Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của dòng lúa thơm “made in soctrang”
Tác giả của dòng lúa thơm ST trên chính là kỹ sư Hồ Quang Cua, một nhà khoa học tâm huyết với ngành nông nghiệp, đang giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Anh sinh năm 1953, trong một gia đình đông anh em tại xã Hòa Đông, huyện vùng biển Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Kỹ sư Hồ Quang Cua tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, khoa Nông Nghiệp vào năm 1979. Trên giảng đường, Hồ Quang Cua là một sinh viên giỏi. Khi ra trường, anh tiếp tục phấn đấu trở thành một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực lai tạo giống lúa, thúc đẩy sự chuyển dịch trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Nhờ có quá trình tham gia nghiên cứu cùng GS.TS Võ Tòng Xuân mà anh đã tích lũy được nhiều kiến thức thực tiễn. Vì vậy, năm 1992, khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập trên cơ sở tách từ tỉnh Hậu Giang (cũ), anh đã mang về cung cấp cho nông dân tỉnh Sóc Trăng 20 tấn giống lúa thơm Khao daw mali có nguồn gốc từ Thái Lan. Tiếp theo đó là việc quảng bá các giống lúa thơm có triển vọng: Jasmin, VĐ 20... Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ sư Hồ Quang Cua, lúc nào cũng luôn nghĩ đến việc lai tạo một loại giống lúa thơm có những ưu điểm vượt trội, mang nhãn hiệu "made in Sóc Trăng". Sau một thời gian nghiên cứu đến năm 2001, giống lúa ST3 đã trở thành một trong những giống lúa thơm chủ lực được nhân ra đại trà khắp đồng bằng sông Cửu Long. Sang những năm tiếp theo giống lúa ST5 đã ra đời.
Điều tâm đắc nhất của kỹ sư Hồ Quang Cua và cũng là bài học kinh nghiệm anh đúc kết được qua quá trình nghiên cứu của mình là "chọn tạo được giống lúa thơm tại chỗ, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng được qui trình canh tác hiệu quả phù hợp với trình độ nông dân". Bản thân những giống lúa mang họ ST đã giúp nông dân Sóc Trăng nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung đạt ngưỡng giá trị sản xuất mỗi ha đất canh tác 50 triệu đồng.
Nguồn: TTXVN