Lào Cai: Nhiều ý kiến của trí thức góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sau gần một tháng triển khai, đã có trên 100 ý kiến của đội ngũ trí thức trong tỉnh góp ý vào các nội dung dự Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tiếp tục tổng hợp, kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu bổ sung hoạt thiện dự thảo luật.

Quang cảnh Hội nghị UB MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Hầu hết các ý kiến tham gia đều đánh giá cao sự hoàn thiện của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số bất cập, nhiều nội dung trùng lặp với các quy định của các luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Thanh tra, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ….
Dự thảo cũng còn một số nội dung mâu thuẫn ngay chính trong nội tại các điều khoản của dự thảo hoặc mâu thuẫn với một số quy định của Luật khác. Ví dụ như: tại Khoản 4 Điều 121 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết, nhu cầu sử dụng đất tại địa phương để quy định cụ thể về hạn mức chuyển mục đích sử dụng các loại đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”; tuy nhiên tại Khoản 3 Điều 116 lại quy định “… theo hạn mức do Chính phủ quy định” và theo Điều 20, Luật Lâm nghiệp có quy định hạn mức cụ thể cho cấp tỉnh.
Hay như tại Khoản 1 Điều 122 cũng quy đinh “thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất” chỉ có “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”; tuy nhiên, theo Điều 20, Luật lâm nghiệp còn có thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ … Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung cho đồng bộ giữa các điều, khoản trong dự thảo và các Luật đã có hiệu lực.
Góp ý về “Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Các ý kiến đều cho rằng trong thực tế có rất nhiều trường hợp cha mẹ có rất nhiều nhà, đất (do khai hoang, thừa kế từ ông bà). Vì nhiều lý do, hoàn cảnh mà con của họ phải sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Họ vẫn muốn hưởng di sản thừa kế này, không muốn bán, giao cho ai khác nắm giữ, để có chỗ thường xuyên về nước thăm quê hương. Vì vậy, nên bổ sung quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền thừa kế đất ở, nhà ở (không hạn chế 1 căn nhà duy nhất hay thửa đất duy nhất) vào Khoản 1 Điều 47. Như vậy mới phù hợp với quy định về quyền của người sử dụng đất là được thừa kế, tặng cho (Khoản 1, Điều 28 dự thảo) và phù hợp với thực tế hiện nay.
Quy định về “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” (Chương VII) trong dự thảo được đánh giá là khá hợp lý, sát thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”, tính đến tính chất công việc của người bị thu hồi, trượt giá, tạo công ăn việc làm sau thu hồi…
Các quy định về “Giá đất” được xác định là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế các ý kiến góp ý đều cho rằng dự thảo cần phải “gia cố” thêm các quy định về “Giá đất”. Cụ thể, luật phải thể hiện rõ yêu cầu “có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác và không chịu chi phối từ các nhóm lợi ích” theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được xem như là chuyển từ cách “tiếp cận giá đất được ấn định từ trên xuống” sang hướng “dựa vào thị trường để xác định giá đất”.
Dự thảo cũng đưa ra 5 phương pháp xác định giá đất và các điều luật cũng định hướng cách áp dụng những phương pháp này trong các điều kiện cụ thể. Đây là bước tiến mới vì cập nhật hơn, nhưng chưa phải là một giải pháp đột phá theo đúng nghĩa vì bản thân phương pháp định giá này đứng một mình chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.
Góp ý quy định “về giải quyết tranh chấp đất đai” tại Điều 224 dự thảo, các ý kiến đồng thuận cao với nhận định “hòa giải” tranh chấp đất đai là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, dự thảo chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp, hoặc ở tòa án. Hiện nay, có cơ chế giải quyết giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Cơ chế giải quyết bằng hòa giải thương mại sẽ được sử dụng nếu pháp luật có quy định. Do vậy, cần bổ sung hòa giải thương mại có thể được sử dụng trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải.
Các ý kiến tâm huyết, quý báu của đội ngũ trí thức góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai tiếp thu, tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nghiên cứu, báo cáo Quốc hội trong thời gian tới./.