Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/09/2005 14:04 (GMT+7)

Kỷ niệm ngày sinh GS Trần Đại Nghĩa (13-9-1913): Ngày đầu ‘theo chân Bác’

Đối với Giáo sư Trần Đại Nghĩa, ký ức về những ngày đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Người về nước phục vụ cách mạng là dấu ấn không thể phai mờ, bởi đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông...

Đại tá Trần Dũng Triệu, con trai của cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho tôi xem nhiều tư liệu quý về cha mình, trong đó có những bức ảnh chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Triệu hiện là chuyên viên của Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Bộ Quốc phòng), một cơ quan có liên quan đến ngành sản xuất vũ khí mà cha anh từng góp công gây dựng. Giáo sư Trần Đại Nghĩa có bốn người con trai. Dường như được thừa hưởng “gien” của bố nên ai cũng làm việc ở những ngành khoa học kỹ thuật. Nhắc đến Giáo sư Trần Đại Nghĩa, đại tá Trần Dũng Triệu tỏ vẻ xúc động. Hình ảnh về người cha nổi tiếng hết lòng vì công việc luôn là niềm tự hào, là tấm gương để anh học tập, phấn đấu...

Với phong thái rất gần gũi, đại tá Trần Dũng Triệu cho tôi biết đôi nét về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Anh nói: “Bố tôi tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh năm 1913 tại tỉnh Vĩnh Long. Ông bà nội rất nghèo nên bố tôi đã có chí phấn đấu từ nhỏ. Năm 1935, sau khi đỗ trung học chuyên khoa, với niềm say mê nghiên cứu khoa học ông đã giành được học bổng sang Pháp du học, được đào tạo qua các trường Đại học Kỹ nghệ cầu cống-điện, Viện Nghiên cứu máy bay và Đại học Sorbonne. Sau này, ông làm việc tại công trường cầu, xưởng chế tạo máy điện, xưởng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu vũ khí...”.

Theo anh Triệu, khi còn sống Giáo sư Trần Đại Nghĩa rất ít nói về mình, ông cũng không viết hồi ký. Những tư liệu về quá trình công tác của ông chủ yếu do bạn bè, đồng nghiệp cung cấp. Chỉ duy nhất có một bài hồi ức được ông viết bằng văn bản, đó là những kỷ niệm ngày đầu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Người về nước, tham gia sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến.

Bài hồi ức dài khoảng chục trang, sau khi đánh máy xong nhiều chỗ được Giáo sư Trần Đại Nghĩa “biên tập” lại cho gọn. Bài viết được mở đầu bằng một sự kiện quan trọng mà khi đó Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn đang sống tại Pháp: Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời. Đó là một ngày đầu tháng 9 năm 1945, qua bản tin sáng của đài phát thanh Pa-ri, Giáo sư Trần Đại Nghĩa biết tin ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam đã bị lật đổ. Chính phủ lâm thời Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã được thành lập. Nhưng rồi thực dân Pháp có ý đồ tái chiếm Nam Bộ và muốn lập lại bộ máy thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam . Nền độc lập, tự do của dân tộc đang bị đe dọa. Làm gì trong lúc này khi ông là người đang sống giữa thủ đô của nước đi xâm lược? Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã trăn trở suy nghĩ, đặt ra nhiều tình huống và cuối cùng xác định: Đất nước đã giành được độc lập, nền độc lập ấy muốn được giữ vững thì phải có quân đội mạnh, quân đội mạnh thì phải được trang bị vũ khí mạnh… Nghĩ vậy, ông tiếp tục những công việc mà lâu nay vẫn bí mật làm, đó là nghiên cứu, tìm hiểu về chế tạo vũ khí, về khoa học quân sự, về kinh nghiệm sản xuất vũ khí của các nước trong chiến tranh thế giới thứ 2 để khi có dịp sẽ trở về phục vụ Tổ quốc. Ông liên hệ với bạn bè, tới các hiệu sách, thư viện tìm kiếm thông tin, mua thêm tài liệu nói về vũ khí và kỹ thuật chế tạo vũ khí. Năng nhặt chặt bị, đống sách do ông tìm kiếm được đã lên tới hàng ngàn cuốn. Nhiều lúc nhìn đống sách, ông vừa mừng vừa lo. Mừng là đã có trong tay một “số vốn” cần thiết - những kiến thức rất quý về chế tạo vũ khí của thế giới. Còn lo là làm sao đưa số sách ấy về nước kịp thời phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội.

Trong lúc chưa tìm được câu trả lời thì Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhận được tin: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp (và cũng là để chỉ đạo phái đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô) mời đại biểu Việt kiều, trong đó có ông, tới khách sạn Roay-an Mông-xô để gặp. Đây quả là một vinh dự, một tin vui lớn đối với người trí thức đã nhiều năm xa Tổ quốc. Giáo sư Trần Đại Nghĩa không thể nào quên giây phút đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác mặc bộ quần áo ka-ki giản dị, nét mặt hiền từ, đức độ. Bác hỏi từng người về tình hình làm ăn sinh sống, về gia đình, sức khỏe, về học hành và trình độ hiểu biết khoa học-chuyên môn kỹ thuật… Ông rất cảm động khi Bác hỏi tình hình học tập và nguyện vọng của mình. Giáo sư đã báo cáo với Bác chuyện mình bí mật tự học về ngành chế tạo vũ khí và nguyện vọng muốn được về nước phục vụ cách mạng. Bác nhìn ông mỉm cười đồng ý.

Mặc dù trong quá trình đàm phán, phái đoàn của ta đã rất mềm mỏng thiện chí với mục đích cứu vãn hòa bình, nhưng trước thái độ ngoan cố của Pháp, Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô bị đổ vỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời Giáo sư Trần Đại Nghĩa đến gặp và nói: “Chú chuẩn bị về nước với Bác, hai ngày nữa ta sẽ lên đường”. Bác về nước lần này không phải bằng máy bay mà là bằng một tàu chiến của Pháp. Điều lo lắng lớn nhất của ông là phải đưa hàng tấn tài liệu, sách báo về nước an toàn. Vì vậy, ông đã bỏ lại tất cả đồ dùng tư trang cá nhân, tập trung gói ghém bằng hết số tài liệu, sách báo để đem theo. Sáng ngày 16 tháng 9, một chuyến xe lửa đặc biệt đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pa-ri. Chiều 17, từ Mác-xây, một đoàn xe hơi đưa Người đến cảng Tu-lông để xuống tàu về nước. Về cùng với Người, ngoài mấy đồng chí phục vụ, còn có bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân và ông (lúc đó vẫn mang tên Phạm Quang Lễ). Khi chiếc chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin nhổ neo ra khơi, ngồi trong căn buồng của thủy thủ nhìn lại những gói tài liệu, sách báo vẫn nguyên vẹn ông mới thực sự yên tâm.

Đó là chuyến đi không bình thường, nhưng đối với Giáo sư Trần Đại Nghĩa lại là một dịp may hiếm có. Bốn mươi ngày lênh đênh trên biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tâm trí ông nhiều kỷ niệm sâu sắc. Những lời nói của Người, kết hợp với các cử chỉ, hành động cụ thể, có sức thu hút lớn lao đối với chàng trí thức trẻ. Bác luôn luôn khêu gợi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, củng cố niềm tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Những lời nói giản dị, gần gũi nhưng vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa, chinh phục trái tim tất cả những người trong Đoàn, kể cả các thủy thủ Pháp trên tàu. Có lần, Bác hỏi Giáo sư Trần Đại Nghĩa: “Ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?”. Ông trả lời là sẽ chịu được. Bác lại hỏi: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?”. Ông bình tĩnh trả lời: “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị mười một năm rồi và tôi tin là mình sẽ làm được”.

Sáng ngày 20 tháng 10 năm 1946, con tàu kéo một hồi còi dài, rồi từ từ tiến vào cảng Hải Phòng. Thành phố rợp bóng cờ đỏ sao vàng, người đứng chật hai bên đường đón Bác. Có người trèo lên cả những chỗ cao để nhìn thấy Bác. Những tiếng hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm”, “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược” vang lên không ngớt. Theo chân Bác, rời con tàu, bước lên bờ sau 11 năm xa quê hương, Giáo sư Trần Đại Nghĩa vô cùng xúc động. Đi giữa hai đội danh dự: một bên là quân đội viễn chinh Pháp với những khẩu súng của Mỹ còn mới tinh, một bên là đội danh dự của quân đội Việt Nam với những khẩu súng to nhỏ đủ loại, ông thấy tự hào rạo rực nhưng cũng không khỏi chạnh lòng... Lúc ấy ông đã nghĩ, cần phải nhanh chóng nghiên cứu sản xuất, cải tiến trang bị vũ khí cho quân đội, góp phần vào công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Về tới Hà Nội, chỉ sau một tuần Giáo sư Trần Đại Nghĩa bắt tay vào nghiên cứu cải tiến vũ khí trang bị phục vụ cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp. Ông đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên từ Phạm Quang Lễ thành Trần Đại Nghĩa với lời dặn dò: “Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành Quân giới, phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc nghĩa rất lớn đối với dân, với nước”. Câu nói giản dị, sâu sắc ấy và cái tên do Bác Hồ đặt đã gắn liền với sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa trong suốt quãng đời sau này...

Nguồn: quandoinhadan.org.vn 17/9/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.