“Kỹ sư” của đồng ruộng
Chỉ học chưa hết cấp II trường làng nhưng một số nông dân ở huyện Châu Phú, Thoại Sơn đã tự mày mò chế tạo thành công máy đánh rãnh thoát nước và máy phun thuốc tự động điều khiển từ xa. Qua đó, góp phần giảm đáng kể sức lao động và thời gian trong quá trình canh tác.
Chiếc máy thay 50 lao động
Do hoàn cảnh gia đình, anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, Châu Phú) chấp nhận bỏ học sớm, gắn bó với ruộng đồng như cái nghiệp. Qua thực tế canh tác, anh nhận thấy sở dĩ người sản xuất thu lợi không cao là do chi phí quá nhiều, ít áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhất là chậm cơ giới hóa vào đồng ruộng. Thấy vậy, anh lên mạng kiếm thông tin, rồi mày mò tìm hiểu các thiết bị về cày, xới, phun thuốc, cắt tỉa… Sau một thời gian, anh đã tìm ra được nguyên lý hoạt động và quyết định thử làm “kỹ sư” chế tạo.
Từ nhu cầu làm rãnh thoát nước trồng cây mè đen, đậu bắp Nhật… ở xã đang hút nhân công, anh Dũng quyết định “xẻ thịt” 2 chiếc máy xới tay của mình, rồi bổ sung một số thiết bị, chế thêm vài bộ phận để cải tiến nó thành máy đánh rãnh thoát nước. Qua nhiều lần trục trặc, chỉnh sửa và nâng cấp, đến năm 2010, sản phẩm của anh được bà con tín nhiệm, sau đó đoạt giải khuyến khích trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ An Giang tổ chức. Tại hội chợ thương mại ở huyện Tịnh Biên và Châu Phú, 20 chiếc máy của anh đã được tiêu thụ. “Sản phẩm của tôi trị giá 32 triệu đồng/máy nhưng nó thay đến 50 lao động, dễ sử dụng, công suất mỗi ngày đào đến 2 héc-ta rãnh nước/máy, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lao động thủ công” - anh Dũng cho biết.
Từ năm 2011 đến nay, anh Dũng đã bán trên 100 máy, tiêu thụ ở nhiều tỉnh và xuất ngoại sang Campuchia. Người nông dân này còn là tác giả của máy sạ mè và máy phun thuốc tự động, đều đoạt giải khuyến khích về sáng tạo.
Thợ nghiệp dư chế “hàng độc”
Là thợ sửa chữa điện tử nghiệp dư ở ấp Trung Bình Nhì (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn), tình cờ xem hội thi sáng tạo robot trên truyền hình, anh Trần Thanh Tuấn nảy sinh ý tưởng chế tạo máy phun thuốc “không người lái”. Chàng thanh niên 36 tuổi, dù chỉ học lớp 7 nhưng đã dành gần 4 năm thực hiện quyết tâm sản xuất chiếc máy tự động để giải phóng sự nặng nhọc và độc hại cho người làm lúa. Tuấn lên mạng tham khảo, tìm hiểu nhiều loại máy trong và ngoài nước, rồi vận dụng sự học hỏi tích lũy được để cho ra sản phẩm theo ý mình.
Anh Trần Thanh Tuấn tập trung hoàn thành chiếc máy phun thuốc thứ 4. Ảnh: N.R
Từ chế tạo ra máy, chuyển đổi từ chạy bằng động cơ sang chạy điện và điều khiển từ xa như bây giờ là một sự gian truân. Gần 4 năm khó nhọc mày mò, đến đầu năm 2014, sản phẩm của Tuấn cũng ra đời. Chàng nông dân trẻ đã bán được 3 chiếc máy phun thuốc “không người lái” cho doanh nghiệp để họ bán qua Lào và đang tiếp tục hoàn thành chiếc máy thứ 4. “Do ít tiền nên việc đầu tư, mua sắm thiết bị phải nhờ vào nguồn kinh tế là 10 công ruộng của gia đình. Nếu có điều kiện tôi sẽ làm 4 - 5 máy/tháng. Máy điều khiển từ xa bằng remote của tôi được cải tiến gọn nhẹ, nhưng rất hiệu quả. Với cần phun 24 vòi, dài 12m, người điều khiển có thể đứng xa máy tới 100m, không bị ảnh hưởng chất độc hại của thuốc. Do máy chỉ nặng 120kg nên dễ di chuyển trên đồng ruộng, xịt được 480 lít nước thuốc/giờ, gấp 8 lần so xịt bằng tay nặng nhọc, lại bị ảnh hưởng độc hại của hóa chất. Giá thành sản phẩm 32 triệu đồng/máy, có nhiều người đặt hàng nhưng tôi vẫn chưa dám nhận” - anh Tuấn bộc bạch.
Dù sản phẩm ra đời chưa lâu nhưng chủ nhân đã nhiều lần đem “thử lửa” với 1 giải nhất, 1 giải khuyến khích do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ tổ chức.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Cứng nhận xét: “Hiện nay, nhiều nông dân rất chịu khó tìm tòi, học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, hạ chi phí, nâng cao thu nhập… Gần đây, xuất hiện khá nhiều nông dân tập làm “kỹ sư” chế tạo và đã cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị. Nông dân Nguyễn Văn Dũng và Trần Thanh Tuấn là 2 trong số đó”. |