Kỹ sư "chân đất" chế máy tiền tỉ: Edison về VN thì...
Ông Trịnh Đình Năng – một kỹ sư cơ khí, chủ nhân của “lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại” khiến thế giới quyết chi 10 tỉ đồng để mua lại bản quyền nhưng ông đã không bán mà để sản xuất ứng dụng trong nước.
Bảo vệ công trình không cần một tờ giấy
Là người con Bắc Kạn, lại học cơ khí nhưng ông Năng vốn mê nghiên cứu, chế tạo từ nhỏ. Dù tạo lập cho mình một xưởng cơ khí riêng song từ những năm 1989 ông đã mày mò để chế tạo lò đốt rác thải y tế nguy hại.
“Tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đọc các kiến thức về vật lý, hóa học, môi trường… để chế tạo lò bởi đây là một hệ thống cần tổng hợp các kiến thức này. Mất đúng 20 năm tôi đã thực nghiệm thành công và công bố công trình của mình”, ông Năng chia sẻ.
Nghiên cứu từ năm 1989, đến 2009, ông gửi đăng ký sáng chế “Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại” cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2012, ông bảo vệ thành công và được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đề án này. Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại của ông là một hệ thống thiết bị lò, gồm: Đầu đốt đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ Nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi, mùi độc hại.
Ông Năng cho biết, khi bảo vệ công trình trước hội đồng của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều giáo sư, tiến sĩ ngồi để đặt câu hỏi nhưng ông đã trả lời rành rọt mà không cần cầm theo bất cứ tờ giấy nào.
Khi đó, chính thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng đã phải nói rằng: “Anh Năng ‘tự đẻ’ ra đứa con này nên hiểu cặn kẽ, tường tận quá về nó rồi”.
Quả đúng là như vậy, “đứa con” mà ông Năng dành 20 năm để nghiên cứu, chế tạo rồi thử nghiệm thành công đã mang lại trái ngọt.
Sau khi ông Trịnh Đình Năng được cấp bằng sáng chế độc quyền, một công ty chế tạo máy hàng đầu của Đức đã liên hệ để mua lại sáng chế của ông với giá hơn 300.000 euro (khoảng 10 tỉ VND). Tuy nhiên, ông đã từ chối đề nghị của họ mà chỉ đồng ý hợp tác cùng sản xuất. Lý do ông đưa ra là việc nghiên cứu này không chỉ của riêng ông mà là của cộng đồng người Việt Nam. Đây là trí tuệ và chất xám của người Việt.
“Hiện Việt Nam còn phải nhập thiết bị từ nước ngoài thì không có lý gì mà không áp dụng được trong nước cả. Hơn nữa nếu để sản xuất ngay tại Việt Nam sẽ đem lại công ăn việc làm cho những người ở quê hương Bắc Kạn và các địa phương ứng dụng”, ông Năng chia sẻ.
Bằng tiến sĩ mà không có gì để lại cũng vô nghĩa
Dù chỉ là một kỹ sư cơ khí, song khi nói về công trình lò đốt rác của mình ông Năng nói vanh vách các kiến thức hóa, lý khiến người đối diện thực sự cảm phục.
Hỏi rằng, với kiến thức như vậy sao ông không bảo vệ để có bằng tiến sĩ, ông Năng chia sẻ: “Để có bằng tiến sĩ không quá khó, nhưng quan trọng là có nó để làm gì. Bằng tiến sĩ chỉ là một mảnh giấy chứng nhận nếu không làm được việc gì có khi còn bị người đời nói. Quan trọng là mình để lại gì trên mặt đất này, giúp ích gì được cho cuộc sống thực tế. Cái đó quý hơn nhiều”, ông Năng lý giải.
Đưa ra quan điểm của mình trước việc không ít giáo sư, tiến sĩ nhưng không có công trình đáng giá, hoặc có công trình nhưng cất trong ngăn kéo ông Năng cho rằng: “Các giáo sư, tiến sĩ nhà mình lý thuyết nhiều quá, không thực dụng thì khó mà công trình có thể áp dụng rộng, được thực tế chấp nhận. Chúng ta mới chỉ có lý thuyết và chi tiền rất phung phí. Nhìn những đồng tiền nhà nước chi cho các công trình vô bổ thấy tiếc lắm”.
Đưa ra minh chứng cho quan điểm của mình, ông lấy ví dụ từ chính dây chuyền tuyển rác tại nhà máy Sông Công (Thái Nguyên).
“Dù không cần đến tận nơi mà chỉ cần nhìn qua tivi đã thấy băng tải tuyển như tại nhà máy này sẽ không có một công nhân nào làm mà họ chỉ biểu diễn trong một tuần. Ngoài một tuần ra họ chạy hết vì họ sẽ bị nhiễm độc do chất thải của rác thải đô thị tạo ra. Mùi rác rất độc mà để chạy ngoài như vậy thì không ổn”, ông Năng nói.
Thực tế chính nhà máy xử lý rác Sông Công đã gây ô nhiễm môi trường trong khi phải chi tiền tỉ mà không phát huy được tác dụng.
Theo ông Năng, nghiên cứu thấy người Pháp những năm 50 đã nghĩ ra dây chuyền tuyển kín. Khi người công nhân tuyển sẽ không bị nhiễm độc. Do vậy phải nghĩ cả cho những người làm bên thiết bị nữa.
Nhìn từ thực tế như vậy nên sáng chế độc quyền “Lò đốt rác thải y tế nguy hại” của ông Trịnh Đình Năng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Trịnh Đình Năng khẳng định: Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước. Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này. Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Tại trung tâm lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C. Thời gian đốt cũng rất nhanh. Tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kỹ thuật hay tắc đường dẫn dầu.
Chẳng những cho ra đời được lò đốt rác thải y tế đáng giá, hiện ông Năng vẫn còn khát vọng đang ấp ủ đó là làm dây chuyền công nghiệp sản xuất bột nghệ xuất khẩu. Rồi máy tách dầu nghệ, gừng bằng công nghệ CO2 theo kiểu công nghệ Đức.
Theo ông Năng, nhiều Viện lớn ở Việt Nam không dám nghĩ đến vì máy này có giá triệu đô nên chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư. Do vậy ông sẽ tự làm. Nếu làm được sẽ chỉ có giá khoảng 2 tỉ đồng thôi. “Còn với dây chuyền sản xuất bột nghệ đã nghiên cứu xong rồi, giờ chỉ sản xuất ra máy là xong”, ông Năng tiết lộ.
Cho rằng Việt Nam thiếu những công trình sáng giá, ngoài chuyện các nhà khoa học quá lý thuyết, ngồi bàn giấy xa thực tế, ông Năng cũng nói thẳng: Nếu cứ thực hiện cơ chế chính sách này thì đến Edison có về Việt Nam thì cũng chỉ là ông buôn sắt vụn.
“Tôi vẫn hay nói đùa ngành quản lý khoa học công nghệ hay nói đùa đang hô hào nhau chế tạo ra chiếc máy bay to nhất, khát vọng chở nhiều khách trên thế giới. Máy bay chế tạo xong rồi và cũng bay được nhưng không sao chở được hàng, khách. Đến khi tìm hiểu ra thấy chúng ta thiết kế cái còi quá lớn. Và rồi máy bay chỉ chở được mỗi cái còi”, ông Năng ví von thật chua xót.