một trong những lý thuyết quan trọng nhất của thế kỷ XX. 

Về nghiên cứu ứng dụng, ông là người đầu tiên giải được tường minh bài toán thấm qua hai lớp đất bằng phương pháp sử dụng nguyên lý đối xứng của giải tích phức. Cùng với các học trò của mình, Giáo sư đã áp dụng bài toán này vào việc rửa mặn các vùng ruộng ven biển. Trên phương diện triển khai ứng dụng, Giáo sư cũng đã trực tiếp cùng với các học trò và đồng nghiệp của mình áp dụng phương pháp nổ định hướng để nạo vét kênh Nhà Lê và làm đường chiến lược trong rừng thời chiến tranh chống Mỹ. Sau này, để góp phần xây dựng đất nước, ông đã cùng các cộng sự của mình nghiên cứu xây dựng mô hình toán học và bộ chương trình giải các bài toán dòng chảy, phục vụ cho việc thiết kế và thi công công trình thuỷ điện Hoà Bình và quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long. 

Giáo sư Lê Văn Thiêm còn có công rất lớn trong việc xây dựng tiềm lực và đội ngũ toán học nước nhà. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học. Giáo sư cũng là người đề xướng và chủ trì 3 hội nghị Toán học toàn quốc nhằm xác định phương hướng nghiên cứu và tập hợp lực lượng toán học trong cả nước nghiên cứu, ứng dụng toán học và tin học phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực giáo dục--đào tạo, Giáo sư là thầy của nhiều thế hệ các nhà toán học Việt Nam và các ngành khoa học khác như hoá học, vật lý, sinh học. 

Giáo sư Lê Văn Thiêm có đóng góp lớn trong hợp tác quốc tế giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học thế giới. Ông đã đưa Hội Toán học Việt Nam tham gia vào Hội Toán học quốc tế với tư cách là thành viên chính thức, đưa Viện Toán học tham gia vào Trung tâm Toán học quốc tế Banach (Ba Lan). Nhờ mối quan hệ tốt và uy tín khoa học của Giáo sư mà nhiều nhà toán học có tên tuổi trên thế giới như Laurent Schwartz, Grotendick (Pháp), Smale và Chomsky (Mỹ).. .. đã sang Việt Nam và nhiệt tình giúp đỡ cộng tác với các nhà toán học Việt Nam. 

Những đóng góp của Giáo sư Lê Văn Thiêm cho Toán học Việt Nam nói riêng và Toán học thế giới nói chung đã được thừa nhận rộng rãi. Và tinh thần tận tuỵ vì sự nghiệp khoa học, giáo dục và đạo đức tốt đẹp của Giáo sư luôn sống mãi trong lòng các thế hệ toán học Việt Nam. 


Tài liệu tham khảo: 

-- Nhiều tác giả, Những người cùng thời, NXB Trẻ, 2002. GS. Nguyễn Cang, ấn tượng về một nhà khoa học, Tạp chí Xưa Nay, số 41B, 7/1997. 

-- GS.TS. Trần Đức Vân, Giáo sư Lê Văn Thiêm--Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, Hà Nội, 9/1998. 

GS.TS. Hà Huy Khoái, Giới thiệu vắn tắt Những công hiến khoa học của Giáo sư Lê Văn Thiêm. 

***********************************************
Ðọc cuốn sách « Giáo sư Lê Văn Thiêm «

Bùi Trọng Liễu (*) 

Cuốn sách này do đại học Quốc gia Hà nội xuất bản năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của nhà toán học Lê Văn Thiêm (1918--1991), là một tập hồi ký dài 208 trang, với sự tham gia của nhiều tác giả. 

Ông Thiêm người Hà Tĩnh, du học ở Pháp năm 1939, là cựu sinh viên Ecole Normale Supérieure (rue d’Ulm ở Paris). ông có một thời làm nghiên cứu ở Thụy Sỹ và ở Ðức ; ông bảo vệ tiến sỹ nhà nước về Toán ở đại học Paris năm 1949. Tiếp đó ông về nước tham gia kháng chiến năm 1949, thoạt đầu ở Nam Bộ, rồi ra vùng kháng chiến Việt Bắc, trải qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục đào tạo và nghiên cứu. Ông thuộc lớp người « mở đường « xây dựng nền Toán học nói riêng và nền khoa học Việt Nam mới nói chung. Tất nhiên các bài viết đều nói lên những công lao của ông, cũng như về đức độ của ông. Nhưng không chỉ có vậy. Ðó cũng là những lời chứng có giá trị về một giai đoạn lịch sử của nước nhà, dù cho thỉnh thoảng, độ chính xác cũng chỉ tương đối. Tôi xin trích dưới đây vài đoạn (những đoạn viết nghiêng trong ngoặc [.] là do tôi chú thích thêm để câu dễ hiểu) : 

– Trích bài ông Nguyễn Văn Ðạo, giáo sư Cơ học, đại học Quốc gia Hà Nội :

Cha của giáo sư, ông Lê Văn Nhiễu, đậu cử nhân ở khoa thi Canh Tý (1900). Chú ruột, ông Lê Văn Huân, giật giải nguyên năm 1916, [.. ..] tham gia Duy Tân hội, [.. ..] bị Pháp bắt, bị lưu đày 10 năm ở Côn đảo [.. ..] lại tiếp tục hoạt độnh trong đảng Tân Việt [.. ..] bị bắt giam lần thứ hai [.. ..] mổ bụng tự sát vào năm 1929. Anh cả, ông Lê Văn Kỷ, đậu tiến sỹ đệ tam giáp lúc 28 tuổi trong khoa thi Mậu Ngọ (1918), [.. ..]. Anh thứ hai Lê Văn Luân làm thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt và xử tử năm 1931. Năm 1930, cả cha và mẹ đều qua đời. Cảnh bần hàn của gia đình đông anh em, cảnh tiêu điều của xóm làng bị khủng bố trắng đã thúc giục anh ra đi. Anh vào Quy Nhơn, nương tựa người anh cả đang hành nghề thuốc ở đó [.. ..]. Năm 1939, với thành tích đỗ thứ nhì kỳ thi PCB [ở đại học Hà Nội], Lê Văn Thiêm được nhận học bổng sang Pháp du học. [.. ..]. [Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước] 

Bằng tiền dành dụm được, Lê Văn Thiêm đã trở về nước qua đường bay Pari--Băng Cốc, rồi từ Băng Cốc bằng đường bộ qua Cam--pu--chia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại sở Giáo dục Nam Bộ từ 19/12/1949. [Năm 1950] Giáo sư Lê Văn Thiêm được chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiêm vụ mới. Ba lô trên vai, giáo sư đã phải lội bộ 6 tháng theo đường rừng, dọc theo chiều dài của đất nước, qua những vùng rừng thiêng nước độc, « vắt dài lêu nghêu, muỗi kêu như sáo thổi «. [.. ..].

Ra đến Việt Bắc, năm 1951, giáo sư được giao nhiệm vụ xây dựng trường Sư phạm Cao cấp và trường Khoa học Cơ bản, được cử giữ chức vụ Hiệu trưởng của hai trường này. [.. ..]. Sau thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ dẫn tới kết thúc chiến tranh chống Pháp, năm 1954, giáo sư Lê Văn Thiêm tham gia tiếp quản các trường đại học Hà Nội, [.. ..] được cử làm giám đốc đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. [Rồi từ năm 1957--1970], phó hiệu trưởng đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm chủ nhiệm khoa Toán. [Vào năm 1970], giáo sư Lê Văn Thiêm được chính phủ điều động sang phụ trách viện Toán học thuộc viện Khoa học Việt Nam. 

– Trích bài của ông Lê Thạc Cán, giáo sư, viện Môi trường và Phát triển bền vững : 

Tháng 5/1951, cũng một số cán bộ trẻ của cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh, tôi vô cùng sung sướng được tỉnh ủy giới thiệu đi học trường Khoa học Thực hành Cao cấp (KHTHCC) [mới được quyết định mở ở Việt Bắc, do ông Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng]. Theo sự bố trí của bộ Giáo dục, để được nhận vào trường, chúng tôi phải tới thị trấn Thọ Xuân ở Thanh Hóa gặp giáo sư Lê Văn Thiêm làm các thủ tục xét nhận vào trường. [.. ..]. Nhóm chúng tôi đến địa điểm liên lạc, một làng quê có ngôi trường phổ thông tướng đối lớn ở Thọ Xuân, vào một buổi chiều đầu hè nóng nực. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy hai bờ con kênh thủy lợi chảy qua làng đông nghịt trẻ em và thanh niên. Ðám đông cho chúng tôi biết họ đang xem ông Lê Văn Thiêm, nhà bác học trẻ tuổi đang tắm và bơi trên kênh. [.. ..].

Mấy hôm sau, sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra nhập học, giáo sư Thiêm và người thư ký lên đường đi Việt Bắc bằng xe đạp, toàn bộ hành lý trong chiếc ba lô nhỏ. Những ngày sau đó các nhóm sinh viên chúng tôi cũng lần lượt lên đường. Chặng đường từ Thanh Hóa tới địa điểm liên lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang dài trên 300 km, trong đó phần lớn là đường núi rừng hiểm trở. [.. ..]. Sau gần 2 tuần lễ ngày nghỉ, đêm đi, trèo đèo, lội suối, qua những chặng đường có máy bay địch bắn phá hàng ngày, ban đêm thường có hổ báo qua lại, chúng tôi tới trường KHTHCC. 

Toàn bộ cơ ngơi của trường chỉ là một lán tre nứa dài khoảng 15m, một bếp cũng bằng tre nứa, và một ngôi nhà gỗ nhỏ ở ven ngòi Quẳng, một nhánh của sông Gâm. [.. ..]. Giáo sư Thiêm họp toàn thể sinh viên, thông báo cho chúng tôi biết rằng theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, trường đã đổi tên thành trường Khoa học Cơ bản (KHCB). Giáo sư kể rằng, tại một phiên họp của Hội đồng chính phủ bàn về giáo dục và đào tạo, lúc nói tới trường KHTHCC, có người tỏ ý ngần ngại về tên trường, không hiểu có thể dạy gì về kỹ thuật cao cấp trong điều kiện khó khăn tại chiến khu. Bác Hồ đã hỏi giáo sư Lê Văn Thiêm là ông sẽ dạy gì cho sinh viên KHTHCC. Giáo sư Thiêm trả lời rằng trước hết sẽ dạy khoa học cơ bản. Mọi người tỏ ý tán thành. Hồ Chủ tịch bảo thế thì hãy gọi là trường Khoa học Cơ bản. Tên trường KHCB đã có từ ý kiến đó của Bác Hồ. 

Tháng 7 năm 1951, trong một buổi họp sinh viên, giáo sư Thiêm cho chúng tôi biết là với sự giúp đỡ của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ đã quyết định thành lập khu học xá Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây. [.. ..]. Khu học xá Việt Nam, vào năm 1951 và vài năm sau đó, gồm một số giảng đường và lớp học bằng gỗ, lợp tranh, cùng với một số ký túc xá đặt trong các đền thờ của làng Tâm Hư, một làng quê nhỏ ở cách thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây khoảng hơn 10 km. 

Giảng đường, ký túc xá đều không có lưới điện, nước máy. Nước ăn uống, tắm giặt do chúng tôi thay phiên nhau tự gánh từ hồ về. Các thày giáo như giáo sư Thiêm, giáo sư Xiển, giáo sư Kon Tum cũng hàng ngày cùng chúng tôi gánh nước. Ánh sáng học ban đêm là đèn dầu. Giảng đường, lớp học đều không có bàn viết, ghế ngồi. Mỗi sinh viên, học sinh được phát một ghế nhỏ để ngồi và một bảng gỗ thay bàn viết. Mỗi lần lên lớp đều phải xách theo ghế và bảng. Ðiều tốt so với ở chiến khu Việt Bắc là khu học xá có hòa bình. [.. ..]. Ðiều đáng chú ý là phương pháp đào tạo lấy khoa học cơ bản làm gốc của trường đã đem lại những thành công to lớn. 

Những người sinh viên do điều kiện gian khổ, thiếu thốn trong rừng sâu, hay tại làng Tâm Hư thôn dã, chỉ có thể học các môn Toán, Lý, Hóa học với vài ba tài liệu giáo khoa, nhưng sau hai năm học khoa học cơ bản của các trường đại học ở các nước xã hội chủ nghĩa tiên tiến đều trở thành những sinh viên, những nghiên cứu sinh xuất sắc. Những người trở về nước phục vụ chiến đấu, tiếp quản khoa học, kỹ thuật từ vùng tạm chiếm cũng đã có những cống hiến hết sức vẻ vang. [.. ..].

Cái gì là nguyên nhân của những thành công này, ngành Khoa học giáo dục Việt Nam nên nghiên cứu. Là một người trong cuộc, tôi thấy một cách khái quát rằng đó là do tư tưởng giáo dục đúng đắn của giáo sư Lê Văn Thiêm, người sáng lập, chỉ đạo và điều hành trường KHCB. Nội dung chính của tư tưởng này là : lấy khoa học cơ bản làm gốc ; phát huy cao độ khả năng tự học và động cơ học tập đúng đắn của người học ; không tham dạy nhiều về khối lượng, mà chú ý chọn lọc kiến thức tinh hoa của thế giới. [.. ..]. Nghiên cứu vận dụng tư tưởng giáo dục này là việc hết sức cần thiết trong giải quyết các khó khăn về giáo dục và đào tạo hiện nay ở ta. 

– Trích bài ông Nguyễn Văn Ðạo, giáo sư Cơ học, đại học Quốc gia Hà Nội :

Với ý thức nóng bỏng về những ứng dụng thực tiễn của lý thuyết hàm biến phức, giáo sư đã nắm bắt rất nhanh một thành tựu Cơ học mới của Liên Xô vào những năm 1960 -- lý thuyết nổ định hướng của La--vren--chi--ep. [.. ..]. Dưới sự chỉ đạo của [ông], một nhóm cán bộ khoa học trẻ của các viện nghiên cứu và các trường đại học đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng lý thuyết này trong việc nạo, vét các kênh, mương, trong việc phục vụ giao thông thời chiến, trong việc khai thác mỏ, trong việc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình.. ..[.. ..] 

Giáo sư đã trực tiếp theo dõi công việc của một kỹ sư trẻ trong việc cải tiến máy kéo MTZ của Liên Xô theo kiểu bánh lồng để làm đất trên ruộng lầy. Phải làm sao để máy kéo không bị lún quá sâu trong ruộng lầy có độ chặt từ một đến hai kilôgram trên một phân vuông, hơn nữa lại có thể làm nhỏ được đất mà không cần cày bừa gì cả, nghĩa là máy kéo chỉ cần chạy vài lượt là đất đã tơi nhuyễn và nông dân có thể cấy lúa được. Ông đã từng đạp xe đạp cả ngày đường để đến xã Tế Tiêu ở Hà Sơn Bình xem thử nghiệm sản phẩm mới này. Hôm đó trời rét, lại mưa lâm thâm, nhà toán học Lê Văn Thiêm đã sắn quần xăm xăm lội xuống ruộng bùn để xem kỹ góc chuyển động của các mẩu bám bằng thép và tác dụng của nó khi máy chạy trên ruộng. Hôm đó, bà con nông dân kéo ra rất đông, lần đầu tiên trên cánh đồng ngập nước mênh mông đã có máy cày xuồng chạy. Nhiều người phấn khởi, lội ùa xuống ruộng, đi theo một người đang lụi cụi ở phía sau máy kéo mà bùn đất đã làm lấm lem chiếc áo ngoài bạc phếch của ông. Họ cũng không biết rằng đó chính là giáo sư toán học nổi tiếng Lê Văn Thiêm. 

– Trích bài của bà Hoàng Xuân Sính, giáo sư Toán học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội: 

[.. ..] Trí thức Việt kiều [du học ở Pháp] về nước đợt đầu là theo con đường phái đoàn của ta sang Pháp đàm phán năm 1946, lộ trình này không có gì gian nan. Ðợt thứ hai chỉ có anh Thiêm. Sau này, anh Tạ Quang Bửu cho tôi hay, anh Thiêm phải sang Anh ở mấy tháng [?] để thực dân Pháp không nghi là về với kháng chiến, rồi từ Anh đi Thái Lan. Ở Thái Lan, anh Thiêm nhận nhiệm vụ áp tải vũ khí mua ở đó đưa về chiến khu Nam Bộ. Anh ở chiến khu Nam Bộ mấy tháng, sau mới đi bộ ra miền Bắc. [.. ..] đối với anh chị em Việt kiều chúng tôi, chưa bao giờ phải phiêu lưu như vậy, thì chuyện về nước của anh Thiêm là một huyền thoại. 

Tôi không biết anh [Trần Ðức] Thảo về nước thế nào, có nhiều khó khăn hay không, nhưng chắc chắn không mấy dễ dàng vì anh Thảo cũng về trong lúc còn kháng chiến. Sau anh Thảo, một loạt anh em Việt kiều về nước năm 1952, về rất dễ dàng, không phải giấy tờ gì cả, được cảnh sát Pháp bắt tại nhà, hỏi cung trong một ngày, làm giấy quyết định trục xuất sau khi hỏi cung, rồi đưa bằng tàu hỏa xuống cảng Marseille, từ đó xuống tàu biển tiến thẳng về cảng Sài Gòn, rồi vào khám Chí Hòa. Anh Phạm Huy Thông được « vinh dự « về như vậy. Cùng đợt về với anh Thông, ở tỉnh Toulouse nơi tôi đang học lúc đó, có anh Võ Văn Lạc. [.. ..]. Người thanh niên Võ Văn Lạc, bí thư chi bộ Toulouse, năm đó mới ngoài hai mươi tuổi. Chuyện của anh cũng nên nhắc lại ở đây để thấy số phận mỗi Việt kiều trên con đường về với Tổ Quốc. Sau đêm anh vẫy chào từ biệt chúng tôi, gần chục năm sau tôi mới lại gặp anh, nhưng lần này trên đất Bắc. Do thực dân Pháp đã chuyển anh từ khám Chí Hòa ra nhà tù Hà Nội, rồi anh được chuyển đi cải tạo khi ta tiếp quản thủ đô vì trường hợp anh quá đặc biệt khó tin. 

Các anh khác ở lại khám Chí Hòa, sau 1954 được thả ra, chỉ có anh Lạc và anh Phạm Huy Thông bị thực dân Pháp chuyển ra ngoài Bắc. Anh Thông ở nhà tù Hải Phòng, còn anh Lạc ở nhà tù Hà Nội. Anh Thông là lãnh đạo của Việt kiều ở Pháp, nổi tiếng, luôn luôn có liên lạc với Trung ương, nên không xảy ra điều gì nhầm lẫn. Anh Lạc đi cải tạo đến năm 1958. May cho anh, một hôm đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn thấy anh trong đám tù cải tạo đang làm đường ở miền núi, thấy mặt mũi anh sáng sủa nhân hậu, hỏi chuyện anh và hiểu ngay câu chuyện mà người thường khó hiểu, đã đưa anh từ trại cải tạo về công tác ở Nhà xuất bản Sự Thật. [.. ..]. Nếu không có ngọn đuốc đưa đường của các anh, chúng tôi không biết phải sống thế nào sau cái đêm tiễn các anh bị [Pháp] bắt về nước tống giam. Anh Thiêm và các anh cùng thế hệ với anh, đã ảnh hưởng đến chúng tôi như vậy. Nhưng có điều xót xa này, tôi thấy cần phải nói. 

Trong chuyến đi công tác cùng anh Thiêm năm 1974 [chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế Toán học ở Vancouver] (1), tôi thấy anh Thiêm có những sợ sệt rất vẩn vơ mà Việt kiều tiếp xúc không hiểu được. Cùng cảnh ngộ, tôi chua xót nhận ra. Anh Thiêm mới thoát khỏi một cuộc « tranh cãi « dài liên miên của đại học Tổng hợp, « tranh cãi « đến mức phải cho sinh viên nghỉ học dài dài để thày tập trung họp « thảo luận «. Kết quả là Viện Toán được thành lập để anh Thiêm và anh Hoàng Tụy có chỗ làm việc (2). Ở anh Trần Ðức Thảo, tôi cũng thấy những sợ sệt, nhưng còn nặng nề hơn anh Thiêm nhiều. Tôi đau buồn phải nói ra điều này, nhưng tôi thấy đó là một điều tốt nếu nói được ra. 

– Trích bài ông Hoàng Tụy, giáo sư, viện Toán học, Trung tâm khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia : 

Ðương nhiên giá như giáo sư Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông. [.. ..].

Về phương diện con người, giáo sư Lê Văn Thiêm rất mực điềm đạm, khiêm tốn và nhân hậu, sống rất giản dị và nhiều lúc hóm hỉnh một cách thật dễ thương. Luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến và rất bao dung cao thượng, nhưng mặt khác ông lại là con người nguyên tắc, đấu tranh không khoan nhượng cho lẽ phải và chân lý. Những đức tính tựa hồ mâu thuẫn đó có lúc đã gây cho ông không ít rắc rối, nhưng những người hiểu ông đều hết sức cảm phục tấm lòng nhân ái, vị tha của ông. 

– Trích bài ông Nguyễn Cang, giáo sư, đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh : 

Vốn rất ít nói và không hay nói đến mình, nhưng tôi luôn luôn gần thầy « khai thác bí mật « nhiều chi tiết với ý nghĩ đó sẽ là bài học tốt cho học sinh, sinh viên, thanh niên nước ta sau này. Những dịp may mắn gần Thầy trong những năm tôi làm việc ở Viện Toán, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, Thầy tiết lộ : « Mình nhỏ hơn anh Tạ Quang Bửu 9 tuổi. Khi mình sang Pháp học thì anh Bửu đã về nước làm việc, có uy tín lớn trong giới trí thức, sinh viên. Lúc anh Bửu là thành viên Phái đoàn Chính phủ ta sang đàm phán với Chính phủ Pháp ở Paris [Hội nghị Fontainebleau 1946], anh Bửu có đến thăm mình và khuyên mình bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ luận án Tiến sĩ quốc gia khoa học Toán học, vì càng có vị trí khoa học cao thì càng có uy tín để làm việc cho đất nước «. 

– Trích bài ông Nguyễn Ðình Ngọc, giáo sư, đại học dân lập Thăng Long, nguyên thiếu tướng Công an, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia về Toán ở Paris, mấy năm 1964, 1965 có làm giáo sư Toán đại học ở Pháp : 

Năm 1952, khi học lớp « điệp báo « ở Sở Công an Liên khu IV, tôi đã nghe kể về thầy : [.. ..] đã bỏ hết để về tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ đó, tôi đã kính trọng thầy như một tấm gương sáng của một người trí thức yêu nước. [.. ..]. Về Sài Gòn từ tháng 2 năm 1966, tôi đã dạy Toán theo các danh từ mà thầy và các đồng nghiệp đã chủ biên ở Hà Nội, và theo tinh thần đó mà bổ sung các danh từ chưa có trong đó. [.. ..]. Thật sung sướng khi đất nước thống nhất, tôi đã được gặp thầy, người thật việc thật ở hội nghị Toán học Bắc--Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách một « giáo sư chế độ ngụy được chế độ ta lưu dung «, còn đang phụ trách phân hiệu Thủ Ðức của Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chỉ mãi cuối năm 1977, khi trở về Hà Nội với tư cách một trung tá công an, tôi mới được lên viện Toán học ở Ðội Cấn tham gia các sinh hoạt Toán--Cơ để học hỏi thêm và làm thông tin khoa học kỹ thuật cho bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và bộ Công an. Vì công tác ở bộ Công an vẫn là chính nên những gì thầy đề nghị tôi làm như dịch thuật cho các giáo sư dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, phản biện các luận án (phó) tiến sĩ, các đề cương làm tiến sĩ (khoa học), vv. tôi đều cố gắng làm tốt nhất, noi theo tấm gương tận tụy, chí công vô tư, hết sức giúp đỡ lớp trẻ của thầy. 

– Trích bài của nhà toán học Laurent Schwartz viết ngày 14/12/1991 : 

Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu đã đấu tranh không mệt mỏi và hướng cuộc đấu tranh này tới việc đề cao chất lượng khoa học. Cả hai người đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Chính Lê Văn Thiêm đã phải làm một bản tự kiểm điểm công khai về quan điểm « chủ nghĩa nhân tài «. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều. 

– Trích thư chia buồn của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, gửi bà Lê Văn Thiêm ngày 12/7/1991 : 

Có thể chị không biết hết những quan hệ thân tình giữa tôi và anh Thiêm trong suốt thời gian anh hoạt động và phấn đấu quên mình ở miền Bắc. [.. ..]. Anh Lê Văn Thiêm qua đời càng làm nổi bật tầm vóc và sự cống hiến của nhà toán học và người chiến sĩ cộng sản Lê Văn Thiêm. Ðó là điều từ đáy lòng tôi muốn nói với chị và nói với hương hồn của người đã khuất, đồng thời có thể nói với mọi người. 

Vì số dòng/trang có hạn, tôi không thể trích nhiều hơn. Cuốn sách còn có bài của nhiều tác giả khác : của ông Ðặng Ðình Áng, giáo sư đại học Quốc gia TPHCM (về sự gặp gỡ và cộng tác với ông Thiêm khi ông chuyển công tác vào Nam năm 1981), của ông Nguyễn Hữu Anh, giáo sư đại học Quốc gia TPHCM, Việt kiều cũ ở Mỹ và Canada (về vài kỷ niệm « vui « với ông Thiêm, đặc biệt là chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế Toán học ở Helsinki 1978 (3)), của các ông Phan Ðình Diệu, giáo sư đại học Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Ðình Trí, giáo sư đại học Bách khoa Hà Nội (cả hai thuở xưa là sinh viên của ông Thiêm), v.v. 

Chú ý là cuốn sách không chỉ là sự tập hợp những kỷ niệm về ông Lê Văn Thiêm mà còn cho một số thông tin về những cảnh ngộ khác nhau của những Việt kiều « trên con đường về với Tổ Quốc «. Nó cũng kể lại một số sự kiện mà tới nay ít ai chú ý, thí dụ như đã thấy trong các phần trích trên đây : một nét của cái nhìn của Hồ chủ tịch về vấn đề khoa học, điều kiện trú ngụ của Trường KHCB ở Trung quốc, cái sự « hiểu ngay câu chuyện mà người thường khó hiểu « của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cái nhìn của ông Tạ Quang Bửu về việc nên học đến nơi đến chốn (khác với một số người một thời chủ trương là Việt kiều ở Pháp chẳng cần/chẳng nên « học cao «, na ná như việc chủ trương năng lượng là do sức kéo của con người mà ra, không cần coi trọng cơ giới), vv. 

Riêng về phần tôi, (như tôi đã viết trong bài của tôi), tôi bắt liên lạc với ông Thiêm từ thuở những năm 1960 gì đó, và có thể nói là có quan hệ mật thiết, dù tôi chỉ thực sự gặp ông vào năm 1970, và những lần về nước sau đó, và chuyến ông qua Pháp trên đường đi Vancouver. Công lao của ông ngày nay đã được ghi nhận. Còn những gian nan ông gặp phải, cũng cần được nói lên. Tuy ông không bao giờ thổ lộ, tôi có nghe kể là có một thời một số người phê phán ông về sự « sai lầm « chú trọng cán bộ giỏi (« giỏi « theo nghĩa nghề nghiệp) và muốn tập trung họ về làm việc ở đại học cho có hiệu quả, nghĩa là đã không ưu tiên các « thành phần cơ bản «. Làm công tác trí thức ở Việt Nam rất là khó, nhất là trong những năm chiến tranh. Không chỉ vì trang bị, mà còn có vấn đề giữa : lý thuyết và thực hành, cơ bản và ứng dụng, hồng và chuyên. Những khó khăn loại đó, ngay cả những nhà « khoa học tự nhiên « cũng gặp phải, chứ không chỉ những nhà văn, nhà thơ, khoa học xã hội và nhân văn (4).. .. 

Ở xa nhìn về nước, tôi cũng biết được là, trong cuộc sống, những năm khó khăn đã thuộc về quá khứ. Về mặt công tác chuyên môn, chắc ngày nay cũng dễ dàng hơn trước. Mong rằng các thế hệ trí thức nối tiếp, không quên công lao và sự vất vả của những người đi trước mở đường, trong đó có nhà toán học Lê Văn Thiêm. 

(*) Bùi Trọng Liễu, giáo sư đại học (Paris, Pháp) 

Chú thích: 

(1) Hội nghị quốc tế Vancouver (1974) có sự tài trợ cho đoàn Việt Nam (xem bài « Vài lời về ông Laurent Schwartz «, Diễn Ðàn số 121). Lần này, đoàn gồm ông Lê Văn Thiêm và bà Hoàng Xuân Sính. Ðoàn ghé Paris và phần nào được trang bị ở đây, trước khi đi Canada. 

Trong bài dẫn trên, tôi cũng có kể rằng các nhà toán học Pháp và nước ngoài rất quí trọng ông Thiêm vì ông đã từ bỏ sự nghiệp riêng để theo « nghĩa cả «.

(2) Hồi thành lập viện Toán học, ông Hoàng Tụy chuyển công tác từ đại học Tổng hợp về viện trước, rồi sau đó ông Thiêm chuyển về làm viện phó (nhưng không có viện trưởng) năm 1970. Mãi đến 1975, sau nhiều lần can thiệp của cả thủ tướng Phạm Văn Ðồng, ông Thiêm mới được bổ nhiệm chính thức viện trưởng viện Toán học. Sự tồn tại của một viện nghiên cứu Toán học tách rời khỏi đại học, trong một đất nước còn nghèo, là một sự ngạc nhiên đối với một số nhà khoa học, thí dụ như đối với ông Laurent Schwartz, bởi vì nguyên nhân không dễ hiểu. Viết mấy dòng này, tôi đã « trả nợ « lời hẹn trước đây, trong đó có lời hẹn trong Diễn Ðàn số 121, là kể chuyện này vào một dịp « tửu hậu trà dư « nào đó. 

(3) Bốn năm sau Vancouver, Hôi nghị quốc tế Toán học (1978) họp ở Helsinki. ông Nguyễn Hữu Anh kể : 
« đoàn có 4 người do giáo sư Lê Văn Thiêm làm trưởng đoàn. [.. ..]. Hôm lên đường, trời mưa rất to. Xe đón giáo sư Thiêm ở ngõ Hàng Chuối mà đường ngập đến gần đầu gối. Sau mấy tiếng đồng hồ trên chiếc xe lộc cộc, chúng tôi mới đến sân bay Nội Bài. Tại đây, trong khi ngồi chờ lên máy bay, tôi tình cờ gặp một anh bạn Việt kiều từ Canada về chơi. Anh đưa cho tôi 50 dollars phòng khi bất trắc vì đoàn đã không lấy tạm ứng từ Ngân hàng vì ngại thủ tục quá rườm rà. Hóa ra số tiền mà anh bạn đưa đã giúp chúng tôi xoay xở khi mới đến Helsinki [vì khi đến nơi] thì nảy sinh vấn đề vì đó là lúc cuối tuần, Văn phòng Hội nghị đóng cửa. Nhờ có số tiền của anh bạn từ Canada, chúng tôi mới đi được xe bus từ sân bay về trung tâm thành phố. Tại đây, tôi đã đề nghị và giáo sư Thiêm quyết cứ thuê phòng khách sạn ở, vì chưa phải trả tiền ngay. Ngày hôm sau, gặp Ban tổ chức Hội nghị nhận tiền tài trợ dự Hội nghị (đoàn được IMU tài trợ thông qua đề nghị của giáo sư Laurent Schwartz), chúng tôi mới thở phào ! «. 

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến hai chuyện tương tự. Hồi mới sau giải phóng, một cán bộ khoa học cao cấp sang Pháp dự Hội nghị ở UNESCO, khi đến thăm tôi, ông kể rằng máy bay đến chệch giờ, sứ quán không đón được, may ông được một người Pháp hảo tâm biếu ông một franc để ông gọi được điện thoại để có người ra đón. Ông Trần Ðại Nghĩa cũng kể cho tôi nỗi lo của ông trong chuyến đổi máy bay ở thủ đô Áo để sang Pháp (do Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp và một số hội đoàn Pháp chung mời năm 1983) mà trong túi không một đồng ngoại tệ ; ông chỉ lo lỡ chuyến máy bay thì không biết giải quyết ra sao. Cái thời bao cấp ! 

(4) Nhân đây xin cho tôi được liên tưởng dây mơ rễ má, và kể về một điều « tiếc « của tôi : 

Năm 1969, hôm tôi nhận được bức thư của ông Tạ Quang Bửu (lúc đó đang là bộ trưởng đại học và THCN, mời tôi về làm việc trong nước 4 tuần, để thí điểm cho việc Việt kiều về nước làm việc ngắn hạn), cũng là hôm có buổi họp Việt kiều ở Paris để nghe ông Lê Ðức Thọ giải thích tình hình đàm phán hội nghị Paris. 

Ông đã ngồi vào bàn, và sắp sửa nói, nhưng người xúm quanh còn rất đông. Nhắc lại là thuở ấy ông là nhân vật rất quan trọng, cho nên ngoài những Việt kiều có nhiệm vụ công tác với đoàn đàm phán nên có dịp gần gũi ông, còn thì cũng nhiều người khác muốn được ông biết đến. Cũng là chuyện tự nhiên của thời đó : « Nam bắc lai chầu xâm tể tể, đông tây chí biện đổ hân hân «. 

Tôi vốn không được quen ông, vả lại tôi cũng giữ ý. (Thuở đó, tôi cũng đã nghe « đồn « là ông Lê Ðức Thọ vốn tên thật là Phan Ðình Khải, và là con hay cháu gì đó của ông Phan Ðình Hòe, tổng đốc Nam Ðịnh vào những năm thuộc thập niên 30. Vào năm 1936, chú H. của tôi du học ở Pháp về, có làm tri huyện tập sự ở Nam Ðịnh mấy tháng trước khi bị chết bệnh. Ông nội tôi vì có quen biết ông Phan Ðình Hòe, nên có nhờ ông PÐH viết cái « thần chủ « (bài vị) cho đám tang chú tôi ; cái đồ thờ ấy, ngày nay còn tồn tại. Thuở ấy, tôi « giữ ý « vì sợ mang tiếng là « thấy người sang, bắt quàng làm họ «.. ..). Trở lại câu chuyện : tôi đang đứng ở cuối phòng, thì bỗng anh Huỳnh Trung Ðồng, chủ tịch hội Việt kiều lúc đó, gọi tôi. 

Anh lách qua đám đông dắt tôi lại giới thiệu với ông Lê Ðức Thọ, và anh bảo tôi đưa bức thư của ông Tạ Quang Bửu cho ông xem. Ông chỉ nói với tôi có mấy câu : « Trong nước chủ trương như thế. Ta rất chú ý đến trí thức Việt kiều. Anh nên thu xếp về sớm «. Ðó là lần duy nhất tôi có dịp trao đổi với ông. Rồi tôi cũng nghĩ rằng ông chả nhớ tôi là ai. Bẵng đi hơn ba mươi năm, nghĩa là cách đây không lâu, một hôm một quan chức, nhân dịp qua Pháp, tình cờ kể cho tôi nghe là lúc sinh thời, ông Lê Ðức Thọ hay hỏi thăm về trí thức Việt Kiều, và mỗi lần như vậy ông đều hỏi thăm về tôi. Ðó là điều mà trong mấy chục năm tôi không được ai cho biết. Tôi nghe rồi cũng hãi, và tôi hỏi rằng không biết tôi có làm điều gì để ông « nghi « chăng, thì được trả lời rằng khi ông hỏi về ai, thì thường có hai khả năng : hoặc là ông « nghi «, hoặc là ông quí ; và trong trường hợp của tôi, thì ông không « nghi «. Tôi nghe rồi thì lại thấy « tiếc «, tiếc rằng nếu thực vậy và nếu thuở đó tôi được biết, thì có lẽ tôi thử cố len vào để được quen ông, chẳng phải vì tôi muốn cầu cạnh gì, mà chỉ để có dịp « điều trần « với ông về « điều kiện làm việc của người trí thức trong nước «, như tôi đã « điều trần « với các lãnh đạo khác trong nhiều năm. Tuy ngày nay chỉ là chuyện giả tưởng, nhưng tôi « tiếc « là vì thế, chẳng phải là tôi nghĩ rằng mình có thể góp phần làm thay đổi gì nhiều, nhưng ít ra mình cũng cố gắng hết sức mình, còn hơn là được quen ông mà cứ im lặng.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.