Làm giàu từ rắn hổ
Chuồng nuôi:
Yêu cầu ngoại cảnh: Rắn ưa nơi cao ráo nhưng không quá khô, kín gió, yên tĩnh. Chuồng rắn không cần ánh sáng trực tiếp, chế độ ánh sáng thích hợp cho rắn là 30% diện tích chuồng chiếu ánh sáng tán xạ, 70% diện tích chuồng cần bóng tối.
Mật độ nuôi: Đối với rắn hổ mang, hiện nay bà con nên nuôi giống Phì đen (còn gọi là rắn bành đen, hổ mang đen), đây là giống rắn mới, nhập từ các tỉnh miền núi phía Bắc (có nguồn gốc từ Trung Quốc) nhanh lớn, trọng lượng xuất chuồng lớn, bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Nhốt riêng mỗi con một chuồng có diện tích 1-1,5m 2.
Giống rắn hổ trâu: Có trọng lượng lớn (sau nuôi 6-7 tháng rắn có thể dài tới 3m, nặng khoảng 4-5kg), nuôi mỗi con một chuồng 2-2,5m 2.
Cách xây chuồng: Tốt nhất xây chuồng trong nhà cấp 4 kiên cố, nhà lợp ngói mũi, có hệ thống cửa sổ, quạt thông gió, rèm che ánh sáng, đảm bảo đông ấm-hè mát, chế độ ánh sáng thích hợp, để tạo điều kiện cho rắn khoẻ mạnh, tăng trọng nhanh.
Chuồng nên xây thành từng tầng để tăng diện tích chuồng nuôi, mỗi tầng cao 25-30cm, rộng 30-45cm (tuỳ giống rắn nuôi), dài (sâu) 50-60cm. Nền đáy, trần chuồng trên cùng và khoảng cách ly mỗi tầng đổ một lớp bê tông mỏng chừng 2cm, để tạo cho khung chuồng chắc chắn, rắn không chui ra được. Các chuồng rắn được ngăn cách nhau bằng một lớp gạch tráng vữa xi măng.
Nền chuồng phủ một lớp cát sạch, nhỏ (loại cát trát tường nhà) khô, trên lớp cát xếp một lớp gạch mộc khô (loại gạch chưa nung qua lửa), xếp cách nhau 1,5-2cm một viên. Để chừa khoảng 1/5 diện tích chuồng phía gần cửa cho ăn không xếp gạch để rắn thải chất cặn bã (lớp cát chứa chất thải của rắn 5-7 ngày phải thay một lần đảm bảo vệ sinh cho rắn). Cửa chuồng được ghép bằng những thanh gỗ dày 1,5-2cm, rộng 2cm, cách nhau 1cm có then cài chắc chắn để rắn không chui ra được.
Chăm sóc:
Thả rắn: Kinh nghiệm cho thấy, nếu đủ vốn nên thả rắn có trọng lượng càng cao, lãi càng lớn. Thông thường rắn Phì đen thả với trọng lượng 0,8-1,2kg/con. Rắn hổ trâu thả với trọng lượng 1,0-1,5kg/con cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời vụ nuôi: Nên thả giống vào tháng 4-5, thu bán vào tháng 11-12, những tháng này, nhiệt độ cao, rắn hoạt động mạnh, tăng trọng nhanh.
Thức ăn: Rắn hổ mang (Phì đen) thức ăn chủ yếu là chuột và cóc. Chuột và cóc được làm chết, bỏ vào chuồng cho rắn ăn, khoảng ba ngày cho ăn một lần. Cho rắn ăn vào buổi tối, rắn sẽ ăn nhiều hơn.
Rắn hổ trâu: Thức ăn phong phú hơn gồm chuột, cóc, phủ tạng động vật, trứng gà, vịt (loại chất lượng kém do các lò ấp loại ra đều cho ăn tốt) khoảng 3-4 ngày cho ăn một lần.
Để rắn tăng trọng nhanh, tiêm thêm Bcomplex (loại tốt của các hãng thuốc thú y lớn có uy tín như: Bio, NaPha, VEDEDIM, Thú y xanh Việt Nam ,…) vào mồi trước khi cho rắn ăn.
Bà con cũng có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, cho rắn ăn tối hôm trước, nếu sáng hôm sau còn thừa thì hôm sau cho ăn bớt đi và ngược lại.
Thông thường nếu chăm sóc tốt, mùa hè khoảng 25-30 ngày rắn lột xác một lần thì tốt, rắn tăng trọng nhanh. Nếu chăm sóc kém phải 35-40 ngày rắm mới lột xác, tăng trọng chậm.
Chú ý: Trong thời gian lột xác khoảng 5-7 ngày rắn nhịn ăn; trước khi lột xác khoảng 4-5 ngày, rắn di chuyển chậm chạp, mắt chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục như nước vo gạo, sau đó mắt rắn lại chuyển dần sang màu trắng trong, rắn lột xác rất nhanh ( trong khoảng vài chục phút). Sau khi lột xác rắn ăn rất khoẻ và mau lớn.
Từ tháng 10 dương lịch năm trước đến tháng 3 năm sau là thời gian rắn ngủ đông, rắn hầu như không ăn mồi, trọng lượng giảm sút chút ít.
Vệ sinh, phòng bệnh:
Sau mỗi lứa nuôi, cần loại bỏ cát, gạch mộc cũ, phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi bằng các loại thuốc sát trùng mới an toàn, tác dụng khử trùng mạnh như: Virkon, Bio-step T; Benkocid; BKA…Sau đó để trống chuồng trong 5-7 ngày, thay cát, gạch mộc khô mới, có thể nuôi tiếp lứa mới.
Nếu rắn bị tiêu chảy, phân lỏng màu trắng hoặc lẫn máu có thể cho rắn ăn thức ăn có tiêm thuốc trừ bệnh tiêu chảy (loại thuốc dùng cho giam cầm). Khi rắn bị bệnh không ăn mồi, dùng dụng cụ chuyên dùng bắt rắn, lấy xi lanh sắt bơm trực tiếp thuốc vào miệng.
Sau khi nuôi 5-7 tháng, nếu được chăm sóc tốt, rắn (tuỳ giống) có thể tăng trọng 200-250g/tháng. Từ con giống có trọng lượng 0,8-1,5kg ban đầu có thể tăng trọng tới 2,5-4,0kg.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 79 (1797), ngày 3/10/2005, trang 10