“Kỹ sư miệt vườn” với nhiều sáng tạo
Trong những năm gần đây, từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất ở Bình Phước đã xuất hiện nhiều “kỹ sư miệt vườn” với nhiều sáng tạo. Dù tác giả của các sản phẩm này chưa qua một khoá đào tạo chuyên ngành hoặc chỉ là thợ cơ khí bình thường nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Họ đã cải tiến thành công những máy phun thuốc cao su, máy bón phân cao su, máy vặt quả điều, hệ thống tưới nước và bón phân tiết kiệm cho cây tiêu…. Gần đây, người nông dân trồng tiêu ở Bình Phước vô cùng phấn khởi, từ đây họ sẽ không còn cảnh giẫm để hạt tiêu rơi khỏi cuốn hay quạt tiêu nhờ gió tự nhiên sau mỗi lần thu hoạch vì đã có máy tuốt hạt tiêu và máy thổi tiêu do anh Phong sản xuất.
Quyết tâm cơ giới hoá tiêu sau thu hoạch
Tiêu là cây trồng chính của xã Lộc Hiệp. Mỗi năm gia đình anh Phong thu hoạch khoảng 6 tấn tiêu. Trước đây bà con trong xã thường phải suốt tiêu bằng cách dùng chân đạp cho tiêu rơi ra khỏi chổi. Một người suốt tiêu thủ công, nếu nhanh mỗi giờ cũng chỉ được 200kg.... Nếu thuê hết công đoạn chi phí sản xuất rất cao, lợi nhuận thấp. Thấu cảnh vất vả của gia đình cũng như nông dân trồng tiêu anh Phong bắt tay vào chế tạo máy suốt tiêu.
Năm 2000, anh tiến hành thử nghiệm chiếc máy đầu tiêu. Lúc đầu, máy được sử dụng thủ công với một trục quay tay đơn giản. Những ngày bắt đầu chế tạo máy, anh Phong cũng không nhớ mình đã “phá” bao nhiêu vật liệu, tiêu tốn biết bao nhiêu tiêu của gia đình cho máy chạy thử. Máy trục trặc, tiêu nát nhưng anh không nản chí. Đến khi chiếc máy ra đời, ngày chạy máy đầu tiêu, cả xóm đến xem và liên tục nhờ anh Phong chế tạo một cái tương tự.
Từ chiếc máy thô sơ ban đầu, anh Phong nghiên cứu cải tiến gắn thêm động cơ để chạy bằng Diezel. Đến nay, những chiếc máy đó được chạy bằng điện. Máy có 3 phần chính gồm động cơ (mô-tơ, bánh đà, dây cu-roa); giá đỡ (khung máy, ray đẩy); trục xoắn, máng chứa, sàng lọc tiêu.
Chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản là sáng chế thứ 2 của anh, với mục đích phục vụ cho công việc làm sạch tiêu trước khi bán ra thị trường. Mọi ý tưởng chế tạo chiếc máy này hoàn toàn mới, không có sự tham khảo của một loại máy tương tự nào trước đó. Máy được thiết kế bằng tôn, cấu tạo vững chắc, có thể di chuyển phù hợp với mọi địa hình. Bộ phận chính của máy gồm: máng trên để đổ tiêu, 2 máng ra tiêu có độ cao chênh lệch khoảng 2 tấc. Bên ngoài có cửa lấy gió có thể điều chỉnh theo ý và một cái lẫy để chọn loại tiêu cần lấy. Nơi buồng gió có gắn hệ thống cánh quạt hoạt động nhờ motor. Khi vận hành, chỉ cần đổ tiêu vào máng trên, kéo nhẹ lẫy là tiêu tự động chảy xuống và được quạt làm sạch. Lúc này, tiêu chắc được cánh quạt thổi sang 1 máng, tiêu lép được phân ra máng khác, còn bụi tiêu được thổi thẳng ra bên ngoài. Máy có công suất là 2 tấn/giờ.
Theo anh Phong để chế được chiếc máy này anh phải mất 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Cái khó là làm sao để tạo sức gió tối đa dồn về một phía. Nếu thiết kế cánh quạt không đều sẽ khiến gió bị thổi ngược lại, tiêu không sạch. Hiện nay, ngoài hiệu quả với cây tiêu, máy có thể sử dụng quạt sạch cho nhiều loại nông sản khác.
Xây dựng thương hiệu tiêu Lộc Ninh
Máy suốt hạt và máy quạt tiêu của anh Phong giờ đã trở thành thương hiệu được rất nhiều nông dân không chỉ tỉnh Bình Phước mà ngay cả các tỉnh khác mua dùng với giá rẻ và hiệu quả.
Ông Ngô Đình Nam ở ấp 4, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, một trong những người trồng tiêu có tiếng cho biết: Mỗi vụ tiêu, gia đình ông thu hoạch từ 14 đến 15 tấn nhờ hai chiếc máy của tiệm cơ khí Thanh Phong mà gia đình ông đỡ vất vả hơn. Ưu điểm của máy là tiêu bỏ vào suốt không bị tróc vỏ, tróc hạt, đồng thời cũng giúp giảm thời gian cũng như chi phí thuê nhân công.
Hiện Lộc Ninh có tổng diện tích đất trồng tiêu là 3.559ha, chiếm gần 40% diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh. Với năng suất đạt từ 3 đến 5 tấn/ha, sản lượng tiêu tại Lộc Ninh trong 4 năm trở lại đây luôn đạt trên 10.000 tấn/năm, chiếm gần 50% sản lượng tiêu của tỉnh.
Việc sản xuất thành công máy tuốt hạt và máy quạt tiêu của anh Phong có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương. Đối với nông dân trồng tiêu đã giải được bài toán thiếu hụt lao động trong công đoạn thu hoạch, giúp thu hoạch kịp thời vụ, không thất thoát sản phẩm, giảm chi phí sản xuất góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đối với địa phương đã góp phần không nhỏ vào xây dựng và phát triển thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh. Đặc biệt những sáng tạo của anh góp phần từng bước đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, anh Phong đang tiếp tục cải tiến cải tiến hai sản phẩm cho phù hợp với từng vùng, từng loại tiêu cụ thể, đảm bảo độ chính xác cao nhất. Mong muốn của anh là hai sản phẩm này sớm được các ngành chức năng hỗ trợ đăng ký giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, tránh việc bị giả mạo, gây thiệt hại cho người sử dụng. Nếu được hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, anh sẽ mở rộng nhà xưởng và qui mô sản xuất để cung ứng sản phẩm máy tuốt tiêu và máy quạt tiêu cho thị trường, tạo việc làm thêm cho lao động địa phương.