Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/12/2005 01:06 (GMT+7)

Kỷ niệm 61 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam: Nhà khoa học vì nạn nhân chất độc da cam

Trường Sơn ngày ấy… Tây Nguyên ngày ấy…

Những ai đã vượt Trường Sơn ngày ấy… chắc hẳn qua “ Tây Nguyên ngày ấy” của cố giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài sẽ tìm lại được dấu chân mình còn in trên con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh của một thuở hào hùng chống Mỹ, cứu nước…

Sau những năm (1983-1995) làm Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hoá học dùng trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt: Uỷ ban 10-80); Giám đốc Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam – Dioxin thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam rồi năm 1997 qua NXB Lao động giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài đã cho ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký dày 550 trang này…

Ngay sau khi xuất bản, Tây Nguyên ngày ấyđã được các nhà văn chuyên nghiệp tiếp nhận rất chân thành. Nhà văn Tô Hoài: “Những nhật ký như Tây Nguyên ngày ấycủa Lê Cao Đài là tài liệu sống, chẳng những bổ ích cho bài học hôm nay mà còn rất cần thiết cho lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”. Còn nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Lưu viết: “ Tây Nguyên ngày ấylà một cuốn hồi ký có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt về lý luận văn học… những người thật việc thật có địa điểm và thời gian - sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho cuốn sử về Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng”.

Một hôm, đến làm việc ở Hội Chữ thập Đỏ, tôi được giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài tặng cuốn Tây Nguyên ngày ấyvới lời đề: “Thân mến tặng chị Mai Trang – Nhà báo, để nhớ lấy cuộc chiến tranh và các nạn nhân chất da cam”. Bởi vì, ông biết những năm 80, tôi đã viết trên báo Sài Gòn giải phóng với bút danh Hồ Kim, về các nạn nhân chất độc da cam và nhớ lại hoạt động của giáo sư Tôn Thất Tùng cùng các nhà khoa học Việt Nam ngay năm 1970 tại hội nghị Orsay, Paris đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tác hại của cuộc chiến tranh hoá học đối với sức khoẻ bộ đội và nhân dân miền Nam Việt Nam. Hôm ấy, giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài rất vui. Ông cho tôi biết kết quả của cuốn phim Cuộc chiến cuối cùng của Việt Namdo hãng CNN của Mỹ đã trực tiếp sang Việt Nam quay vào năm 1993 nói về hậu quả chất da cam vừa được phát rộng trên vô tuyến truyền hình Việt Nam. Ông còn kể với tôi chuyến thăm Việt Nam của nguyên Đô đốc Hải quân Elmo Zumwalt - người chỉ huy chiến dịch Ranch Hand đã quyết định cho rải chất da cam nhằm phá huỷ rừng rậm hai bên bờ sông để ngăn chặn các cuộc phục kích của Việt cộng với các cuộc tuần tra trên kênh rạch miền Nam nhằm giảm thiểu tỉ lệ tử vong cho Hải quân Mỹ… Oái oăm thay, chính gia đình Elmo Zumwalt lại là nạn nhân chịu tác hại của chất da cam. Con trai cả của vị Đô đốc này là Trung uý hải quân từng được thưởng nhiều huân chương qua các cuộc tuần tra “tìm diệt” nhưng trở về Mỹ lấy vợ đã sinh ra một đứa con mắc chứng đần độn bẩm sinh, còn viên Trung uý này bị ung thư chết năm 1988… Chính Elmo Zumwalt đã mô tả lại câu chuyện bi thương của gia đình mình trong cuốn hồi ký Cha con tôimà giáo sư Lê Cao Đài dịch từ nguyên bản tiếng Anh “My father, my son”, được NXB Chính trị quốc gia ấn hành 1996. Đô đốc Hải quân Elmo Zumwalt đã đến Việt Nam với nỗi day dứt và mong muốn cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu giải quyết hậu quả của chất da cam ở Việt Nam. Vì vậy, con trai thứ hai của vị Đô đốc này là luật sư khi đến Việt Nam đã ủng hộ một số tiền cho Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Giáo sư Lê Cao Đài còn lạc quan báo tin cho các nhà khoa học Ca-na-da và Niu-di-lân đã vào cuộc mở ra triển vọng cho việc giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam… Ông nói đến những đề xuất tích cực của các nhà khoa học quốc tế. Chẳng hạn, ông Roy A-Lane - một nhà hoá học người Anh tuyên bố: “Tôi không quan tâm đến việc tiếp tục nghiên cứu tác hại của các hoá chất mới, mà tôi muốn làm gì đó để giải quyết những tác hại đang hằng ngày gặp nhấm người dân Việt Nam. Đó là luân thường đạo lý và đạo đức mà một nhà hoá học cần phải làm tiên phong”. Ông Wayne Duermychck, Phó chủ tịch Công ty Tư vấn Hatfield – Ca-na-da: “Việc nghiên cứu cần đi đôi với việc giúp đỡ các nạn nhân”…

Qua Tây Nguyên ngày ấy, tôi hiểu được nỗi lòng của giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài khi ông viết: “Đọc nhật ký Lêningrát của nữ văn sĩ Vêra Inbe càng thúc giục tôi trong ý nghĩ viết một cuốn hồi ký về Viện 211 trong những năm ở Tây Nguyên (trang 485)”. Cũng bởi vì ông vừa là một nhân chứng vừa là một nạn nhân chất độc da cam và vừa là một nhà khoa học…

Tình yêu và trường học lớn

Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo trong lời giới thiệu Tây Nguyên ngày ấynhấn mạnh đến con người giáo sư Lê Cao Đài và hình ảnh những bác sĩ quân y của Viện 211: “Một thanh niên trí thức người Hà Nội với truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc đi theo lời gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ đã dũng cảm chiến đấu, công tác trong gian khổ, ác liệt với đầy sức sáng tạo…

Chiến trường là một trường học lớn, chiến đấu là một người thầy tốt đã hun đúc nên những con người chân chính”.

40 năm trước, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đọc quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cùng cho chiến trường miền Nam lấy tên là đoàn 84. Bộ khung cán bộ cũng như Ban chỉ huy bệnh viện đều của hai bệnh viện 108 và 103, là hai bệnh viện tuyến cuối cùng của quân đội. Sau, có trạm giao liên 84 nên đoàn 84 đổi tên thành Viện 211 là hai con số đầu và cuối của hai bệnh viện cộng lại để ghi nhớ nguồn gốc của Viện 211… Vậy là, trong danh sách những người được cử đi có Giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực các Viện quân y 108 và 103. Ông không sang Bungari làm luận án Phó tiến sĩ mà quyết tâm ra trận. Cũng như các gia đình bộ đội khác, gia đình Lê Cao Đài bình tĩnh tiếp nhận tin ông chuẩn bị đi chiến trường. Người cha thân yêu vốn là giáo viên thời thuộc Pháp cặm cụi mài thật sắc con dao bài để thái sâm thành miếng mỏng rồi sao cả sâm và gạo cho con đem đi… Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật ở nơi sơ tán cũng vội vã tất bật chuẩn bị cho chồng lên đường từ ống thuốc đánh răng, bàn chải, khăn mặt…

Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, 1951, họ mới quen biết nhau. Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 88 sư đoàn 308 Lê Cao Đài cùng đơn vị về nghỉ ở Quần Tín – một miền quê yên bình của tỉnh Thanh. Cũng đúng lúc Vũ Giáng Hương cùng cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương tản cư về đây. Anh bộ đội Lê Cao Đài học Đại học Y khoá đầu tiên của Việt Nam (1946) - người cao lớn, đeo kính trắng đam mê văn chương, tối nào cũng dịch truyện Tinh cầu của nhà văn Nga Kazakevitch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đã lọt vào mắt xanh con gái lớn của nhà văn họ Vũ. Giáng Hương là độc giả đầu tiên của bản dịch này và còn giúp Lê Cao Đài chép lại bản dịch sạch sẽ. Tình yêu chớm nở - bao giờ cũng vậy cảm giác khi họ chia tay nhau nhớ nhớ, thương thương… Chứng kiến lễ thành hôn của hai người ở Tuyên Quang hơn 50 năm trước, trong một buổi trò chuyện với tôi, nhà văn Tô Hoài đưa ra một nhận xét:

- Mối tình của hoạ sĩ Vũ Giáng Hương và bác sĩ Lê Cao Đài là một mối tình cao thượng.

Tôi tán thành quan điểm với nhà văn: Thực tiễn ác liệt của chiến tranh không làm khô cằn tình yêu đôi lứa… Lần này hai người cùng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đi chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc… Họ lại chia tay nhau trong một buổi chiều tà. Sau cái hôn nồng thắm lứa đôi, Lê Cao Đài hành quân về phía Tây Nguyên, nhưng còn ngoảnh lại nhìn theo bóng vợ, đôi vai đang rung lên bước bên Lộc – con gái của hai người. Chẳng phải một nhà thơ nào đã thốt lên đó sao!

Tình yêu là sợi chỉ thắm

Sẽ nối liền tổ quốc với lòng tôi

Nhà vật lý học người Pháp Pierre Darriulat nhận xét về “ Tây Nguyên ngày ấy”: “Là tư liệu hấp dẫn và là một bằng chứng xúc động, nhật ký của Lê Cao Đài, bác sĩ quân y ở Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, đã rọi một luồng ánh sáng mới vào một giai đoạn đau khổ mà vinh quang của lịch sử Việt Nam hiện đại. Bởi tầm vóc lớn lao của tác giả, những phẩm chất tuyệt vời của ông đã đem lại cho cuốn nhật ký một tầm vóc vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian của nó…”

Có thể khẳng định Tây Nguyên ngày ấylà một chiến trường ác liệt. Việc đi tìm địa điểm của bệnh Viện 211 là một thí dụ. Có khi lạc rừng, có khi gặp biệt kích, có khi gặp địch rải chất độc hoá học… Có năm di chuyển bệnh viện tới hai lần vì địch oanh tạc, vì bị lộ… Lại bắt đầu từ phát dọn địa hình, làm nền nhà, đào hầm, thiết kế phòng mổ, phòng X quang, đến lợp nhà, đóng giường, làm nhà, đón thương bệnh binh cũng phải có sáng kiến vận chuyển bằng tranh tre, xe đạp hay bằng bè. Đặc biệt làm bếp giấu khói, giấu lửa, tìm nguồn nước ăn thường phải đào giếng, tìm nguồn nước giặt phải ở gần suối, gần sông. Lại còn có lực lượng chuyên nghiệp làm nương, gần rẫy, chăn nuôi mới có lương thực thực phẩm nuôi sống bệnh viện và cải thiện chế độ ăn uống cho thương bệnh binh. Guống máy của bệnh viện cả thảy chỉ hơn 400 con người mà phục vụ có khi 1500 đến 1700 thương bệnh binh. Từng bộ phận ngoại khoa, nội khoa, dược, cho đến hậu cần cứ nhịp nhàng đi theo. Có khi phải xé lẻ lực lượng để chi viện cấp cứu ngoài mặt trận khi mở chiến dịch…

Người ta gọi bác sĩ Lê Cao Đài là “linh hồn, đầu não của Viện 211” bởi vì như lời Thiếu tướng Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Âu, nguyên Phó viện trưởng 108: “Cứ có việc nào khó, người ta lại bật gọi tên ông” – Mà ông một mắt chỉ còn 2/10 thị lực, cũng sốt rét như bao đồng đội của mình, nhưng chẳng bao giờ đứng yên, có khi mổ một ca 8 giờ liền, bệnh nhân qua khỏi, ông còn ngất xỉu vì kiệt sức… Trong trường học lớn này ông luôn coi lối sống hết mình vì mọi người, vì tình thương là quan trọng, khiến ông càng thêm gắn bó với chiến trường. Có lần ông viết thư tâm sự với vợ: “Em à! Chắc em không muốn anh phủi tay, rũ trách nhiệm để ra Hà Nội cùng em đi dạo quanh Bờ Hồ…Tình yêu của chúng ta chỉ đẹp khi hoà vào tình cảm chung của mọi người phải không em?”.

Nhà khoa học vì nạn nhân chất độc da cam

Có thể cho đến nay công trình nghiên cứu “Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả” vẫn đứng đầu trong các công trình nghiên cứu về đề tài này. Điều quan trọng ông đã trải qua thực tế chiến trường Tây Nguyên và những năm làm việc ở Uỷ ban 10-80. Ông lại lăn lộn đi đến các điểm nóng của chiến tranh hoá học; do đó, những vấn đề ông đặt ra giải quyết hậu quả của chiến tranh hoá học có sức thuyết phục. Từ thống nhất một số nhận thức tư tưởng xung quanh việc đấu tranh giải quyết hậu quả chiến tranh hoá học, đi vào khoa học thế nào, thúc đẩy dư luận xã hội quan tâm đến tác hại của chất da cam ra sao, xây dựng chính sách với nạn nhân chất độc da cam đến xử lý các thùng chất độc còn rải rác trong rừng hay còn tồn lưu ở các sân bay như Biên Hoà, Đà Nẵng, A Sầu, A Lưới, v.v… Đặc biệt ông có những sáng kiến sáng suốt trong việc hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu và giải quyết hậu quả chiến tranh hoá học đang là tiêu điểm của vấn đề nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam hiện nay.

Ngày nay, tìm hiểu những công trình khoa học mà cố giáo sư Lê Cao Đài đã công bố, ta không khỏi ngạc nhiên, thán phục về khối lượng đồ sộ và chất lượng sâu sắc và thiết thực của các nghiên cứu sáng tạo của ông trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đó là công trình: “Chẩn đoán y học ngoại khoa” (1957), “Một số vấn đề cấp cứu ổ bụng” (1961), “Chấn thương lồng ngực” (1981), “Sốc chấn thương” (1983), giáo trình “Ngoại khoa” danh cho đào tạo nghiên cứu sinh sau đại học (1983). Lê Cao Đài không chỉ là một bác sỹ ngoại khoa đầu đàn, ông còn là một nhà y học có kiến thức uyên bác, với một trình độ ngoại ngữ sâu rộng. Để phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy, năm 1983, ông cho xuất bản “Từ điển y học 6 thứ tiếng-Anh-Nga-Pháp-Đức-Latinh-Việt” -Cuốn sách cẩm nang của các sinh viên và những nhà nghiên cứu y học Việt Nam. Cố giáo sư Lê Cao Đài được đánh giá là chuyên gia số một của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu hậu quả chiến tranh hoá học. Tại các Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế của ông “Chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam - Tình hình và hậu quả” đã được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ấn hành năm 1999, và đã được Diane Fox dịch sang tiếng Anh năm 2000, được các nhà khoa học quốc tế đánh giá rất cao.

Với hai công trình Tây Nguyên ngày ấyvà công trình Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả- Đảng và Nhà nước ta cần có hình thức khen thưởng Giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài xứng đáng, đó cũng là một nén hương tưởng niệm ông.

Bạn có biết?

DIOXIN - hoá chất độc siêu hạng

Tới nay các nhà hoá học trên thế giới đã thống nhất thừa nhận “dioxin là hoá chất độc nhất mà loài người tìm ra được cho tới nay!”

Liều độc gây chết động vật thí nghiệm là cỡ một vài phần triệu gam (microgram), trên một kilogram trọng lượng cơ thể. Để có một hình ảnh, có nhà khoa học đã tính: chỉ cần khoảng 80 gam dioxin đủ giết hết dân số một thành phố như New York.

Ở những liều nhỏ hơn, cỡ một phần tỷ gam (nanoram)/kg trọng lượng, trên động vật thí nghiêm, dioxin gây ra các tai biển sinh sản, sẩy thai, thai chết lưu, quái thai và dị tật. Liều nhỏ và kéo dài, gây ung thư. Đó là những điều không nghi ngờ trong phòng thí nghiệm.

Dioxin hoà tan trong mỡ và ít, - chứ không phải là không - hoà tan trong nước.

Dioxin còn gây lo ngại bởi lẽ đây là một chất rất vững bền, có thời gian bán phân huỷ trong môi trường (đất) được ước tính là từ 10-12 năm, trong cơ thể động vật thì thay đổi tuỳ từng loài; với người, thời gian bán phân huỷ được ước tính là từ 5-8 năm, nhưng may mắn là với một số động vật khác, như tôm cá thì chỉ là một tháng.

Ngoài ra, người ta càng ngày càng tìm ra nhiều nguồn gốc có thể phát sinh dioxin nên ngày nay, dioxin đang trở thành vấn đề môi trường mà các nước công nghiệp phát triển rất quan tâm.

…Tháng 10 năm 1980, Nhà nước ta đã quyết định tổ chức một cơ quan theo dõi các hậu quả lâu dài của chiến tranh hoá học với tên gọi: “Uỷ ban quốc gia điều tra hậu quả chất hoá học dùng trong chiến tranh Việt Nam” (gọi tắt là Uỷ ban 10-80). Nhà nước cũng có một chương trình nghiên cứu về vấn đề này… Uỷ ban 10-80 đã hợp tác với nhiều nhà khoa học các ngành trong cả nước, đồng thời hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài (Mỹ, Pháp, Nhật, Nga…) tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đã tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế…

(Theo tham luận của Cố giáo sư Lê Cao Đài đọc tại Hội thảo quốc tế “Chất độc diệt cỏ dùng trong chiến tranh - Hà Nội 15-18/11/1993)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.