Kỷ niệm 58 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi nhà thông minh của một thương binh
Đi bộ đội tháng 10-1977, anh Vang được đi học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, ra trường tiếp tục phục vụ cho quân đội, chuyên về cải tiến kỹ thuật cho các loại máy móc quân sự. Sau khi bị thương anh được xuất ngũ, về địa phương được giúp đỡ rất nhiều nhưng vẫn chưa có việc làm. Một hôm có người hàng xóm nhờ anh sửa bóng đèn của cái nồi cơm điện. Tháo ra biết bóng đèn hỏng nên anh ra chợ Nhật Tảo mua cái khác về thay, khi cắm thử thấy đèn sáng cũng khá đẹp, nhân lúc đang uống nước bằng ống hút nên anh luồn dây điện qua ống hút cắm điện lên thấy càng đẹp hơn. Con anh lại lấy ống hút sơn lên màu vàng, cắm lên bàn chơi, gặp gió thổi mạnh ống hút và cái đèn rớt xuống đống cát, vì sơn còn ướt nên cát bám xung quanh ống hút nhìn rất đẹp Ngay khi nhìn thấy, anh Vang nảy sinh ngay ý định chế tạo cây nhang (hương) điện (hiện nay rất nhiều nhà đang sử dụng).
Chỉ trong vòng 2 năm chuyên làm nhang điện bán mà gia đình anh đã khá lên rõ rệt, từ việc phải ở chung với gia đình bên vợ, anh đã mua được ngôi nhà mới, tuy ở Bình Chánh nhưng dù sao cũng được ra riêng. Sau khi nhang điện phổ biến trên thị trường, có nhiều nơi cũng sản xuất loại sản phẩm này, anh Vang thấy làm không có lời nữa nên nghỉ và xin đi làm ở một công ty. Lúc này cũng là thời gian không may khi anh bị tai nạn xe máy bị gãy ba xương sườn, gia đình đã phải bán hết đồ đạc để lo chạy chữa cho anh. Chữa bệnh xong thì gia đình anh lại lâm vào cảnh túng bấn, do nghỉ điều trị quá lâu (4 tháng) nên anh cũng bị mất việc, cánh tay phải lại không làm được việc nặng nên xin chỗ khác không ai nhận.
Cuộc sống hai vợ chồng và một đứa con giờ đây chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người vợ. Hằng ngày chị đi làm, anh chỉ biết ở nhà lo cho con cái, nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa. Buồn quá anh cố gắng làm tốt công việc ở nhà đồng thời tìm cách giúp vợ bằng vốn kiến thức của mình. Hằng ngày nghe vợ than sợ ăn trộm (khu vực anh đang ở vẫn còn ít dân cư mà lại vào hẻm rất sâu), anh nghĩ mình phải chế ra một cái máy chống trộm cho vợ yên tâm ngủ ngon. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn của anh là khi máy hoạt động thì phải tốn điện, mà xài điện thì phải trả tiền, còn dùng pin thì khi hết phải mua pin mới, trong khi gia đình quá khó khăn như vậy lấy đâu ra tiền? Anh quyết tâm chế ra cái máy chống trộm mà khi hoạt động không phải tốn một đồng nào. Vậy là hằng ngày vừa nấu cơm, trông con, anh vừa nghiên cứu thiết kế chiếc máy sao cho rẻ tiền nhất, lại không tốn kém khi hoạt động.
Cuối cùng thì chiếc máy chống trộm cũng ra đời với các chi tiết toàn lấy từ những đồ hư mà người ta đã bỏ đi. Năng lượng cung cấp cho máy hoạt động nhờ một cái bánh xe quay qua quay lại tạo nên dòng điện mỗi khi đóng mở cửa, dòng điện này được tích trữ lại đủ dùng cho cả ngày.
Sau đó là chuyện cái bóng đèn, thứ tiêu thụ điện nhiều trong nhà. Vợ anh nghe người ta nói có loại bóng đèn tiết kiệm điện rất hiệu quả nhưng lại mắc tiền, chị hỏi anh có chế được không? Vậy là có “đơn đặt hàng” anh bắt đầu tìm hiểu sản xuất cái bóng đèn tiết kiệm điện tất nhiên vẫn theo yêu cầu là không được tốn quá nhiều tiền kể cả trong việc sản xuất lẫn sử dụng. Một thiết bị nhỏ của cái bóng đèn Trung Quốc hỏng mua lại của những người mua ve chai giá 1.000 đồng, kèm theo cái bóng đèn đen sì cả hai đầu bị hỏng, được người bán ve chai cho không, anh đã chế lại thành một bộ đèn tiết kiệm điện, khả năng của nó không thua gì các loại đắt tiền đang bán trên thị trường. Tiếng lành đồn xa, những người chung quanh thấy vậy cũng đến nhờ anh chỉ làm, không giấu nghề, anh tận tình chỉ cho hết người này đến người kia, đến nay thì hầu như cả xóm đều sử dụng loại đèn tiết kiệm năng lượng của anh Vang với giá chỉ 1.000 đồng, thậm chí không tốn đồng nào nếu chịu khó đi kiếm ở bên ngoài.
Trong nhà anh Vang có khá nhiều các thiết bị cũ sử dụng điện thế 110V, hầu hết đều là đồ cũ hỏng được anh sửa lại. Mỗi lần nhìn vợ con sử dụng phải đem cái biến áp nặng nề đến chỗ này chỗ kia để cắm điện, trong đầu anh nghĩ phải làm ngay một cái biến áp thật nhỏ gọn, nhẹ nhàng, và tất nhiên là ít tốn tiền . Kết quả là vợ con anh Vang đã có một cái máy biến áp nhỏ gọn chưa từng thấy, toàn bộ chỉ bằng cái mặt đồng hồ đeo trên tay. Tuy nhỏ nhưng khả năng của nó có thể chịu được các thiết bị điện tiêu thụ điện rất lớn, dư để sử dụng cả một cái bàn ủi hoặc nồi cơm điện.
Đến gặp anh vào một buổi sáng, lúc anh vừa chở con đi học, vợ đi làm, chỉ còn một mình ở nhà, vừa nấu cơm anh vừa chế tạo một cái máy rửa chén thật kỳ lạ. Khác hẳn với các loại máy do các nước tiên tiến trên thế giới chế tạo, sử dụng áp lực nước để rửa chén, chiếc máy của anh Vang sử dụng một thiết bị như cái máy khoan, phần đầu có cái giẻ quay tròn, chén được rửa rất sạch, cả những thứ dính cứng vào chén cũng rửa được. Phía ngoài chén được rửa bằng thiết bị lau tương tự, như vậy mà cả mặt trong và ngoài chén đều rất sạch. Máy này hoạt động hoàn toàn tự động, chỉ việc chồng một đống chén lên rồi bật công tắc điện là xong. Điểm đặc biệt nhất của nó là ở chỗ giá thành, nếu máy của nước ngoài giá từ vài triệu đồng trở lên thì giá máy của anh Vang chỉ khoảng... 400.000 đồng!
Cứ như vậy, lần lượt trong căn nhà của anh, từ cái radio cũ tới cái xe máy, điều gì có thể làm cho chúng hữu dụng hơn là anh chẳng thể "bỏ qua". Và trong căn nhà "thông minh" của anh Vang còn rất nhiều thiết bị kỳ lạ, cái động cơ máy may 110V hỏng cũ của Mỹ được anh mua về với giá 5.000 đồng, nay đã hoạt động tốt, sử dụng điện lưới 220V mà không cần qua biến áp, chiếc bình nấu nước nóng bị hầu hết thợ điện "chê", được người ta bán cho ve chai, anh mua về với giá 50.000 đồng và làm cho nó hoạt động trở lại như chưa bao giờ hỏng...
Những lúc ở nhà rảnh rỗi, anh Vang thường nghiên cứu và vẽ chi tiết nhiều máy móc rất lạ, chẳng hạn như cái xe đạp điện chỉ cần dùng bình điện 12V của xe máy là có để đi được 70-80 km mới hết điện, bộ truyền động của nó được anh thiết kế theo kiểu bánh răng hành tinh mà anh đã từng biết qua cái máy đào hào dùng trong quân đội, nhờ kiểu truyền động này mà xe chạy ra rất mạnh. Ngoài ra chúng tôi còn thấy được bản vẽ cái máy quan sát tôm của anh Vang cũng rất thú vị... Hiện nay, theo gợi ý của bạn bè và gia đình, anh Vang đang chuẩn bị bán các sản phẩm của mình ra thị trường.
Nguồn: http://www.nhandan.org.vn