Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 25/09/2006 23:30 (GMT+7)

Lê Văn Sơn và “Tắc xí muội”

Biệt danh Sơn "tắc xí muội" là của bà con lối xóm gọi anh Lê Văn Sơn ở ấp Tân An xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Hồi trước, thấy anh với chiếc xe gắn máy cà tàng chở thùng tắc xí muội do chính tay mình làm đi rao bán, quả là ngộ nghĩnh trong mắt nhiều người ở vùng cây ăn trái Chợ Lách. Người ta nghĩ rằng chắc tại anh dư thời gian nên "làm láp", không bao lâu rồi cũng dẹp. Nhưng bây giờ mọi người xung quanh ai cũng nể vì tắc xí muội của anh Sơn làm bán "đắt như tôm tươi", cứ đều đặn gửi xe đò đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Mọi người còn giật mình khi nghe nói anh định sắm xe tải để chở tắc xí muội đi giao mỗi ngày. Nhiều người thấy anh ăn nên làm ra cũng bắt chước làm tắc xí muội.

Lê Văn Sơn là con út trong một gia đình đông anh em. Cũng như bao thanh niên lớn lên ở xứ sở của vùng cây ăn trái Chợ Lách, khi lập nghiệp đi theo nghề truyền thống là làm cây giống để buôn bán. Sau ngày cưới vợ, anh Sơn được cha mẹ cho ra riêng cùng tài sản vài công đất với nhiều loại cây trồng. Cây nào khi ra trái bán cũng có thu nhập khá, vậy mà cây tắc đến mùa thuận thì giá rẻ như bèo, cả cần xé tắc bán chỉ được vài ngàn đồng bạc. Có khi lười biếng anh không thèm hái trái bán, vì lỗ công, bỏ tắc chín vàng rụng lăn lóc trong vườn. Nhưng rồi anh thấy tiếc vì hai vợ chồng đâu dư dả gì mà bỏ của. Xót xa nhìn dưới gốc cây dày đặc tắc rụng, anh Sơn liên tưởng đến những hủ tắc muối mình làm để dành pha nước đá uống. Rồi anh nghĩ: Tắc muối khi đem pha uống với nước đá thì phải giằm, trộn đường, sao mình không pha chế thành một sản phẩm khi đưa vào sử dụng không tốn nhiều thời gian. Thế là anh Sơn xách rổ ra vườn hái tắc chín trên cây đem vô nhà pha chế như suy nghĩ của mình. Tắc được anh Sơn dùng dao sắt thật mỏng trộn đường, mật ong, muối và thêm gia vị. Sau đó anh đem phơi nắng rồi bỏ vào hủ khoảng 20 ngày mới lấy ra pha với nước đá uống thử thì thấy ngon thật. Thưởng thức sản phẩm đầu tay của mình cùng với vợ, nghe vợ khen ngon, anh sẵn dịp thố lộ: "Chà, nếu mình đem sản phẩm này bán ở các quán không chừng có lý". Hôm sau anh liền lấy 100 ngàn đồng mua 50 kg tắc và các loại gia vị về làm 50 hủ tắc xí muội bán thử.

Việc bán được sản phẩm "lạ hoắc lạ huơ" cũng không phải chuyện dễ dàng, vì trước giờ nơi đây đâu ai nghe nói tắc xí muội. Anh Sơn không thể nào quên ngày đầu tiên đem mặt hàng của mình đi chào hàng nhằm ngày 14 - 7 âm lịch năm 1999. Anh kể: "Tôi chọn ngày này để đi chào hàng với suy nghĩ ngày rằm sẽ có nhiều người đi chùa, các quán sẽ bán nước đắt, nhân dịp này giới thiệu luôn với khách. Còn nếu có rủi bán không được thì tháp tùng cùng mọi người đi lễ chùa luôn cho đỡ mắc cỡ". Nào ngờ sản phẩm tắc xí muội của anh Sơn pha mời khách uống thử ở các quán ai cũng tấm tắc khen. Các chủ quán thấy vậy cũng mua một vài hủ. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ của buổi chiều hôm đó anh Sơn bán được 30 hủ tắc xí muội.

KIÊN NHẪN VỚI NGHỀ

Khi nhiều quán nước trong huyện Chợ Lách đã quen với sản phẩm tắc xí muội, anh Sơn mướn thêm nhân công để tiếp mình ở khâu xắt tắc làm với số lượng nhiều hơn để giới thiệu ở các nơi trong tỉnh và lên thành phố Hồ Chí Minh. Theo chân anh nông dân miệt vườn, sản phẩm tắc xí muội được tiếp thị nhiều nơi, nhưng mảnh đất thị thành đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm. Có lần anh bước vào một quán lớn, mới để đồ xuống chưa kịp nói lời nào đã bị chị chủ quán  đuổi ra "như đuổi tà", xem anh chẳng khác người đi xin. Tự ái, nhưng anh nghĩ phải để cho chủ quán biết mình là ai, làm gì. Anh Sơn hết lời nài nỉ  chủ quán chỉ cần cho anh một lần pha tắc xí muội để uống thử, rồi có mua hay không cũng được. Dùng sản phẩm anh mời trong tình cảnh bị ép buộc, nhưng khi uống được vài hớp, chủ quán cười tươi gật đầu và mua liền mấy hủ để bán. Bây giờ quán này mỗi tháng tiêu thụ của anh đến 30 hủ tắc xí muội và nhận làm đại lý phân phối cho anh. Có nhiều nơi khi vào chào hàng, thấy chủ quán bận bịu công việc không có thời gian tiếp mình, anh xin được để lại sản phẩm và địa chỉ, khi nào cần thì liên hệ...

Sản phẩm tắc xí muội mang nhãn hiệu Sơn Đăng giờ đây đã có mặt ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, các siêu thị ở TPHCM, Vũng Tàu, Phan Thiết... Mỗi tháng tắc xí muội của anh Sơn tiêu thụ với số lượng 3.000 - 4.000 hủ. Mỗi hủ tắc xí muội có trọng lượng 1kg và giá bán là 10.000 đồng. Còn lợi nhuận, theo anh Sơn cũng tùy theo mùa. Mùa mưa thì mỗi hủ lời khoảng 4.000 đồng vì tắc rẻ, còn mùa nắng lời khoảng 2.000 đồng do giá tắc cao.

Anh Lê Văn Sơn tâm sự: "Ngày bắt tay làm tắc xí muội tôi nghĩ mình làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ không nghĩ đến chuyện kinh doanh. Nhưng càng làm cùng những gian nan, vui buồn trong công việc khiến tôi quyết định phải đeo đuổi nghề". Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở Sơn Đăng tiêu thụ 200 kg tắc (mùa nắng khoảng 400 - 500kg tắc/ngày). Để công đoạn xắt tắc được nhanh, anh đã đầu tư vốn mua máy xắt tắc. Để không phụ thuộc vào thời tiết những tháng mưa có khi tắc đã trộn xong nhưng không phơi được, anh đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng  làm một xưởng chế biến và mua máy sấy. Nhằm bảo vệ cho sản phẩm của mình, anh tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Tắc xí muội Sơn Đăng. Ngoài sản phẩm tắc xí muội, anh Sơn cũng đã làm thêm các sản phẩm khác như: me Thái hạt mềm đóng hôp; cóc tai đóng hôp; chanh xí muội đóng hôp...


Nguồn: baocantho.com.vn 13/11/2004

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.