KS. Nguyễn Trần Anh Tuấn: Ý tưởng sáng tạo đến từ cuộc sống hàng ngày
Nguyễn Trần Anh Tuấn (ảnh), tốt nghiệp kỹ sư điện - điện tử, Trường đại học dân lập kỹ thuật công nghệ TP.HCM năm 2002. Anh mê điện, điện tử từ nhỏ, do vậy đã chọn học chuyên ngành này khi bước chân vào đại học. Ngay từ khi còn là sinh viên, Anh Tuấn đã bắt tay vào nghiên cứu khoa học, và có gần chục đề tài nghiên cứu trong thời gian này, trong đó có 2 đề tài được Anh Tuấn chuyển sang ứng dụng sau khi tốt nghiệp ra trường. Đó là bộ sạc tự động cho bình ắc quy 6 V và 12 V, với 2 mức sạc là low và high, khi sạc đầy sẽ tự động cắt nguồn sạc và hụ còi báo trong 30 giây; và bộ mở rộng tầm điều khiển của remote sử dụng tín hiệu hồng ngoại (dùng để truyền tải tín hiệu hồng ngoại từ nơi này, và tái tạo lại tín hiệu đó tại nơi khác). Hai sản phẩm này Tuấn đã đưa ra thị trường với thương hiệu “Tuấn Electronic”.
KS. Anh Tuấn bộc bạch: “Những ý tưởng cho nghiên cứu của tôi đều xuất phát từ cuộc sống hàng ngày. Kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình nghiên cứu của tôi là sản phẩm ăng ten thông minh. Năm 2002 - 2003 tôi vừa tốt nghiệp ra trường và về công tác tại Trung tâm điện tử Thanh Sơn. Thời điểm này chưa có truyền hình cáp, nên muốn xem tivi bắt buộc phải có ăng ten. Mà ăng ten từ trước đến nay đều cố định, thế là tôi nghĩ cần phải chế tạo một loại ăng ten có thể tự động dò đài”. Không lâu sau đó, Trung tâm điện tử Thanh Sơn đã thắng lớn với sản phẩm ăng ten thông minh này. Gần đây do truyền hình cáp phát triển mạnh nên sản phẩm này mới “lắng xuống”.
Mới đây khi thấy thiết bị báo động chống trộm bán trên thị trường chủ yếu là hàng ngoại nhập có giá khá cao, KS. Anh Tuấn đã nghĩ ra hệ thống báo trộm qua điện thoại sử dụng cảm biến hữu tuyến và vô tuyến. Hệ thống này không chỉ có khả năng báo chống trộm mà còn có khả năng nhận biết và báo các sự cố khác như báo cháy (khói, nhiệt độ tăng cao), rò rỉ gas, kể cả ghi hình tự động. Giải pháp này vừa đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM 2006 - 2007. Anh Tuấn nói: “Tôi đang hoàn thiện hơn giải pháp kỹ thuật của nghiên cứu này để chuẩn bị giới thiệu với một nhà đầu tư. Hy vọng trong năm sau, nghiên cứu này có thể thương mại hóa được”.
Anh Tuấn tiết lộ thêm, anh đang chuẩn bị cho ra mắt một sản phẩm mới là “bộ thiết bị phục vụ nhà hàng”. Đây là một hệ thống điện tử với một remote nhỏ gắn tại bàn của khách. Khi có nhu cầu (gọi phục vụ, gọi tính tiền) khách hàng chỉ cần ấn vào remote khi đó tín hiệu này sẽ được hiển thị (số thứ tự bàn của khách) tại quầy bar (tính tiền, quản lý), và trên thiết bị (thiết kế nhỏ gọn giống như máy nhắn tin) của nhân viên phục vụ. Các nhà hàng quán ăn lớn, đông khách, nhân viên phục vụ vẫn có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi gọi nhân viên phục vụ mà không cần phải dáo dác tìm kiếm hay lớn tiếng gọi nhân viên phục vụ khi có nhu cầu. “Thiết bị này của tôi sẽ là cuộc cách mạng trong phong cách phục vụ khách hàng”- Anh Tuấn tự tin cho hay.