Làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi
Tự chủ công nghệ
Tại Việt Nam chăn nuôi là ngành chính trong sản xuất nông nghiệp. Hiện giá trị ngành chăn nuôi mới chiếm 25 - 27% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo đó, chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu phát triển, đến năm 2020 ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất theo phương thức trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 42%, trong đó đến năm 2015 đạt 38%. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 đạt khoảng 8 - 9%; giai đoạn 2010 - 2015 đạt khoảng 6 - 7% và giai đoạn 2015 - 2020 đạt khoảng 5 - 6%.
Thực tế cho thấy, trong chăn nuôi thức ăn đóng vai trò rất quan trọng và chiếm 65 - 70% giá thành của sản phẩm chăn nuôi. Hiện chăn nuôi quy mô tập trung, công nghiệp đang phát triển mạnh, trong khi đó thức ăn công nghiệp mới đáp ứng được 65 - 70% nhu cầu của thị trường. Những điều nêu trên cho thấy nhu cầu thức ăn chăn nuôi, nhất là thức ăn công nghiệp là rất lớn và ngày một tăng mà hiện hay các dây chuyền sản xuất thức ăn đồng bộ cho chăn nuôi còn rất ít, đa số nhập ở nước ngoài.
ThS. Trần Văn Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn gia súc quy mô 5 - 6 tấn/giờ điều khiển tự động với sự hỗ trợ của đề tài cấp Nhà nước mã số KC.03.03 về hệ thống điều khiển tự động cho dây chuyền. Và để có thể chế tạo được 100% máy móc, thiết bị trong dây chuyền Viện tiếp tục thực hiện đề cấp KHCN Bộ: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy ép viên thức ăn cho gia súc, gia cầm năng suất 4-5 tấn giờ“. Trên cơ sở dây chuyền quy mô 5 - 6 tấn/giờ, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã thiết kế, chế tạo và chuyển giao cho sản xuất các dây chuyền quy mô 3 – 4; 8 – 10; 12 – 15 và 20 - 25 tấn/giờ.
TS. Nguyễn Năng Nhượng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu của đề tài nghiên cứu nhằm chế tạo được ở trong nước dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm năng suất 5 - 6 tấn/giờ, điều khiện tự động với công nghệ và thiết bị tiên tiến, làm việc ổn định, giá thành thấp, phù hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu sản xuất ở Việt nam.
Khả năng nhân rộng lớn
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo và ứng dụng trong sản xuất thiết bị tự động cấp liệu vào hệ thống thùng chứa, hệ thống điều khiển tự động hoạt động của máy nghiền, thiết bị hút, giũ bụi tự động và thiết bị định lượng, phun dầu tự động vào máy trộn. Kết quả thử nghiệm cho thấy các thiết bị hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Hệ thống điều khiển tự động hoạt động của máy nghiền đã nâng cao rõ rệt hiệu suất và tính ổn định của máy nghiền. Ở chế độ điều khiển thủ công, dòng điện dao động trong khoảng lớn, từ 50 đến 95A và lớn hơn, rất hay gây quá tải cho máy, dẫn đến hỏng máy và cháy động cơ, trong khi ở chế độ tự động, dòng điện chỉ dao động trong khoảng ± 5 A và máy làm việc rất ổn định. Thiết bị định lượng, phun dầu tự động vào máy trộn làm việc ổn định, đạt độ chính xác cao với sai số 0,2 – 0,3 kg/lần phun và phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
ThS. Phạm Ngọc Tuyên, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn gia súc quy mô 5 - 6 tấn/giờ điều khiển tự động”. Dây chuyền được thiết kế theo quy trình công nghệ của châu Âu và được điều khiển hoàn toàn tự động, từ khâu cân định lượng các nguyên liệu, vi lượng, phụ gia theo tỷ lệ đã định cho một mẻ chế biến đến điều khiển tự động quá trình nghiền, hút lọc bụi, quá trình trộn, định lượng và phun dầu béo vào máy trộn, quá trình làm mát viên cũng như cân đóng bao sản phẩm. Dây chuyền thiết bị làm việc ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, được thị trường đánh giá cao.
Do dây chuyền thiết bị có tính đồng bộ cao, được điều khiển, giám sát tự động, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Chất lượng thức ăn sản xuất ra cao và ổn định, do vậy sản phẩm “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn gia súc quy mô 5 - 6 tấn/giờ điều khiển tự động” đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nhiều cơ sở như Công ty TNHH Vĩnh Hà, Công ty TNHH Hải Thăng doanh số bán hàng đã tăng lên gấp 2 - 3 lần so với trước và đang tính tới việc nâng cao quy mô công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của dây chuyền, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang bị như Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Phát, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Đông Á, Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển trang trại Hà Hưng, Công ty TNHH Thành Vinh, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ nông thôn (RTD), Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi LICOGI 13 VIGER, Công ty cổ phần TKT Việt Nam, Công ty TNHH Giang Hưng v.v.... với doanh thu trên 36 tỷ đồng. Hiện một số doanh nghiệp khác đang tiếp tục tìm hiểu để đầu tư mới hoặc đầu tư nâng cấp.
Kết quả ứng dụng trong sản xuất cho thấy dây chuyền thiết bị làm việc ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Năng suất tăng 15 – 20 % so với các dây chuyền cùng loại; Chất lượng sản phẩm cao và ổn định; Giảm được 60 – 70 % lao động. Đặc biệt, giá thành của dây chuyền bằng 60 – 70% dây chuyền cùng loại của nước ngoài, ThS. Trần Hồng Thao, thuộc nhóm nghiên cứu khẳng định.
Sản phẩm “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn gia súc quy mô 5 - 6 tấn/giờ điều khiển tự động” đã khẳng định Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc. Là cơ sở và là tiền đề vững chắc để nghiên cứu mở rộng công suất và mở rộng sang lĩnh vực khác tương tự.