Lão nông có ba bằng sở hữu trí tuệ
20 năm theo đuổi bột giấy
Bằng sáng chế độc quyền về giải pháp hữu ích mà ông Toàn có được là từ công trình nghiên cứu “Phương pháp mới nấu chín nguyên liệu chứa xenluloza bằng quy trình nhiều bậc có sử dụng hoá chất” của ông Toàn. Đây chính là sự đánh giá một cách thiết thực cho những cố gắng của ông trong suốt 20 năm.
Từ năm 1992, khi còn làm chủ nhiệm hợp tác xã, ông Toàn đã nghĩ đến bột giấy như một con đường để cải thiện cuộc sống cho người dân quê ông, nơi mà nguyên liệu có thừa chỉ thiếu công nghệ. Ông lặn lội xuống Sài Gòn tìm mua máy sản xuất bột giấy với giá gần 70 cây vàng thời đó. Vừa làm, vừa mày mò học hỏi công nghệ, nhưng hiệu quả không được như ông mong muốn. “Sản xuất bột giấy đòi hỏi nhiều hoá chất, mà khi đó giá hoá chất quá cao. Công bỏ ra nhiều mà thu lợi không được mấy” ông Toàn nhớ lại.
Bằng những kiến thức tự tìm hiểu về hoá học, ông đã thử điện phân muối bão hoà để tự chủ về nguồn hoá chất. Từ đây, ông phát hiện ra nguyên lý duy trì nhiệt độ một cách phù hợp để tiết kiệm hoá chất mà vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhưng công trình của nhà khoa học chân đất này đành tạm bỏ dở khi ông nghỉ làm việc ở hợp tác xã năm 1991. Mãi đến năm 2001, khi nhu cầu về bột giấy lên cao trong khi đó giá hoá chất không ngừng tăng, ông Toàn tiếp tục đầu tư cho công trình của mình. Lần này ông đầu tư công sức viết hoàn chỉnh dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy với sản lượng 20.000 tấn/năm. Để khởi động cho dự án ông xin thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Rồi ông lặn lội lên Lâm trường Vĩnh Hảo (huyện Bắc Giang - Hà Giang), nơi đang chật vật trong sản xuất bột giấy, xin thử nghiệm công nghệ của mình.
Đến nay sau 4 năm ứng dụng công nghệ của ông, lâm trường đã đạt được kết quả rất khả quan về sản xuất bột giấy. Giám đốc lâm trường Vĩnh Hảo, ông Nguyễn Thái Oánh xác nhận: “Công nghệ mới giúp chúng tôi tiết kiệm được 250kg hoá chất cho sản xuất 2 tấn bột giấy, tương đương với giảm chi phí hơn 1 triệu đồng.
Sáng tạo không có tuổi
Trong suốt cuộc đời lao động không ngừng nghỉ của mình, ông Toàn luôn tìm tòi, ứng dụng những giải pháp mới để đạt được hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình sản xuất bột giấy ông Toàn rất băn khoăn về việc xử lý nước thải. “Có xử lý được nước thải thì nhà máy mới hoạt động được bền vững”. Nghĩ là làm, ông đã đưa ra giải pháp tách từng dạng chất thải để xử lý, kết hợp với thu hồi để tái sử dụng. Giải pháp này được trình bày cùng với dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy.
Cùng với việc nghiên cứu công nghệ sản xuất bột giấy, ông Toàn còn đầu tư công sức vào ngành chế biến cà phê. Ông đã tự mày mò và chế tạo ra máy sấy cà phê kiểu đứng với tính năng tự động đảo cà phê.
Bênh cạnh những sáng chế độc đáo trong lĩnh vực công nghệ, ông Toàn còn thể hiện là một nhà kinh doanh có tầm nhìn. Ông đã sớm nhận ra giá trị to lớn của thương hiệu trong kinh doanh vì vậy đã đăng ký sở hữu độc quyền cho thương hiệu Minh An và nhãn hiệu hàng hoá cà phê Đức Lập – Minh An. “Đăng ký thương hiệu là bước chuẩn bị rất quan trọng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường” ông Toàn tâm sự. Không dừng lại ở đó, ông Toàn còn có ý định táo bạo khi đang hoàn tất thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền tại Mỹ, với mong muốn đưa cà phê của mình đi ra thế giới.
Gần 60 tuổi, với hàng chục năm không ngừng tư duy, không ngừng sáng tạo, đối với ông Toàn tất cả chỉ như mới bắt đầu. Ông nói thẳng thắn: “Tôi không phải là một nhà khoa học, tôi là “hai lúa” đích thực. Đối với tôi tư duy sáng tạo chỉ đơn giản là tìm ra giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn để giải quyết khó khăn đặt ra trước mắt.
Nguồn: KH & ĐS, số 35, 1/5/2006