Kỹ sư Võ Hoàng Liệt - “Vua” chế tạo máy “Made in Việt Nam”
Ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, gia đình anh Võ Hoàng Liệt cũng giống như bao gia đình khác trong vùng: nghèo, làm nông, vất vả, đông con. Dù vậy, cha mẹ anh Liệt vẫn quyết tâm nuôi 10 đứa con ăn học. Năm 1979, tốt nghiệp phổ thông, anh khăn gói lên Sài Gòn học Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và chọn khoa Động lực (khoa Cơ khí sau này).
Tốt nghiệp năm 1983, anh vào làm ở Nhà máy Thực phẩm Thiên Hương (khi đó thuộc Bộ Công nghiệp Thực phẩm) chuyên sản xuất bột ngọt và mì gói. Không được phân công việc cụ thể trong bối cảnh sản xuất của nhà máy mang nặng tính bao cấp, anh Liệt nghĩ: “phải tự “bơi” và tự khẳng định mình”.
Thế là anh “xía” vào tất cả công đoạn sản xuất của nhà máy và sau cùng đầu quân vào Phân xưởng cơ điện để nghiên cứu bộ phận lò hơi và không quên chú tâm đến các thiết bị khác. Khi thì anh lấm lem dầu mỡ cùng công nhân sửa máy, lúc lại cùng họ “vò đầu bứt tóc” nghĩ cách khắc phục các thiết bị cũ kỹ khác.
Không lâu sau, anh nắm rõ từng nguyên lý hoạt động của các thiết bị trong nhà máy, có thể đưa ra nhiều giải pháp gỡ rối các sự cố và được đề bạt Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện vào năm 1988.
Năm 1989, Nhà máy Thực phẩm Thiên Hương phải tạm ngưng sản xuất bột ngọt do công nghệ cũ kỹ, hiệu quả sản xuất thấp, chỉ tập trung vào mặt hàng mì ăn liền. Đây thực sự là cú sốc cho đội ngũ lao động bởi một lượng lớn công nhân bị mất việc. Lúc này, một nhóm cán bộ rủ anh Liệt góp vốn mở cơ sở sản xuất thực phẩm và giao cho anh nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo ra dây chuyền sản xuất mì ăn liền. Từ nguyên mẫu dây chuyền của nhà máy, anh đơn giản hóa một số chi tiết và thiết kế dây chuyền sản xuất mì tôm chỉ bằng vật liệu… sắt và kẽm nhưng “chạy” ngon lành.
Thế là Xưởng tư doanh Công nghiệp Thực phẩm Vân Đồn-VAMICO ra đời và anh cũng trở thành người đầu tiên ở nước ta chế tạo dây chuyền sản xuất mì tôm với giá thành chỉ bằng ¼ của nước ngoài. Lập tức nhiều người tìm đến anh đặt hàng. Năm 1991, sáng chế này đã giành giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (không có giải Nhất). Cũng năm này, anh nhận tiếp giải A của Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh về công nghệ chế biến mì ăn liền với 45% bột gạo và sắn.
Cuối năm 1993, anh quyết định chuyển hẳn sang nghiên cứu chế tạo các loại máy móc, thiết bị hoàn toàn tự động trước yêu cầu CNH-HĐH của đất nước.
Những chiếc máy “Made in Việt Nam”
Năm 1995, kỹ sư Võ Hoàng Liệt thành lập Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị LIDUTA đặt tại 360 Bis Bến Vân Đồn, Q4, TP Hồ Chí Minh. Không có nguồn tài liệu tham khảo kỹ thuật chế tạo máy cũng như chưa một lần trông thấy các máy móc tương tự của nước ngoài nhưng anh có khả năng thiết kế nó theo diễn tả của khách hàng.
Năm 2000, một cơ sở ở Trà Vinh nhờ anh Liệt thiết kế máy sản xuất bột cá. Hoàn thành xong, đến lúc bỏ cá tươi vào thì sản phẩm lại ra… bột cá ướt !? Hạn giao hàng gần kề. Thức trắng đêm để kiểm tra nguyên lý vận hành của máy, anh mới phát hiện sự không đồng bộ ở thiết bị sấy-hấp, phải điều chỉnh lại bộ phận này máy mới “chạy” ra bột cá khô như mong muốn.
Năm 2001, một công ty cà phê ở Đồng Nai đặt anh làm dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan, hoàn chỉnh các công đoạn từ rang, xay thành bột, trích ly dung dịch, pha chế, lắng lọc đến sấy phun và đóng gói. Nhưng khi vận hành thử thì sản phẩm không thành bột cà phê hòa tan mà vón cục như… mỡ bò khiến anh lẫn công nhân chới với. Thì ra bộ phận sấy phun bị trục trặc. Phải mất thêm 6 tháng vất vả nữa mới thành công. Và ngay trong năm đó, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trao giải Ba cho dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên của Việt Nam.
Sau này, tận dụng những lần dự hội chợ triển lãm máy móc và thiết bị, tham quan một số nhà máy trong và ngoài nước, anh kín đáo “dòm ngó” những kỹ thuật mới nhằm tích luỹ thành nguồn “tư liệu” cá nhân để ứng dụng lúc cần thiết. Cách đây khoảng ba năm, sau lần tham quan dây chuyền làm cá vò viên của công ty Đài Loan tại TP Hồ Chí Minh, anh đã áp dụng “cơ cấu khớp nối nhanh” vào máy nấu kẹo dừa giúp công đoạn nhấc nồi kẹo nóng ra khỏi bếp nhanh nhất và dung dịch kẹo không bị cháy ở đáy nồi. Lập tức, nhiều nhà làm kẹo dừa ở Bến Tre lên đặt anh 50 cái máy.
Hoặc có lần sửa chiếc máy chiên chân không của nước ngoài do một công ty Việt Nam nhập về để chiên thực phẩm, anh Liệt xem xét nguyên lý hoạt động của nó và mày mò chế tạo thành công chiếc máy chiên chân không đáp ứng nhu cầu chiên trái cây cho các cơ sở ở Bến Tre, chiên chả giò ở Công ty VISSAN… Đặc biệt, loại máy chiên chân không này được nhiều công ty chế biến hạt điều trong và ngoài nước tín nhiệm. Năm 2001, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc đã trao giải Khuyến khích cho hệ thống chiên chân không của kỹ sư Võ Hoàng Liệt.
Bây giờ lượng khách hàng của anh Liệt có ở khắp ba miền đất nước. Thay vì sử dụng những thiết bị ngoại nhập đắt tiền, họ có thể dùng những thiết bị có tính năng tương tự và giá rẻ do anh chế tạo.
Với những thành quả vượt bậc trong lĩnh vực chế tạo thiết bị cơ khí tự động, KS Võ Hoàng Liệt đã xứng đáng nhận 14 giải thưởng của các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cùng rất nhiều bằng khen cấp thành phố và quốc gia. Liên tục 10 năm (1990-1999) anh được nhận danh hiệu “Nhà sáng tạo trẻ” của Thành đoàn và Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh và năm 2001, anh được UBND TP Hồ Chí Minh tuyên dương là một trong 13 nhà khoa học đầu tiên của thành phố. Vào dịp Tết Nguyên đán 2003, anh vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi và động viên anh tiếp tục có những sáng chế mới trong tương lai…
Nguồn: nhandan.com.vn 9/4/2005