Kon Tum: Bộ ấn phẩm số song ngữ Anh - Việt về văn hóa Ba Na
Đây là sáng tạo của em Lê Công Danh và Nguyễn Trần Thục Quyên - học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum. Bộ sản phẩm này đã đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên,nhi đồng của tỉnh lần thứ 14 năm 2022, đồng thời được chọn gửi tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên,nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2021-2022.
Em Nguyễn Trần Thục Quyên giới thiệu ứng dụng của bộ sản phẩm
Theo em Lê Công Danhcho biết: “Mục tiêu của sáng tạo này là tạo ra một bộ sản phẩm học tập để giúp học sinh trung học tìm hiểu học tập tốt bộ môn “Giáo dục địa phương” theo hướng trải nghiệm, tìm tòi mở rông; sản phẩm sử dụng song ngữ Anh - Việt theo hướng tích hợp liên môn. Bên cạnh đó, học sinh có thể sử dụng bộ sản phẩm để tuyên truyền, quảng bá về những nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của người Ba Na đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế”.
“Để thực hiện bộ sản phẩm này chúng em mất hơn 8 tháng đểthực hiện nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn; thu thập các nguồn thông tin qua các bài nghiên cứu đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như những công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố về văn hóa người Ba Na ở Kon Tum. Tiến hành quan sát thực tế những nét văn hóa của người Ba Na trên địa bàn; đồng thời điều tra thu thập thông tin về sự hiểu biết về văn hóa người Ba Na của học sinh trung học ở Kon Tum” - Em Nguyễn Trần Thục Quyên cho hay.
Bộ sản phẩm gồm 8 hạng mục là các sản phẩm số hóa và sản phẩm thực, gồm: Kênh Youtubi đăng các video về văn hóa dân tộc Ba Na; Bộ mã QR code mã hóa videos để đưa vào các sản phẩm; Ấn phẩm song ngữ Anh - Việt; Posters dùng để học tập và quảng bá; Bộ thẻ game học tập; Bộ thiết bị số dành học tập chuyên đề giáo dục địa phương; Các sản phẩm quảng bá văn hóa và bộ sản phẩm bao lì xì.
Em Lê Công Danh chia sẻ: “Riêng bộ ấn phẩm song ngữ Anh - Việt gồm có bản in và bản điện tử. Đây là các bài viết do chúng em tự tổng hợpkiến thức và từ nguồn tư liệu quan sát, thu thập qua lời kể của các già làng, các chuyên gia về văn hóa Ba Na. Chúng em đã hệ thống lại bằng tiếng Việt, đồng thời còn được dịch sang tiếng Anh với sự xác nhận tính chính xác của thầy cô bộ môn trong trường. Nội dung bộ ấn phẩm này gắn liền với nội dung trong bộ video và được in kèm với mã QR code để học sinh có thể dùng thiết bị quét mã QR link đến để xem video tương ứng”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam- Giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên -nhi đồng tỉnh Kon Tum lần thứ 14 đánh giá: “Bộ ấn phẩm số song ngữ Anh - Việt về văn hóa Ba Na ở Kon Tum của hai em Lê Công Danh và Nguyễn Trần Thục Quyên có tính mới và tính sáng tạo. Các em đã hình thành được kênh Youtubi để quảng bá sản phẩm số hóa bằng video; tạo ra bộ mã QR code mã hóa các sản phẩm video để thuận tiện việc tra cứu; việc sử dụng song ngữ Anh - Việt giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa dân tộc Ba Na. Bộ sản phẩm đã đưa “Thông điệp xuân 4.0” mang ý nghĩa quảng bá truyên truyền và mang quà yêu thương đến các bạn nhỏ mồ côi. Qua đó đã giúp giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc Ba Na cho học sinh trong nước và quốc tế”.
“Để ứngdụng có hiệu quả hơn bộ sản phẩm vào đời sống xã hội, thời gian tới chúng em tiếp tục nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa khác của người Ba Na cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum để làm phong phú, sinh động thêm cho bộ sản phẩm; thực hiện dịch các nội dung sang tiếng Ba Na để học sinh người Ba Na có thể hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, xây dựng và phát triển diễn đàn trực tuyến dành cho học sinh trung học để chia sẻ hiểu biết, ý tưởng, cảm nghĩ và những trải nghiệm khám phá văn hóa địa phương nói chung và văn hóa người Ba Na nói riêng”- em Nguyễn Trần Thục Quyên nói.