Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/11/2006 00:48 (GMT+7)

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Freud

Năm nay cả thế giới sẽ long trọng kỷ niệm 150 năm sinh Freud (1856 – 2006). Tại Prague hiện đang tổ chức các cuộc triển lãm, diễn đàn, hội thảo về Freud. Thú vị nhất là lần đầu tiên công chúng được thấy chiếc ghế dài mà Freud đã cho các bệnh nhân tâm thần nằm trên đó, rồi ông hoặc một thầy thuốc khác ngồi ở chỗ khuất và dùng cách trò chuyện tâm sự, từng bước gỡ dần các gánh nặng tinh thần của bệnh nhân. Cũng từ đó Freud phân tích, tổng kết và đưa ra những luận điểm tâm lý học nổi tiếng.

Freud chào đời ngày 6-5-1856 tại thị trấn Freibergvùng Moravia thuộc đế quốc Áo – Hung, nay là Prigorg thuộc nước CH Sec (Czech). Cha ông là Jacob làm nghề buôn vải. Ông là con đầu của bà vợ thứ hai của Jacob. Freud sống hầu hết cuộc đời mình tại Vienna , kinh đô của văn hoá châu Âu hồi ấy. Học xong tiểu học rồi trung học với thành tích xuất sắc, năm 17 tuổi (1873), Freud thi vào Học viện Y trường Đại học Tổng hợp Vienna.

Ngày ấy, người Do Thái bị khinh rẻ, xua đuổi ở khắp nơi. Chính Freud đã chứng kiến cảnh cha mình bị người địa phương hắt hủi. Chính quyền Áo chỉ cho phép người Do Thái được học ngành y và luật. Từ nhỏ Freud đã học được tinh thần Do Thái: Nhẫn nhục và kiên cường phấn đấu tiến lên bằng trí tuệ của mình. Anh rất chăm học và luôn suy nghĩ, khám phá các vấn đề mới. Vì phải lo sinh kế, từ năm 1876 Freud đi làm ở phòng thí nghiệm của Brucke, một nhà sinh lý học nổi tiếng. Mấy năm làm việc ở đây, Freud tiến một bước rất lớn về nghiên cứu thần kinh. Josef Breuer, một bác sĩ đồng nghiệp rất giỏi, hơn anh 14 tuổi đã giúp Freud nhiều. Hai người chú ý tới các ca bệnh hysteria (cuồng loạn). Breuer giới thiệu cho Freud một bệnh nhân nữ 21 tuổi người Đức có biệt danh Anna O., mỗi khi phát bệnh thì người co quắp, ý thức rối loạn, không nói tiếng Đức nhưng lại nói được tiếng Pháp và Anh. Breuer thôi miên bệnh nhân, sau đó hỏi các câu hỏi thì cô có thể kể lại những chuyện mà khi tỉnh táo cô không nhớ được, và nhờ kể lể được mà các triệu chứng bệnh của cô giảm hẳn - được gọi là Liệu pháp kể chuyện(Talking cure). Trong các chuyện kể lại có việc cô đã thầm yêu cha mình một cách không tự giác; khi cha chết, cô sinh chứng hoang tưởng. Breuer đã chữa cho Anna O. khỏi bệnh. Freud rất quan tâm ca này và tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển thành lý luận riêng của mình. năm 1876, anh hoàn tất công trình nghiên cứu đầu tiên của mình về tuyến sinh dục của loài lươn. Năm sau anh công bố kết quả nghiên cứu giải phẫu hệ thần kinh trung ương của một loài sinh vật. Freud không chỉ chú ý quan sát, làm thí nghiệm và tư duy logic mà còn chú ý tưởng tượng, dự đoán. Năm 1879, anh làm nghĩa vụ quân sự 1 năm, sau đó dự khoá học về tâm thần bệnh học của giáo sư Meynert.

Sau 8 năm học tập nghiên cứu, năm 1881 Freud tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Rồi anh gặp và yêu Martha Bernays, một cô gái Do Thái gia đình trí thức. Từ tháng 7-1882, Freud đến làm bác sĩ thực tập ở Bệnh viện Tâm thần thuộc Bệnh viện lớn Vienna . Tại đây anh được Meynert hướng dẫn, đào tạo và được ông cất nhắc làm bác sĩ nội trú. Freud thu được nhiều thành tựu nghiên cứu bệnh tâm thần. Năm 1884, anh khám phá tác dụng giảm đau của cocaine. Bạn anh là Carl Koller đã công bố báo cáo nghiên cứu về đề tài này. Bản thân Freud đã dùng thử cocaine như một loại thuốc an thần. Anh còn kê đơn cho bạn mình là Fleish uống cocaine, ai ngờ vì anh này vốn nghiện morphine nên bệnh càng nặng hơn; vì thế Freud bị các thầy thuốc chê trách. Anh bèn chuyển sang điều trị bệnh rối loạn thần kinh bằng liệu pháp điện và phương pháp của W. Erb. Sau khi được phong học hàm giảng viên đại học không lượng (Privatdocent), tháng 10-1885) Freud nhận học bổng đi nước ngoài nghiên cứu 6 tháng. Freud chọn bệnh viện Salpetriere (Paris), nơi nhà bệnh học tâm thần nổi tiếng Jean-Martin Charcot làm việc. Freud có dịp quan sát các biểu hiện của chứng hysteria và hiệu quả của phương pháp thôi miên và ám thị. Charcot rất có ấn tượng về anh. Freud rất kính phục Charcot, đã dịch ra tiếng Đức một số sách của ông và sau này còn lấy tên ông (Jean-Martin) đặt cho con thứ hai của mình. Năm 1886, Freud đi Berlin để tìm hiểu về bệnh lý học thần kinh trẻ em. Sau đó anh về Vienna giảng bài về hysteria và báo cáo về chuyến thực tập ở chỗ Charcot, nhấn mạnh thuật thôi miên của Charcot. Giới y học Vienna không tán thành thuật này.

Thám 4-1886, Freud mở phóng khám tư ở Vienna và tháng 9 thì cưới Martha. Từ đó ông chuyên tâm tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về tâm lý học và tâm thần bệnh học, dần dần trở thành một thầy thuốc tâm thần học trứ danh. Bước ngoặt quan trọng là ông bắt đầu từ bỏ thuật thôi miên vì thấy nó có hiệu quả chữa bệnh rất hạn chế. Ông lại cộng tác với Breuer nghiên cứu một nữ bệnh nhân tâm thần được Breuer chữa bằng thôi miên qua đó Freud đề xuất phương pháp liên tưởng tự do (method of free association) - mở đầu của Phân tâm học. Freud cho bệnh nhân tâm thần nằm trên ghế dài và thư giãn; ông ngồi ở chỗ khuất gợi ý bệnh nhân nói chuyện. Dù họ nói huyên thuyên, kể lể rông dài thế nào, ông đều lần theo câu chuyện họ kể để tìm hiểu, hỏi han, gợi ý họ rồi dựa vào các chuyện kể ấy để phân tích, giải thích nguyên nhân bệnh. Freud rất chịu khó thu thập và nghiên cứu sâu sắc các bệnh án tâm thần. Ông thấy nhiều bệnh án có một điểm chung là đều có nhân tố tình dục. Chẳng hạn một anh 35 tuổi khỏi bệnh tâm thần chỉ vì đêm đêm lẻn sang ngủ với nữ bệnh nhân phòng bên. Một nữ bệnh nhân kể lại cô bị bệnh tâm thần từ ngày bị ông bố say rượu cưỡng bức khi cô mới 14 tuổi v.v... Freud luôn suy ngẫm tìm tòi khám phá về cái ông gọi là ý thức thứ hai – vô thức (sau này gọi là id - bản ngã) và những yếu tố nào trong vô thức gây ra hysteria. Ông đề nghị Breure viết chung sách Nghiên cứu hysteria (Studies in Hysteria, 1895), phân tích một bệnh án của Breuer và 4 bệnh án của Freud. Cuốn sách đánh dấu sự ra đời của Phân tâm học. Nó nêu ra nguồn gốc sâu xa của hysteria, nhấn mạnh ý nghĩa của đời sống tình cảm, tính quan trọng của hoạt động tinh thần như vô thức và ý thức, coi hysteria sinh ra từ sự dồn nén tình cảm. Sách còn nêu lên khái niệm tiềm thức (subconscious), cùng ý thức và vô thức là các phạm trù cơ bản xây dựng nên Phân tâm học. Đặc biệt, Freud nêu lên ý nghĩa quan trọng của yếu tố tình dục như một nguyên nhân gây ra hysteria. Quan điểm mới này bị nhiều người phản đối, sau này cả Breuer cũng chống lại.

Các lý luận mới Tiềm thức, Tình yêu mẹ, Hành vi tình dục của trẻ em(infantile sexuality) do Freud đưa ra đã động chạm tới nền tảng đạo đức của xã hội bảo thủ hồi ấy. Freud tin rằng các xung tình dục nằm ở phần cốt lõi của các bệnh chức năng thần kinh, ông quá nhấn mạnh bản năng tình dục. Vì thế dân chúng hiểu nhầm Freud, cả đến các đồng nghiệp tâm lý học cũng thoá mạ ông trong suốt chục năm trời, cho ông là dở hơi. Tại Vienna hồi ấy không ai dám nhắc đến cái tên Freud trước mặt phụ nữ vì sợ họ xấu hổ. Cũng vì thế mà các bà ít đến phòng khám của Freud. Song Freud tin chắc sự giải trừ ức chế tình dục là then chốt của việc giải quyết các vấn đề tâm lý.

Cuối năm 1896, ông Jacob cha của Freud, mất. Từ đó Freud thường cảm thấy sau lớp ý thức của mình còn có một lớp ý thức khác chìm sâu hơn, đó là ấn tượng của ông từ thuở nhỏ về cha mình. Ông bắt đầu coi mình là bệnh nhân để phân tích tự ngã(ego) và thấy nhiều trải nghiệm thuở thơ ấu thì thể hiện các hành vi vô thức theo thói quen và theo tình cảm, cho nên phân tích quãng đời thơ ấu có ý nghĩa quan trọng trong tìm hiểu sự hình thành vô thức. Ông thấy mình thích mẹ ghét bố, nhất là sau khi bị bố phạt mấy lần. Theo Freud, “trẻ em, chính là cha đẻ của người lớn”. Nhân cách hình thành ở các giai đoạn ông gọi là tâm lý học sinh lý tình dục(psychosexual), nghĩa là các giai đoạn phát triển tình dục sẽ để lại dấu ấn đậm nét cho nhân cách người lớn, như giai đoạn thoả mãn tình dục của miệng lúc dưới 1 tuổi (bú, mút, cắn, nhai), của hậu môn lúc 1-3 tuổi (phóng uế hoặc giữ phân lại trong ruột già), của dương vật lúc 3-6 tuổi (nhìn, sờ mó dương vật của mình). Từ 5 tuổi đến tuổi tuổi dậy thì, các biểu hiện tình dục bị ức chế thành hành vi mở rộng giao tiếp ra ngoài phạm vi gia đình. Từ tuổi dậy thì, dục vọng lại xuất hiện nhưng hướng về người khác giới. Freud cho rằng đàn bà sở dĩ mặc cảm thấy mình thấp kém hơn nam giới là do họ luôn có “lòng ham muốn cái ấy của đàn ông”, và đàn bà dễ mắc bệnh tâm thần hơn, nhất là hysteria.

Freud cho rằng ham muốn tình dục là nhân tố mạnh nhất làm nên đặc điểm tâm lý của mỗi người, và bản năng tình dục có cả trong trẻ con. Freud làm dư luận bị sốc khi ông công bố các ý tưởng đó vào năm 1905 trong cuốn Ba bài viết về thuyết tình dục. Một lý thuyết nổi tiếng của ông là Oedipus complex- phức cảm tình dục không bình thường của bé trai đối với mẹ (sự hấp dẫn giới tính của mẹ khiến con trai yêu mẹ ghét bố) và con gái thì yêu bố ghét mẹ. Thuật ngữ này ông lấy từ thần thoại Hy Lạp: Oedipus (người giải được câu đố của con nhân sư) giết cha rồi lấy mẹ làm vợ, về sau hối hận tự chọc mù mắt mình.

Trong khi nghiên cứu vô thức, Freud cho rằng giấc mơ là con đường dẫn tới vô thức, vì giấc mơ thường phản ánh các trải nghiệm của đời sống thuở nhỏ và các nguyện vọng khó thực hiện. Nói khác đi, giấc mơ là biểu hiện tự ngã của hiện tượng tâm lý vô thức. Nội dung chính của hoạt động vô thức là các xung đột bản năng của con người – các dục vọng, tình cảm, khuynh hướng liên quan do cơ thể bị kích thích. Các bản năng ấy không thể đi vào ý thức mà bị dồn nén trong lĩnh vực vô thức hoặc dùng hình thức hoá trang như giấc mơ, hysteria đã thể hiện. Vô thức bị dồn nén luôn tìm dịp thẩm thấu vào lĩnh vực ý thức, mà ý thức là vật thay thế vô thức phát tiết dục vọng và tìm kiếm sự thoả mãn. Cho nên giải thích giấc mơ trở thành phương pháp quan trọng để nghiên cứu về vô thức và chữa bệnh tâm thần. Nhiều bệnh nhân tâm thần trong quá trình liên tưởng tự do bỗng bắt đầu kể về giấc mơ của họ. Khi suy ngẫm về việc các ý nghĩ nào đã đến với họ trong khi họ liên tưởng tới giấc mơ Freud nhận thấy các liên tưởng đó thường mở ra ý nghĩ thầm kín của giấc mơ. Sử dụng các nội dung tái tạo ý nghĩ thầm kín của giấc mơ, ông phát hiện một ngôn ngữ đặc biệt của các quá trình thuộc về tiềm thức. Kết quả khám phá này được ông viết trong cuốn Lý giải giấc mơ(The Interpretation of Dreams), xuất bản năm 1900, có thể coi là đóng góp cơ bản nhất của ông cho khoa học, bước đầu xây dựng học thuyết vô thức của ông. Tác phẩm này đã gây tranh cãi lớn trong giới khoa học tâm lý. Lúc đầu nhiều người chê nó, về sau ngày càng nhiều người thấy được ý nghĩa quan trọng của nội dung sách.

Lý thuyết phân tâm(psychoanalysia) xây dựng trên kinh nghiệm của Freud sau nhiều năm thực nghiệm lâm sàng chữa bệnh bằng cách phân tích tâm lý bệnh nhân. Hình thức minh bạch của thuyết đó được Alfred Adler và Carl Gustav Jung phát triển thành thuật ngữ chính xác hơn, là tâm lý học phân tích(analytical psychology) và tâm lý học cá thể(individual psychology). Năm 1906, các học trò của Freud tập họp xung quanh ông và ủng hộ lý luận của ông, nhưng sau này Adler và Jung tách ra khỏi Hội Phân tâm học quốc tế vì bất đồng với quan điểm của Freud.

Thuyết Phân tâm được Freud phát triển tiếp trong các tác phẩm như Bệnh ký học tâm thần đời sống hàng ngày(1901), Ba tiểu luận về tình dục(1905), Tự ngã và bản ngã(The Ego and the Id, 1923) v.v... Lý luận nhân cách chiếm vai trò quan trọng trong Phân tâm học. Freud chia nhân cách thành 3 yếu tố: Bản ngã, tự ngã và siêu ngã (super ego), khi 3 cái đó thống nhất với nhau thì tâm lý con người ở trạng thái cân bằng, nhân cách bình thường; khi 3 cái đó mất cân bằng thì tinh thần và nhân cách đều mất bình thường; bản năng tình dục là động lực chính phát triển nhân cách.

Năm 46 tuổi (1902), Freud được phong giáo sư đặc cách. Tháng 4-1908, Đại hội Phân tâm học quốc tế đầu tiên họp ở Salzuburg và 2 năm sau thì thành lập Hội Phân tâm học quốc tế do Jung làm Chủ tịch. Năm 1909, Freud được mời sang giảng bài ở trường đại học tổng hợp Clark bang Massachusetts (Mỹ) và được trường tặng bằng Tiến sĩ luật học danh dự. Năm 1930, Freud được tặng giải thưởng Goethe. năm 1935, ông được Hội Y học Hoàng gia Anh bầu làm Hội viên danh dự.

Năm 1923, các bác sĩ chẩn đoán Freud mắc bệnh ung thư quai hàm, hậu quả của tật nghiện thuốc lá. Trong 16 năm còn lại, ông phải làm 30 cuộc phẫu thuật chữa bệnh. Tháng 3-1938, phát xít Đức chiếm Áo. Lo ngại trước chủ trương diệt người Do Thái của Hitler, ông rời Viennasang London định cư cho tới hết đời.

Do quá nhấn mạnh lý luận bản năng tình dục nên Freud đã thiếu quan tâm đến các vấn đề hiện thực của cá thể và của xã hội. Một số lý luận của ông vẫn còn bị tranh luận chưa nhất trí, song có thể khẳng định: Freud đã khai phá một thời đại mới về mặt con người nhận thức chính mình như thế nào và lý luận của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực như mỹ học, điện ảnh, văn học... Hiện tượng sex được mô tả nhiều trong văn học, điện ảnh, hội hoạ hiện đại là một minh chứng. Ngày nay Freud đã trở thành thần tượng của giới trí thức trẻ muốn khám phá các chân trời khoa học mới lạ, bất chấp việc đi ngược truyền thống và sự phản đối của đa số.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 27-3 năm nay đã đăng ảnh Freud trên trang bì kèm câu hỏi: “ Freud đã chết hay chưa?” và câu trả lời “ Freud chưa chết”. Theo Newsweek thì di sản lớn nhất Freud để lại là ông đã khai mở được thế giới bí ẩn và rộng lớn để loài người nhận thức chính mình, điều đó sẽ cổ vũ chúng ta tiếp tục dũng cảm khám phá thế giới trong ta vô cùng thú vị và bao la mênh mông hơn biển cả.

Nguồn: Thế giới trong ta, số 262, tr 9

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.