Lần đầu tiên tại Việt Nam: Lan rừng gieo hạt nở hoa
Bước đột phá
Vào cuối tháng 8 - 2007, nhóm các nhà khoa học Công nghệ sinh học của công ty TNHH Long Đỉnh TPHCM gồm: KS Hoàng Quý Châu, ThS Lê Thuý Anh và ThS Lê Huỳnh (Khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TPHCM) đã thành công trong công việc nghiên cứu cho lan rừng nở hoa… từ hạt. Công trình nghiên cứu này thuộc dạng “hiếm” trên thế giới và đây là lần đầu tiên đã thành công tại Việt Nam .
ThS Lê Thuý Anh, người đầu tiên nảy ra ý tưởng nghiên cứu nhân
Ảnh 2: ThS Lê Thuý Anh giới thiệu quy trình nhân giống lan từ hạt trên máy tính. |
Trong 2 năm 2005 và 2006, công ty tiến hành thụ phấn các loại phong lan như Dendrobium (Hoàng thảo), Phalaenopsis (Hồ điệp), lan rừng Việt Nam như: Thuỷ tiên, Bạch câu… Ngoài ra, công ty cũng thu mua từ ngoài thị trường nguồn vãng lai từ các người dân tộc đem bán tại TPHCM như Ngọc điểm, Coelogyne sp. Đã đậu trái để về nghiên cứu. Tháng 12 - 2006, công ty tiến hành gieo hạt cây phong lan Coelogyne sp là loại lan rừng Việt Nam có hoa màu xanh, lưỡi màu chocolate đậm và có tua ở đầu lưỡi. Cuối tháng 12 - 2006, hạt nảy mầm và phát triển thành cây. Đến tháng 4 - 2007, tiến hành cấy chuyển, giãn cây ra. Ngày 30 - 8 - 2007 phát hiện hoa nở trong ống nghiệm với các chi tiết giống như cây mẹ. Số lượng bình mô có hoa khoảng 40 hộp. Ngày 3 - 9 - 2007, công ty mở hộp tiến hành chụp hình và đo kích thước hoa so với thân.
Mở ra tiềm năng mới
KS Hoàng Quý Châu, người đã theo dõi trực tiếp quá trình hạt thành hoa cho biết: Thành công bất ngờ này đã gây nhiều chú ý cho các nhà nuôi cấy mô thực vật và ứng dụng công nghệ sinh học trong di truyền, lai tạo và nhân giống trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây là kết quả ngẫu nhiên nhưng mang tính đột phá có ý nghĩa khoa học rất cao, đó là: Khả năng mở bộ gen điều khiển ra hoa trên thực vật nuôi cấy in vitro nói chung và hoa lan nói riêng giúp cho công việc lai tạo, chọn lọc và nhân giống thực vật trở nên dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và nguồn lực khác trong lĩnh vực di truyền. Tìm kiếm khả năng mở bộ gen về số lượng hoa và màu sắc hoa dễ dàng hơn.
Còn theo ThS Lê Huỳnh, tiềm năng này sẽ thúc đẩy nhanh việc khẳng định và tạo giống mới cho nhiều loại cây trồng khác trong tương lai. Tạo ra nhiều giống hoa với số lượng phong phú trong thời gian ngắn nhất. Tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ sinh học thực vật độc đáo. Tiết kiệm rất lớn về thời gian, nhân lực, vật lực trong việc tuyển chọn và nhân giống thực vật.
Hiện các nhà khoa học của công ty đang tiến hành các bước thử nghiệm lặp lại để có thể hoàn thiện quy trình công nghệ giúp cho việc nhân giống và tuyển chọn của các lai tạo nhân giống rút ngắn được thời gian, bắt kịp được đà phát triển của ngành hoa lan khu vực và thế giới. Công ty cũng đang nhân giống từ hạt lan với số tổ hợp lai khá lớn khoảng 60 - 70 giống. Một số giống đã được đưa ra vườn ươm thử nghiệm và kết quả cũng đã ra hoa.
Hiện tượng ra hoa sớm từ cây gieo hạt cho thấy yếu tố tác động và môi trường nuôi cấy đã giúp mở được gen điều khiển ra hoa và tác động vào yếu tố nội sinh của tế bào cây lan, thúc đẩy cây hình thành mầm hoa. Hoa hoàn chỉnh, lớn và kéo dài thời gian ra hoa (khoảng 20 ngày) chứng tỏ môi trường nuôi cấy và điều kiện nuôi cấy rất thích hợp giúp cho hoa phát triển hoàn chỉnh hình dạng và màu sắc. Vì nếu hai yếu tố này không phù hợp, hoa có thể hình thành nhưng sẽ không thể nở và phát triển bình thường.
Nguồn: KH&ĐS, số 92, 1 - 10 - 2007, tr 6