Lấy chăn nuôi “nuôi” cây trồng - Kỹ sư trồng trọt trở thành ông chủ
Ông Ai nghĩ: “Mình hơn người ở chỗ biết cách trồng trọt, nên đất tốt, đất xấu đều có thể thành vườn, thành rừng”. Ngay từ bấy giờ, ông đã nghĩ đến việc biến đồi sỏi thành vườn sinh thái. Ông quy hoạch đường đi, ô thửa trồng cây. Ông lại quy hoạch một địa điểm cuối chiều gió để làm chuồng lợn, lấy phân hữu cơ bón cây.
Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại
Trước đó, ông cũng đã chăn nuôi lợn, gà, thỏ, nấm nhưng khó tiêu thụ. Nay xây dựng trang trại cây lớn không thể chăn nuôi nhỏ được. Ông đi xem xét nhiều nơi, cuối cùng chọn nuôi lợn nạc của Tập đoàn CP Thái Lan, từ tháng 9/2002. Lúc đầu, người ta khuyến cáo ông nuôi 120 con nái hoàn toàn theo phương pháp tự động hoàn toàn, quạt gió 24/24 giờ. Nhưng ông thấy ở đồi lộng gió, nên không cần tốn kém điện và thiết bị quạt. Hiện nay, hệ thống chuồng trại của ông Ai thuộc loại hiện đại phù hợp với môi trường đồi cao, biệt lập khu dân cư. Có hệ thống ăn uống tự động, che chắn bán tự động, có hệ thống đèn sưởi, giàn phun mát...
Vào bất kỳ chuồng nào cũng không thấy mùi hôi, vì việc dọn chuồng rất chu đáo. Ở chuồng lợn chửa đang có 40 nái, mỗi con ở một khoang có gióng sắt riêng biệt, sàn xi măng sạch sẽ. Cạnh đó là chuồng lợn đẻ, đang có 20 con đẻ và 10 con chờ, ngày nào cũng có 1-2 con đẻ. Tại đây, lũ lợn con chỉ được bú mẹ 20 ngày là chuyển sang chuồng cai sữa. Chuồng cai sữa có 26 ô, mỗi ô 10 chú lợn con, được chăm sóc rất cẩn thận, lớn đều, chỉ 1 tháng nuôi đã có trọng lượng 25kg. Đến thời kỳ này, đàn lợn 25 kg được dồn sang chuồng thương phẩm, vỗ đến 38-50kg là xuất lứa lợn choai. Mấy năm đầu, Cty CP môi giới cho Cty XK thực phẩm Hải Phòng lên bắt lợn. Về sau, thương lái nhạy cảm tìm đến mua. Năm 2005 và đầu năm 2006, giá có phần hạ, ông Ai không kéo dài thời gian vỗ nữa. Tuỳ từng khách hàng, ông bán các lứa lợn có trọng lượng khác nhau và bán cả lợn giống đực và nái. Lựa được nhu cầu của thị trường, nên trang trại lợn của ông Ai chỉ có khoảng 5% số lợn bán ra ngay tại chỗ.
Vì ở hẳn một khu đồi riêng biệt, công tác vệ sinh nghiêm ngặt, hạn chế tối đa người ngoài đến khu chăn nuôi, nên đến nay không có một con lợn nào bị bệnh dịch. Tuy vậy, trong thời gian có dịch lở mồm long móng, cách một ngày vẫn phun thuốc một lần. Ngoài ông là chủ trang trại và 4 người chuyên trách 4 chuồng lợn, tuyệt đối không ai được lai vãng đến. Trường hợp cần có người vào chuồng đều bắt buộc phải thực hiện chặt chẽ quy định: mặc áo choàng, đeo khẩu trang, đi ủng, được phun thuốc khử trùng và lội rãnh nước khử trùng trước khi vào.
Góp phần cải tạo môi trường sinh thái
Chăn nuôi phát triển đều đặn, nên hầm biogas đủ nước tưới vườn cây có hàng nghìn cây vải, nhãn, xoài, na dai, ổi. Ông Ai tính toán rành rẽ: “Nuôi lợn công nghiệp, hiện đại, tốn kém nhất và quan trọng nhất là thức ăn, chiếm đến 40% giá thành sản phẩm. Tính toàn bộ tiền cám, tiền điện, tiền xây dựng chuồng trại, chi phí cho mỗi kg lợn là 13.000 đồng. Lợn có chất lượng cao nên ít nhất cũng có giá bán 16.000 đ/kg, có lúc 18.000-19.000 đ/kg. Hiện tôi có 120 nái, bình quân mỗi con đẻ 2,3 lứa/năm, mỗi lứa 10 con. Như vậy, mỗi năm tôi có 2.760 lợn thịt trung bình 40 kg/scon, có tổng lượng 110,4 tấn, bán trung bình 17.000 đ/kg, thì bình quân thu được 1,976 tỷ đồng. Trừ chi phí còn lãi trên dưới 300 triệu đ/năm”.
Ông Ai khẳng định: nuôi lợn công nghiệp không cần phải có trình độ học vấn cao, miễn là phải có thông tin về thị trường, vệ sinh thú y. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cần có quyết tâm, có vốn khá. Cần dứt khoát bỏ thói quen nuôi lợn theo lối tận dụng phụ liệu, phế liệu nông sản.
Theo ông, nếu tỉnh có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, thì sẽ có nhiều người lập trang trại như ông và lớn hơn nữa. Vì tiền thức ăn chăn nuôi rất tốn kém, nên Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã có kế hoạch hỗ trợ trang trại của ông Ai một dây chuyền chế biến thức ăn cho lợn. Được trang bị máy nghiền, máy trộn và công thức pha trộn, ông Ai đã làm ra được loại thức ăn hỗn hợp có chất lượng cao từ ngô, cám gạo, khô đỗ tương, bột, một số chất khoáng, premix. Nhờ đó, ông đã chủ động được thức ăn gia súc từ 2-3 năm nay, mỗi kg rẻ hơn 1.000 đồng so với thức ăn công nghiệp. Ông sẽ xây dựng một xưởng lớn, sau khi mở rộng quy mô chăn nuôi lên 500 nái, cùng lúc sẽ chuyển biogas thành điện năng dùng thắp sáng, chạy máy, vệ sinh chuồng trại...
Từ đỉnh đồi trang trại của ông Nguyễn Bác Ai nhìn xuống có thể thấy khu đô thị mới của thị xã Vĩnh Yên vừa được xây dựng. Nếu được chấp nhận, 4 ha đồi cây quả có giá trị này sẽ tô điểm thêm nét tươi xanh cho đô thị mới khô cứng màu bê tông. Ở các nước tiên tiến, người ta rất coi trọng các vườn cây, rừng cây nhỏ xen kẽ giữa đô thị. Đây vừa là điểm nhấn của cuộc sống công nghiệp đầy tất bật, vừa góp phần rất quan trọng để hút bụi, giảm tiếng ồn, lại vừa cải tạo môi trường, sinh thái rất có hiệu quả.
Nguồn: Thời báo Kinh tế ViệtNam- No.152,01/08/2006