"Lập trình viên nhí" đoạt nhiều giải thưởng cao
Viết phần mềm từ lúc học lớp 3
Thay vì chạy nhảy, nô đùa như bao đứa trẻ khác, ngay từ hồi học tiểu học ở một xã nghèo thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Dương Kim Hảo đã ngồi ôm khư khư máy tính của ba và sáng tạo nên các phần mềm mang tính ứng dụng cao.
Sản phẩm đầu tay của Hảo là phần mềm Cộng điểm tự động được làm khi em mới bước vào đầu năm lớp 3. Hảo cho biết: "Bố em là giáo viên dạy toán một trường THCS ở gần nhà. Hằng ngày, thấy bố thức khuya dậy sớm chấm điểm, rồi ghi chép từng con điểm vào sổ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, em lập phần mềm giúp bố tính điểm trung bình nhanh hơn. Ngoài ra, phần mềm còn có phiếu liên lạc tự động hằng tháng, hằng ngày của mỗi học sinh đến cho phụ huynh".
Từ khi có phần mềm chấm điểm tự động, thấy bố đỡ vất vả hơn khiến Hảo lại càng say mê tìm tòi. Ở xã Hảo lúc bấy giờ chưa có trung tâm nào dạy lập trình nên Hảo tự mày mò trên mạng là chính. Sản phẩm tiếp theo của Hảo là phần mềm Trắc nghiệm máy tính được viết giữa năm em học lớp 3. Phần mềm này giúp học sinh ôn thi bằng A vi tính dễ dàng hơn vì có tới 1.500 câu hỏi trắc nghiệm về word, excel, powerPoint. Ngoài ra, Hảo còn viết nhiều phần mềm khác như phần mềm giải toán lớp 4, lớp 5, lớp 6... Những phần mềm ở các lớp cao Hảo nhờ "cộng sự" đắc lực là ba em giúp đỡ về mặt kiến thức.
Sản phẩm đã đưa lại nhiều giải thưởng cao cho Nguyễn Dương Kim Hảo là phần mềm Bảng điều khiển thông minh giúp người dùng có thể tắt điện từ xa. Phần mềm này được em viết khi học lớp 5 để dành tặng mẹ. "Thấy mẹ thường quên tắt đèn, tắt quạt khi ra ngoài nên em làm bảng điều khiển này để mẹ có thể dùng điện thoại di động hoặc điều khiển từ xa được lập trình sẵn phần mềm để tắt các thiết bị điện trong nhà khi ở bất cứ đâu" - Kim Hảo chia sẻ. Với tính thiết thực và tiện ích trong đời sống hằng ngày, phần mềm này đã giúp Hảo giành được bảy giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo trong nước và quốc tế. Một trong những giải thưởng đó là Giải nhất các cuộc thi như Sáng tạo trẻ TP Hồ Chí Minh, tin học trẻ toàn quốc năm 2012, Giải nhì Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2013; sản phẩm còn đoạt Huy chương vàng tại Triển lãm quốc tế ITEX ở Ma-lai-xi-a, Huy chương vàng của Viện Sáng tạo trẻ In-đô-nê-xi-a, giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc...
Sáng tạo không ngừng
Là người có đam mê và năng khiếu về tin học, lên thành phố Hồ Chí Minh trọ học từ năm học lớp 5, Hảo lại có thêm nhiều điều kiện để phát triển lĩnh vực mình yêu thích. Hảo thường xuyên ra chợ Nhật Tảo để mua các linh kiện điện tử với giá khá mềm để về sáng tạo. Không dừng lại ở sản phẩm này, Hảo tiếp tục mày mò, nghiên cứu để tạo thêm những sản phẩm mới thiết thực, hữu ích cho mọi người.
Đầu năm học này, Hảo phát minh ra Máy tính học hóa để giúp chị gái học môn hóa học tốt hơn. Đây là một máy tính nhỏ gọn, dễ mang trong người, nó có thể lưu trữ hàng nghìn phương trình, phản ứng hóa học giúp việc học dễ dàng hơn. Sản phẩm đã đoạt giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, Hội thi Tin học trẻ TP và Hội thi Tin học trẻ toàn quốc. Mới đây, Hảo đã phối hợp với Nguyễn Phúc Huy Anh (lớp 6, Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Gò Vấp) và Lê Vũ Ngân Trúc (lớp 5, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Tân Phú) thiết kế trang web biendaoquehuong.info. Website này được thiết kế như một web game mi-ni, mô phỏng bằng hình ảnh, bản đồ đất nước Việt Nam, trong đó điểm nhấn là các đảo, quần đảo như Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc... Kim Hảo cho hay: "Khi vào trang web, các bạn học sinh sẽ trải qua các bước như những trò chơi. Qua trò chơi, các bạn học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ có thêm nhiều kiến thức về biển đảo, lịch sử nước nhà".
Ngoài việc học ở trường, hiện Hảo còn học một lớp lập trình viên quốc tế cùng các anh chị sinh viên ở Trường đại học FPT. Hảo chia sẻ: "Em muốn trở thành một lập trình viên giỏi. Vì thế, em sẽ cố gắng học hỏi và tiếp tục sáng tạo ra những phần mềm hữu ích khác".