“Kỹ sư chân đất” Nguyễn Phú Thạnh với mô hình tưới tự động
Chuyện về ông “kỹ sư chân đất”
Đến xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về một nông dân chỉ mới học đến lớp 9 nhưng qua quá trình lao động, mài mò, tìm tòi học hỏi đã chế tạo thành công máy tưới tự động. Thán phục trước thành quả đó, cùng với bản tính chất phác, hiền lành của người nông dân chân lấm tay bùn nên người dân nơi đây gọi ông Thạnh bằng cái tên trìu mến: “kỹ sư chân đất”.
Ông kể, khu vườn trồng quýt của gia đình cách nhà khá xa nên việc chăm sóc, tưới tiêu, phun thuốc rất khó khăn, đó là chưa kể việc thuê mướn nhân công không mấy dễ dàng nên ông Thạnh quyết tâm nghiên cứu ra thiết bị có thể thay thế con người.
Nghĩ là làm, ông lân la đến những nơi mua bán phế liệu, tìm các thiết bị ưng ý để bắt đầu “chế tạo”. Một lần thất bại, rồi hai lần, ba lần… thế nhưng ông vẫn không chịu đầu hàng. Do chưa từng qua trường lớp ngày nào nên ông phải vừa làm, vừa nghiên cứu các nguyên lý vận hành thiết bị qua sách vở. Lúc đầu thiết bị của ông chỉ có thể điều khiển khoảng 20 – 30m nhưng với sự mài mò, không ngừng học hỏi, hiện hệ thống phun tưới đã hoạt động thông suốt, bất kể nơi đâu miễn là có sóng điện thoại.
Nhìn vườn quýt đường 03 năm tuổi đang oằn trái, ít ai ngờ rằng đó là thành quả do một mình ông vun bón với sự trợ giúp đắc lực của chiếc máy tưới tự động. Vừa rót mời chúng tôi chung trà thơm phức, ông Thạnh chia sẻ, tuy nhà có 04 nhân khẩu nhưng ai có việc nấy. Vì vậy, chuyện chăm sóc cho 05 công quýt chỉ do ông lo liệu.
Đầu tư nhỏ, lợi ích to
Ông Thạnh cho biết, tổng chi phí để làm ra hệ thống này chỉ mất 01 triệu đồng vì các thiết bị đều đã qua sử dụng, tuy nhiên hiệu quả mang lại là lớn lao vô cùng. Thấy chúng tôi tâm đắc, ông liền dẫn vào xem nơi đã cho ra đời sáng kiến này. Đó là một căn phòng được xây bằng gạch có mái che, bên trong là chiếc máy dầu cùng những thùng phuy to tướng và hệ thống ống truyền dẫn.
Khi cần phun thuốc, chỉ cần mở nắp chai và đặt dưới các đường ống dẫn, hệ thống sẽ tự động bơm thuốc nguyên chất vào phuy để pha và điều chỉnh lượng nước cho phù hợp. Đến lúc đã đủ nước, bộ thăm dò lưu lượng thuốc sẽ báo tín hiệu về bộ xử lý là hoàn tất việc pha thuốc, thế là bộ xử lý tín hiệu sẽ thực hiện nhiệm vụ phát lệnh để bơm truyền thuốc qua phuy chứa dẫn vào máy nén để phun thuốc.
Với cách làm này, thuốc sẽ được dẫn đi khắp vườn. Khi xịt xong một hàng, cần phải kéo dây đến hàng khác hoặc qua mương, ông chỉ cần điều khiển bằng chiếc điện thoại di động, máy phun thuốc sẽ tự động ngừng hoạt động để tiết kiệm thuốc trừ sâu và dầu chạy máy. Không chỉ phun thuốc, hệ thống này cũng được sử dụng cho việc tưới tiêu hàng ngày.
Từ khi lắp đặt hệ thống tưới tự động này, mỗi năm ông Thạnh tiết kiệm gần 50 ngày công lao động, 400 lít dung dịch đã pha thuốc rồi chi phí tiền điện, tiền dầu chạy máy, đặc biệt là chủ động trong việc sản xuất và hạn chế việc tiếp xúc với hoá chất độc hại.
Dù có được mô hình hay nhưng với tính cách phóng khoáng của người nông dân, ông Thạnh sẵn sàng chia sẻ với những nhà vườn xung quanh. Ai có nhu cầu thì ông nhiệt tình hướng dẫn hoặc lắp đặt hộ mà không cần trả công.
Ông Ngô Văn Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thới cũng là người được ông Thạnh chia sẻ mô hình cho biết, hệ thống hoạt động rất hiệu quả, từ khi lắp đặt hệ thống này không cần phải tốn nhân công lại rất chủ động trong sản xuất. Đến nay, trên dưới 20 nhà vườn đã lắp đặt và rất hài lòng với hệ thống tưới tiêu tự động này.
Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của huyện Lai Vung là 4.000ha, trong đó trên địa bàn xã Vĩnh Thới có gần 400 ha nên nhu cầu tưới tiêu và phun xịt thuốc trừ sâu bệnh là rất lớn. Với mô hình này, không chỉ giảm được chi phí, nhân công mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do lượng thuốc trừ sâu không bị thải ra môi trường, đồng thời hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu khi nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng khan hiếm – bà Trần Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định.
Sáng kiến của ông Nguyễn Phú Thạnh vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc là sự ghi nhận rất đáng trân trọng cho quá trình lao động, miệt mài sáng tạo, góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách thiết thực và hiệu quả.