Lê Cao Đài - Người thầy thuốc, chiến sỹ *
Ý đồ nghiên cứu này của GS Lê Cao Đài nhằm thu được các chứng cứ mạnh nhất để tố cáo cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Hoa Kỳ gây ra ở Việt Nam và để đòi lại công lý cho các nạn nhân.
Nghiên cứu bị hủy, tại sao? Không thể chối cãi bằng bất cứ lý do chính trị nào để mọi người hiểu và nhất trí được, nhất là khi đất nước ta quá nghèo và việc phân tích được dioxin lại quá tốn kém (một mẫu phân tích trị giá hiện nay khoảng 800 – 1000 USD. Còn trước đây nhiều năm nó đắt gấp đôi, gấp rưỡi). Và cái chính là ta rất cần các chứng cứ số một đó. Những kết quả định lượng dioxin của các mẫu thu được ở nước ta cao gấp 100 – 500 lần, 1000 lần, 100.000 lần số liệu nền được chấp nhận của tất cả các nước trên thế giới. Sao ta không tìm mọi cách để có được chúng? Thời gian trôi đi sẽ làm giảm các nồng độ cao ấy nhất là khi mưa bão, lũ lụt, nắng gió ở ta rất nặng nề.
GS. Lê Cao Đài đã photo báo cáo của nhóm tác giả (ông, Schecter, Olap Paple...) phát cho thành viên tham gia Hội nghị khoa học Việt - Mỹ để họ đọc thêm cho rõ ràng tình hình nhiễm độc mới của Biên Hòa. Nhưng những tài liệu trên không được phát hành trong Hội nghị.
Hết ngày họp thứ nhất của Hội nghị khoa học Việt - Mỹ, cuối buổi chiều tất cả các đại biểu Việt Nam được triệu tập về họp tại Bộ Y tế để rút kinh nghiệm và nhất trí chủ trương cho ngày sau. Thật ra tuy đấy là một cuộc họp khoa học nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và Mỹ.
GS. Lê Cao Đài đã không ngừng tranh luận trong hội nghị này. Ông không chấp nhận thái độ nửa vời của phía ta với Mỹ (nó kế tiếp tinh thần hội nghị đã tổ chức giữa hai nước Việt Nam và Mỹ năm 2000 tại Singapore) là chưa tính đến quyền lợi nạn nhân da cam của Việt Nam ở thời điểm sắp hết hạn thời hiệu khởi kiện lên Tòa án Hoa Kỳ - mà ta nhất thiết phải làm (như hiện nay ta đang làm).
Hầu hết cộng tác viên của ông dù không có nhiều kinh phí để nghiên cứu nhưng đã luôn luôn thực hiện các đề xuất của ông, chia sẻ mọi khó khăn của ông và hỗ trợ tinh thần ông.
Ngay trong và sau Hội nghị khoa học Việt - Mỹ (tuy hội nghị chỉ họp chính thức có hai ngày nhưng sau đó còn kéo dài nhiều ngày để bàn bạc các chi tiết, kế hoạch triển khai công việc), ông đã cố gắng nhen nhóm các tổ nghiên cứu chuyên đề da cam trong Tổng hội Y học Việt Nam với sự ủng hộ của cố GS Đặng Đức Trạch (nguyên Chủ tịch Tổng hội) và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Chủ tịch GS Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng).
Các tổ chức này chưa bắt đầu làm việc thì ông đã gục ngã vì một căn bệnh trầm trọng! Ông mất vào tháng 4/2002, hơn một tháng sau Hội nghị khoa học Việt - Mỹ. Một căn bệnh rất lạ đối với các thầy thuốc Việt Nam đã cướp đi mạng sống của ông trong vòng hai tuần lễ. Bắt đầu là một viêm tụy cấp hoại tử rồi đến hoại tử đa tạng: phổi, gan, ruột, dạ dày... và nhiễm độc.
Tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp và cộng tác viên nghiên cứu về chất độc da cam vô cùng thương tiếc và kính trọng ông.
Bốn năm qua đi kể từ khi ông mất. Càng ngày phẩm chất cao đẹp vì những con người nghèo khổ và đau thương - những nạn nhân chất độc da cam, những người cùng số phận với ông, đã cống hiến những năm tháng trẻ trung của đời mình cho đất nước càng hiện rõ. Như những vì sao ít ỏi trong một đêm tối mịt mùng cứ chiếu sáng tâm trí chúng tôi.
Chúng tôi vẫn tiếp tục con đường của ông đã vạch ra, thực hiện đúng các đề xuất trước đây của chính ông, những đề xuất mà có thời gian không lâu trước đây người ta đã lên án và bóp nghẹt cho nó chết. Bây giờ các đề xuất ấy đã trở thành các chủ trương sáng suốt của lãnh đạo về cuộc đấu tranh chống lại sự tàn bạo của con người, chống lại cuộc chiến tranh hóa học của quân đội Hoa Kỳ đã gieo rắc xuống dân tộc ta, không phải chỉ ở một thế hệ trải qua cuộc chiến đó. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu mới phải đòi hỏi thời gian, chúng tôi đã sử dụng các kết quả nghiên cứu của chính sự tiên phong, sự tâm huyết của ông, của lòng tận tụy với nhân dân Việt Nam của ông về các chứng cứ cho cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ, đặc biệt các chứng cứ về sự phơi nhiễm mới sau chiến tranh để cho thế giới biết và để làm chứng cứ cho Tòa án Mỹ khi khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ - chứng cứ về tội ác của Mỹ, về sự thực bị nhiễm độc dioxin của người dân Việt Nam. Trong hàng vạn cán bộ khoa học như chúng tôi bao giờ cũng có những con người cao đẹp như vậy dẫn đường, những tấm gương thực sự.
(Viết sau khi GS Lê Cao Đài mất 4 năm)
_________________
* Trích bài báo: “ Giáo sư Lê Cao Đài và bối cảnh Hội nghị khoa học Việt - Mỹ về tác hại của Agent orange/Dioxin lên môi trường và con người” (Hà Nội, 3/2002). Đã in trong tập sách: “ Lê Cao Đài - người thầy thuốc, chiến sỹ”, NXB Thế giới -2007.