Lâm Đồng: anh nông dân người Chil và cỗ máy tuốt bắp tự chế
Sinh ra và lớn lên ở buôn Hang Roi - một buôn dân tộc thiểu số nổi tiếng với rừng thiêng, nước độc và ruồi vàng ở vùng Lạc Dương, cũng như nhiều người Chil khác cùng thế hệ, Kơ Să Ha Tang chỉ cố gắng theo học đến tiểu học rồi ở nhà đi rẫy. Cuộc sống gắn liền với rừng quá vất vả của gia đình và bà con trong buôn làng đã sớm tạo ra trong Ha Tang suy nghĩ về một sự "bứt phá" để vươn lên. Mỗi vụ thu hoạch bắp (nguồn lương thực chủ yếu của người Chil trong những năm trước đây), các buôn làng người Chil gần như không ngủ. Đêm đêm, bên những bếp lửa, các gia đình lại thức thâu đêm suốt sáng để lẫy bắp. Không ít người, nhất là trẻ em đã phải vào rừng tìm lá thuốc để chữa những bàn tay phồng rộp sau những mùa bắp. Điều đó đã tạo nên nỗi ám ảnh không thôi với Kơ Să Ha Tang. "Tại sao người ta chế tạo được máy xay bắp thành bột, lại không có cái máy... lẫy bắp nhanh hơn?" - câu hỏi đó thường trực trong những ngày gia đình Ha Tang mua máy xay xát về phục vụ bà con trong buôn làng. Vào một đêm cuối năm 2002, tình cờ cùng bà con ngồi lẫy bắp và xem ti vi trong ngôi nhà sàn của mình, suy nghĩ của Ha Tang trở thành hành động. Anh nhớ lại: "Tôi xem một chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, bỗng nhìn thấy 2 người phụ nữ tuốt bắp bằng một cái máy. Cảnh đó chỉ thoáng qua mấy giây nhưng ngay sáng hôm sau, tôi đi khắp các cửa hàng kinh doanh máy móc để tìm hiểu". Cuộc tìm kiếm không thành công vì thời gian đó, ở Lâm Đồng chưa có nơi nào bán loại máy như thế. Không bỏ cuộc, Ha Tang quyết tâm tự mình chế tạo máy tuốt bắp.
Sau hơn 4 tháng tìm kiếm thiết bị chế tạo máy chủ yếu là sắt phế liệu xin lại từ các điểm bán đồng nát ở huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt, đầu năm 2003, Ha Tang bắt tay thực hiện ước mơ ấp ủ chế tạo máy tuốt bắp của mình. Chúng tôi khá bất ngờ khi được anh cho xem bản thuyết minh công trình sáng tạo của mình. Cho đến giờ này, khi cỗ máy tuốt bắp đã trở thành hiện thực, người nông dân thông minh, sáng tạo ấy vẫn không có khả năng diễn đạt bằng lời văn những gì mình đã làm. "Bản thuyết minh" của anh không có "chương, mục" dài dòng mà chỉ vẻn vẹn là những hình vẽ không gian gói gọn trong một trang giấy học trò và nhìn vào cũng chỉ có mình anh hiểu. Điều "bất thường" của cỗ máy ở chỗ nó là sản phẩm của một nông dân chỉ học hết lớp 5 và mọi chi tiết vận hành đều được chế tạo tận dụng từ sắt phế liệu.
Nhờ có cỗ máy của anh, giờ đây, trong mỗi mùa bắp, trẻ em không phải nghỉ học, phụ nữ, người già... có thời gian để ngồi trước màn hình ti vi nghỉ ngơi sau những một ngày lên rẫy mệt nhọc. Chỉ với 2 lao động vận hành, mỗi giờ, máy tuốt bắp "thương hiệu Ha Tang" có thể tuốt xong từ 80 đến 100 gùi bắp (khoảng 4 đến 5 tấn bắp tươi ), tương đương với khoảng 20 lao động làm trong 1 ngày. Tính từ mùa thu hoạch bắp năm 2003 đến nay, mỗi vụ, Ha Tang giúp miễn phí cho bà con công tuốt khoảng 200 tấn bắp (chiếm hơn 40% sản lượng bắp của xã Đạ Sar). Ngày chúng tôi có mặt ở xã Đạ Sar để xem tận mắt công trình sáng tạo của Ha Tang, chiếc máy của anh đang được gia đình Ka Să K’Brong sử dụng. Ha Tang cho biết: anh cho bà con sử dụng miễn phí tự do, xong nhà này đến nhà khác, nhờ khả năng giải phóng sức lao động ngoài sức tưởng tượng của cỗ máy nên người nào trong buôn làng cũng rất quý nó. Già làng Ha Chang - người vừa được Ha Tang cho mượn máy để tuốt hơn 40 gùi bắp sấy khô trên gác bếp vui mừng: "Máy tuốt nhanh lắm! Nhờ Ha Tang mà người già được nghỉ ngơi, tụi nhỏ có thời gian học tập và làm việc khác!". Trước những lời khen ngợi, những cử chỉ tri ân mà bà con buôn làng dành cho mình, Ha Tang cho biết: ước mơ của anh là tìm được thiết bị để chế tạo cho mỗi thôn trong xã 1 cái để bà con đỡ phải chờ nhau trong mỗi mùa thu hoạch.
Nguồn: TTXVN