"Kỹ sư hóa dầu tay ngang"
Thải mà không bỏ
Về cù lao Tân Lộc, hỏi ông Võ Văn Chuộng nhiều người lắc đầu không biết nhưng nói tên Ba Cụi thì đầu làng đến cuối xóm, trẻ già đều tường tận. Ông năm nay ngoài 50 tuổi, nước da ngăm thấp người, gương mặt hiền hậu, phong cách đậm chất Nam bộ. Cuộc đời ông là một câu chuyện thú vị và cơ sở sản xuất mỡ bôi trơn của ông cũng rất độc đáo. Những “công nghệ chế biến” (theo cách gọi của ông) đều làm thủ công, máy móc khá thô sơ; lò sản xuất cũng do chính tay ông đắp, xây; nguyên liệu đốt lò chỉ là vỏ trấu nhưng mỗi tháng cơ sở của ông sản xuất ra khoảng 15 tấn mỡ bôi trơn, với giá thành hiện nay từ 6.000 đến 6.500 đồng/kg, thị trường tiêu thụ mạnh nhất là các tỉnh ĐBSCL.
Ba Cụi sinh ra trong gia đình nhà nghèo, cha mẹ buôn bán nhỏ ở chợ, không có ruộng đất sản xuất. Gia đình có 5 anh em, đều sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Năm 20 tuổi, Ba Cụi cưới vợ rồi ra riêng, làm đủ thứ nghề: vác mía đường, đốt lò đường, vác lúa, gạch... mà chẳng có dư. Trong những lúc nghỉ mệt, ngồi uống nước bên đường nghe những ông bạn cùng xóm bàn tán chuyện làm mỡ bò mà ông chẳng hiểu họ nói gì, cứ im lặng ngồi nghe. Lúc đó, ở cù lao Tân Lộc có một lò sản xuất mỡ bôi trơn (hiện nay đã đóng cửa). Vợ Ba Cụi - Nguyễn Thị Bé Ba - lúc đó đã từng lấy mỡ bôi trơn của cơ sở này đi bán, mỗi ngày được vài chục kg, đủ tiền đong gạo cho cả nhà. Thế rồi, một lần vợ Ba Cụi tìm được bạn hàng lớn, nhận mua 2 tấn mỡ bò. Bà mừng quá nhưng chủ cơ sở không chịu cho bà lấy hàng. Họ nói: “Gom cả gia tài nhà bà cũng không bằng hai tấn mỡ bò của tui (lúc đó giá bán mỗi ký là 4.000 đồng)...”. Nghe vợ than vãn, Ba Cụi tự ái quá nên đi tìm người khá giả nhờ bảo lãnh để vợ ông được nhận hàng. Ba Cụi kể: “Cuối cùng, chú Tám Thăng, nhà ở cầu Cần Thơ Bé thương tình đứng ra bảo lãnh để vợ tui được lấy hàng, chuyến đó sang tay, lời 1 triệu đồng”.
Tự ái vì bị chê nghèo nên Ba Cụi quyết tâm nghiên cứu, học cách sản xuất mỡ bò. Nghề này hái ra tiền nên đâu dễ ai chịu truyền nghề. Nhưng hơn hai năm trời, ông để mắt quan sát, tìm cách học lóm, mày mò nghiên cứu, sản xuất thử. Ba Cụi kể: “Lúc đó mua được mấy lít dầu DO để thí nghiệm không dễ chút nào. Nhà nghèo quá, tiền đong gạo còn khó, nói gì tiền mua dầu... Tui đâu dám làm nhiều, cứ mỗi lần lấy ít nguyên liệu và một ít dầu DO để pha chế, nấu lọc. Tốn không biết bao nhiêu lít dầu DO, thủng không biết bao nhiêu cái nồi của vợ. Có lúc tui nản chí nhưng vợ động viên, bả cứ mua chịu dầu nhiều nơi đem về cho tui thí nghiệm, mua thiếu riết rồi họ ngưng bán. Lúc đó, thằng con trai lớn của tui đang vác mía thuê cho lò đường trong xóm, thương tui cực nhọc đeo đuổi “nghề” mới cũng xin ứng trước tiền lương để tui mua dầu DO sản xuất thử nghiệm...”. Kể đến đây, Ba Cụi mặt bừng sáng, tràn đầy hạnh phúc như giây phút đầu tiên ông thử nghiệm thành công khi dùng nhớt thải và nhiều phụ gia khác chế biến thành mỡ bò. “Sau hơn hai năm ròng rã thử nghiệm, lần đầu tiên thành công (chỉ được khoảng một chén mỡ bôi trơn) tôi mừng đến ứa nước mắt, cầm cục mỡ bò chạy vòng vòng trong xóm, khoe với mọi người “Ba Cụi này thành công rồi!”. Thằng con tui đi làm mướn về tới, ôm lấy tôi, hai cha con cười ha hả.
Từ thành công đó, mỗi ngày Ba Cụi chỉ đủ vốn để sản xuất ra 30 đến 40kg mỡ bôi trơn loại màu vàng (mỡ bò) để vợ đi bán lẻ. Ba Cụi cho biết, trong hơn hai năm trời nghiên cứu, ông đã sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu như: nhớt thải, nhựa polymer phế thải, dép cao su đứt, mỡ cá vồ... qua quá trình nấu, lọc kèm với các chất phụ gia và kỹ thuật chế biến. Cuối cùng ông đã có “công thức” chế biến mỡ bò riêng của mình.
Kỹ sư hóa chất mua “công thức” mỡ bò của nông dân
Khoảng 4 năm sản xuất mỡ bò, Ba Cụi tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thành công loại mỡ bôi trơn mới, chất lượng cao hơn, có màu xanh rêu. Theo Ba Cụi, thời điểm đó, chỉ có ở Thái Lan mới sản xuất mỡ bôi trơn màu xanh rêu, bán tại thị trường Việt Nam, mỗi lon (loại ½ kg) giá 12.000 đồng. Trong khi mỡ bôi trơn màu xanh của Cơ sở Võ Văn Chuộng sản xuất, bán ra thị trường với giá 11.000 đồng/kg mà chất lượng không thua kém hàng của Thái Lan nên người tiêu dùng chấp nhận ngay. “Ở ĐBSCL mỡ cá ba sa, cá tra rất nhiều, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, sao mình không khai thác. Với suy nghĩ này, tui nghiên cứu và “biến” loại mỡ cá này thành mỡ bôi trơn màu xanh rêu”. Hiện nay, loại mỡ bôi trơn màu xanh của Ba Cụi sản xuất đã chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL.
Cách đây 7 năm, do thiếu vốn để sản xuất, nhiều người ở các tỉnh khác đến xin học nghề, ông không chịu truyền. Cuối cùng họ chấp nhận mua công thức và mua luôn những công cụ sản xuất thủ công của ông với giá chuyển nhượng từ 50 triệu đến 60 triệu đồng. Khách hàng đầu tiên là một người ở quận 8, TPHCM. “Theo giao kèo, tui phải đến chỗ họ đắp lò, truyền nghề và không được bán hàng lên địa phương của họ. Đổi lại họ trả tiền để tui có vốn tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất”. Sau đối tác tại TPHCM , đến đối tác tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là hai anh em ruột, một người là kỹ sư kinh tế và một người là kỹ sư hóa, gốc Hà Nội, vào Bà Rịa - Vũng Tàu mở cơ sở sản xuất chất bôi trơn. Không chỉ vậy, Ba Cụi còn bán công thức sản xuất ra tận Hà Nội và Campuchia. Ba Cụi nhớ lại nhiều câu chuyện vui chung quanh chuyện “bán công thức” của ông. Một bữa, một người đàn ông, ăn mặc sang trọng, đeo kính đen, đến tìm Ba Cụi. Ông tưởng vì cạnh tranh trong kinh doanh, có người thuê luật sư đến kiếm chuyện nên ông vọt ra đám mía sau hè trốn. Sau đó, người nhà cho biết, đó là ông kỹ sư hóa ở Hà Nội, từng học bên Liên Xô về, muốn tìm hiểu công nghệ sản xuất mỡ bò của Ba Cụi. Nghe vậy, ông mừng rỡ trở vào nhà, tiếp khách. Còn lần khác, một người đàn ông nói giọng Bắc đến tìm Ba Cụi, qua trò chuyện, ông ta hết sức ngạc nhiên khi biết trình độ Ba Cụi chỉ mới lớp 8. Ông ta nói: “Tôi đã bao năm miệt mài đèn sách, có trong tay bằng kỹ sư hóa mà nghiên cứu hoài không ra công thức sản xuất mỡ bò...”. Cuối cùng ông ta đề nghị mua “công thức mỡ bò” của Ba Cụi với giá 50 triệu đồng...
Hiện nay, dù nhiều người năn nỉ Ba Cụi tiếp tục “bán công thức mỡ bôi trơn xanh rêu” nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông muốn để dành “bí quyết” nghề nghiệp này cho con cháu.
“Kỹ sư hóa dầu tay ngang”!
Ba Cụi tâm sự: “Tui sản xuất mỡ bôi trơn từ năm 1990 nhưng cứ nghĩ làm được hàng thì cứ đem ra chợ bán. Sau này, nghe mấy anh ở huyện chỉ dẫn thủ tục đăng ký, tui cũng không hiểu cách làm nên cứ dùng dằng. Đến năm 1995, nhờ động viên của cán bộ huyện Thốt Nốt, tui mới gởi mẫu đến Trung tâm Đo lường Chất lượng III, tại TPHCM (Tổng Cục Đo lường Chất lượng) để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa”. Tháng 8-2002, Trung tâm Đo lường Chất lượng III công bố kết quả đạt tiêu chuẩn và tháng 9-2002, cơ sở sản xuất mỡ bôi trơn Võ Văn Chuộng được cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, với hai loại sản phẩm mỡ bôi trơn màu vàng và mỡ bôi trơn màu xanh rêu.
Trao đổi với chúng tôi, Ba Cụi lại bật mí là ông vừa chế tạo thành công sản phẩm mỡ bôi trơn cao cấp, trong suốt, có màu ngã vàng ngọc, gần giống như nhựa dẻo. Theo Ba Cụi, công trình nghiên cứu này được ông thực hiện sau một tháng rưỡi miệt mài quên ăn, quên ngủ. Cầm trên tay mẫu hàng mới, Ba Cụi phân tích: “Hiện nay loại mỡ bôi trơn cao cấp có mặt trên thị trường Việt Nam là loại có màu giống y như mẫu tui đang cầm trên tay, do Pháp sản xuất, bán ra với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, chuyên dùng bôi trơn cho những máy móc, thiết bị công nghệ chuyên dùng. Tui đã đăng ký mẫu, có thể đầu năm 2006 sẽ tung ra thị trường, loại mỡ cao cấp này không kém hàng của Pháp, trong khi giá thành chỉ khoảng 35.000 đồng/kg”.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất, Ba Cụi lại tiết lộ, hiện nay ông đang xây lò thử nghiệm nấu các loại rác thải như dép đứt, mủ nhựa, bao nilon phế thải... chế biến thành dầu DO; rồi từ dầu này tiếp tục chuyển hóa thành mỡ bôi trơn. Và ông đã thử nghiệm, cho kết quả rất khả quan nhưng vấn đề khó khăn bây giờ là vốn để mở rộng đầu tư công nghệ sản xuất. Đi một vòng xưởng sản xuất dầu DO, chúng tôi khá thú vị khi biết nguyên liệu chính mà ông sử dụng vẫn là nhớt thải, cộng với phụ gia, sử dụng trấu làm nhiên liệu đốt để chế biến thành dầu DO. Có lẽ vì thế mà nhiều người ở đây gọi ông là “kỹ sư hóa dầu tay ngang”. Ông Ba Cụi cho biết: Cứ 6 lít nhớt thải ông chế biến thành 5 lít dầu. Nhớt thải (nhiều người cứ nghĩ là thứ bỏ đi) thì ông tìm mua lại với giá 3.000 đồng/lít, nhưng hiện nay không có hàng để mua. Cơ sở Ba Cụi phải đặt thương lái mua nhớt thải ở các tỉnh chở về. Ông Ba Cụi nói: “Nguồn nguyên liệu nhớt thải hiện nay ít quá. Nếu Nhà nước cho phép, tui dám mua 50.000 phi nhớt thải ở nước ngoài về “nấu” cho nó đã”. Vừa qua, số dầu DO do Ba Cụi sản xuất, được nhiều người dân đến hỏi mua nhưng ông không bán vì không đủ để sử dụng tại cơ sở và một phần chưa có kết quả kiểm tra chất lượng nên ông chưa vội tung ra thị trường.
Trước khi chia tay, “kỹ sư hóa dầu tay ngang” Ba Cụi cho biết đã gửi mẫu đăng ký chất lượng sản phẩm dầu DO để xin đăng ký sản xuất. Ông kể với giọng cười vui: “Khi tui nạp hồ sơ đăng ký, mấy ông cán bộ trố mắt, lắc đầu hỏi nhau “sao lạ quá!” nhưng hứa chờ kết quả từ cơ quan đo lường chất lượng, nếu đạt sẽ cấp phép cho tui!”.
Nguồn: baocantho.com.vn