Lão nông dân đam mê sáng tạo
Bẫy diệt ruồi thông minh…
Ông Mai Văn Cúc cho biết, nhận thấy ruồi sinh sống tại địa phương rất nhiều nên cuối năm 2012, ông bắt tay vào việc nghiên cứu và sau hơn 2 tuần thì chiếc bẫy ruồi hoàn thành. Chiếc bẫy cũng đơn giản, nhìn giống như cái hộp hình vuông được ghép bởi những tấm kính (mỗi miếng rộng 20cm và dài 40 cm), trên đỉnh có hình chóp. “Đơn giản vậy chứ diệt ruồi hiệu quả lắm đấy. Mỗi ngày có thể diệt cả hàng chục ngàn con ruồi. Giờ ruồi, nhặng ở khu này hầu như đã giảm đi rất nhiều”, ông Cúc nói.
Theo ông Cúc, phía trên thì khép kín, còn phía dưới chừa lỗ hổng, được gắn bốn chân ở bốn góc. Chiếc bẫy được thiết kế theo hai tầng khi ruồi nhặng đã bay vào có thể thoát ra khỏi tầng một nhưng khó thoát ra khỏi tầng thứ hai. Theo nguyên lý bay của con ruồi, nhặng là nó chỉ có thể bay lên hoặc bay ngang, chứ không thể bay xuống được. Do đó, chúng bay lanh quanh va chạm với thành kính của chiếc bẫy, mỏi cánh rồi tự rớt xuống nước chết. Nếu dùng bẫy dính bằng keo thì chỉ có thể bắt được loại ruồi đen, nhưng đối với loại bẫy này thì bắt được đủ loại.
Chiếc bẫy này chỉ tốn khoảng 400-500.000 đồng ai cũng có thể sở hữu được. Nhưng bí quyết là nằm ở chỗ kinh nghiệm chọn hướng nắng, địa điểm, hướng gió, độ cao… cho thích hợp. Thông thường mồi để dụ ruồi vào bẫy có thể dung các chất có mùi tanh, hôi thối… “Tuy nhiên, nguyên liệu để dụ ruồi cách hàng chục km vẫn tìm đến và tự chui vào bẫy mới là điều quan trọng nhất”, ông Cúc chia sẻ. Dung dịch nước có mùi hơi tanh tanh chứa trong chiếc bẫy. Tuy nhiên, cách pha chế thì ông cho rằng: “Đó là bí quyết, là chìa khóa của chiếc bẫy ruồi, không thể tiết lộ”.
…đến sáng tạo máy phun thuốc cao su
Đầu năm 2010, người trồng cao su trong tỉnh Bình Phước điêu đứng với căn bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng, diện tích 9ha cao su của ông Cúc cũng không ngoại lệ. Cách phun bằng máy bơm cao áp và đưa sào lên cao không hiệu quả do chỉ phun được độ cao thấp và ít tác dụng. Thế là ông Cúc bắt tay vào việc chế tạo máy, do kinh nghiệm không có, các thiết bị để chế tạo máy thiếu rất nhiều. Ông lặn lộn xuống TP.Hồ Chí Minh mua các thiết bị như: bạc đạn, dây cu roa… và nhờ con lên Internet tìm hiểu cách làm sáng tạo máy (chi phí ban đầu để đầu tư vào chế tạo máy trên 30 triệu đồng). Nghiên cứu tìm tòi, ông Cúc đã tính toán rất chi tiết để tạo một quạt cao áp có đường kính 1,1m và tốc độ quay gần 3.000 vòng phút và có một ống gió thoát (ống gió). Trên đầu ống gió này gắn bốn bét phun sương được nối từ máy bơm thuốc ra (giống bơm rửa xe).
Ông Cúc cho biết, máy sẽ phun được ở những độ cao mà các máy phun thông thường nông dân hay sử dụng không phun tới, đặc biệt có thể phun lên đến ngọn cây. Máy ra đời sẽ đáp ứng 40% nhu cầu của bà con nông dân trồng cao su tiểu điền. Máy mà bà con đang dùng hiện chỉ phun được ở tầm thấp, trong khi đó nấm bệnh lại cư trú trên những cành cao nên dù có thuốc chữa bệnh nhưng vẫn không thể tiêu diệt được. Như vậy, khi đưa vào sử dụng máy đã đưa thuốc lên độ cao 30m. Sức gió làm cho lá cao su vểnh lên để thuốc có thể đưa lên mặt trên của lá và vào đọt, cũng như đánh các hạt thuốc tia nhỏ ra giúp việc phun thuốc được hiệu quả.
Theo ông Cúc, nước thuốc được bơm ra với áp lực rất mạnh sẽ bay tới tán lá của cây và bám dính vào đó để diệt trừ nấm bệnh gây hại. Bộ phận “máy phun thuốc” gồm: bồn nhựa chứa nước thuốc (1000 lít nước) và một người điều khiển chiếc chiếc máy kéo (máy cày), chạy đi theo từng hàng trong vườn cây cao su để phun thuốc. Làm cách này thuốc có khả năng bay rất cao lên tới tận ngọn cây cao su, nên hiệu quả phòng trừ bệnh rất cao. Với chiếc máy này mỗi ngày có thể phun từ 15 - 20ha/người, người phun thuốc cũng không bị thuốc rớt lên ảnh hưởng đến sức khỏe như cách phun cầm sào đưa lên cao.
Ngoài bệnh rụng lá, máy phun thuốc tự chế này còn có thể dùng để phun thuốc phòng trị rất nhiều loại sâu bệnh hại trên bộ lá của cây cao su như bệnh phấn trắng, bệnh héo đen đầu lá, bệnh nấm hồng… thường gây hại rất phổ biến trên cây cao su hiện nay ở nước ta.
Với hai sản phẩm của ông Mai Văn Cúc đã đạt hai giải nhất trong hai năm liền Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ I và II.