Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Một tập thể nữ sáng tạo
Nghiên cứu chế tạo vật liệu chitosan từ vỏ tôm phế thải của cả tập thể đạt tiêu chuẩn dùng trong y tế. Vật liệu chitosan đã được Bộ Y tế công nhận là nguyên liệu dùng làm thuốc chữa bệnh, được cấp phép đăng ký sản xuất và lưu hành trong toàn quốc liên tục từ năm 1997 đến nay. Từ vật liệu này, tập thể cán bộ nữ đã nghiên cứu tạo ra thuốc kem Pokysan có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, đặc biệt là chủng nấm Candila albicans, không gây dị ứng và tác dụng phụ, có khả năng cầm máu, chống xưng u, kích thích tái tạo biểu mô và tế bào da để làm mau liền các vết thương, vết bỏng. Thuốc kem Pokysan đã được thử nghiệm lâm sàng trên 500 bệnh nhân cả bỏng nông, bỏng sâu tại Viện bỏng quốc gia và các bệnh viện khác ở Việt Nam. Hiệu quả điều trị liền vết thương bỏng tốt, ngang thuốc bỏng nhập ngoại của Mỹ và Ấn Độ mà giá rẻ hơn nhiều. Thuốc kem này còn được sử dụng rộng rãi cho việc điều trị nhiễm trùng da, vết thương, vết trầy xước, mụn, bỏng rạ, các bệnh nấm da...
Thuốc kem Pokysan đã được nhận Huy chương Vàng tại Hội chợ quốc tế Hàng Công nghiệp Việt Nam năm 2001, được cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích năm 2003, được nhận giải Fawich tài năng sáng tạo nữ và bằng danh dự của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Huy chương Đồng tại Hội chợ sáng tạo quốc tế Seoul tháng 12 năm 2004. Công nghệ sản xuất thuốc kem Pokysan được chào bán ở chợ công nghệ Techmark Việt Nam 2003.
Bên cạnh thuốc kem Pokysan, tập thể nữ đã nghiên cứu ra thuốc kem Polysanmin là sản phẩm kết hợp chitosan với Curcumin, trong đó chitosan, được sử dụng là thành phần hoạt chất chính, còn Curcumin (được tách chiết từ củ nghệ vàng) được sử dụng làm hoạt chất phụ trợ, có tác dụng kích thích lên da non, chống sẹo lồi và điều hoà sắc tố da. Công nghệ sản xuất thuốc kem Polysanmin đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2003, được chào bán ở chợ công nghệ Techmark Việt Nam 2003.
Sản phẩm tiếp theo là nghiên cứu chống nấm ngoài da và phụ khoa từ vật liệu chitosan và một số sản phẩm có hoạt chất tự nhiên; nghiên cứu màng băng polyme sinh học Pochisan từ vật liệu Chitosan. Màng băng này có hai chức năng: được dùng để che phủ vết thương đồng thời là màng thuốc để điều trị lành vết bỏng, vết thương, đường mổ vô trùng chỗ cấy da và vá da, phẫu thuật tạo hình. Không chỉ dừng lại ở đó, vật liệu chitosan còn được chế tạo thành thực phẩm bổ dưỡng sức khoẻ, có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol và lipid máu, chống béo phì, chống u và ung thư, đặc biệt là tăng cường miễn dịch cho cơ thể, có khả năng dùng cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS bị suy giảm miễn dịch.
Cũng từ vật liệu chitosan, tập thể đã chế tạo ra sản phẩm “Chimex” dùng trong nông nghiệp. Sản phẩm này không độc hại, dùng an toàn cho người và môi trường xung quanh, kích thích sự phát triển nhanh cho rễ, hoa, lá, tạo nhiều diệp lục tố, chống nấm đạo ôn, khô vằn cho lúa.
Các nhà khoa học nữ cũng đã nghiên cứu công nghệ bảo quản hoa tươi bằng chế phẩm compozit polyme sinh học PDP-M2 không độc hại.
Và công trình tiêu biểu mới của họ là nghiên cứu bột PDP từ vỏ thuỷ hải sản dùng làm phụ gia thực phẩm an toàn, thay thế được hàn the độc hại đang bị cấm dùng hiện nay. Phụ gia này có hai chức năng: dùng trong chế biến thực phẩm và dùng để bảo quản thực phẩm, có thể dùng cho nhiều nhóm thực phẩm đa dạng: nhóm thịt (giò, chả, nem chua, thịt hộp...), nhóm bột (bún, bánh cuốn, bánh phở, bánh susê), nhóm sữa và giải khát.
Công trình nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tiễn, có hiệu quả kinh tế và xã hội cao, góp phần bảo vệ sức khoẻ trước mắt và lâu dài của cả cộng đồng và cho thế hệ mai sau.
Từ khi thành lập đến nay, tập thể phòng Polyme dược phẩm đã chủ trì 12 đề tài, dự án cấp Nhà nước, 2 dự án quốc tế, 8 đề tài, dự án cấp Bộ, 14 đề tài cấp Viện; có 10 công nghệ và 1 dịch vụ nghiên cứu khoa học đang được chào bán ở thị trường công nghệ Việt Nam; có 8 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành, trở thành thương phẩm trên thị trường; được cấp 4 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ cho 4 sản phẩm; được cấp 3 bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trên phạm vi quốc tế, được nhận cờ thi đua, nhiều giải thưởng khoa học sáng tạo, các sản phẩm đã được tôn vinh là Di sản văn hoá, được trưng bày vĩnh viễn ở bảo tàng Cách mạng; đoạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2000. Nhiều sản phẩm đã được dùng vào hoạt động xã hội để cứu trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai lũ lụt, nạn nhân bị chất độc da cam và các trẻ em.
Không chỉ là những nhà khoa học say mê với công tác nghiên cứu, tham gia đào tạo đại học và trên đại học, các chị còn là những người vợ, người mẹ... luôn tích cực học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia hoạt động xã hội và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Những công trình khoa học giàu tính sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi ứng dụng vào thực tiễn của tập thể các nhà khoa học nữ phòng Polyme dược phẩm đã mang lại cho các chị Giải thưởng Kovalevskaia năm 2003-2004.
Nguồn: Những nhà khoa học nữ Việt Nam được giải thưởng Kovalevskaia, NXB Phụ nữ, 2005.