Kon Tum: Bảo vệ và phát triển rừng hướng tới tín chỉ carbon
Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là một nhiệm vụ để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon và hướng đến các tín chỉ carbon. Đây là một chiến lược có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và môi trường ở tỉnh Kon Tum hiện nay.
Bảo vệ da dạng sinh học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng
Tín chỉ carbon đã trở thành một khái niệm quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của con người lên hệ sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và lượng khí thải carbon ra môi trường không ngừng gia tăng. Tín chỉ carbon đề cập đến một công cụ được sử dụng để đo lường và quản lý lượng khí thải carbon và cung cấp một tiêu chuẩn chung để ước tính và báo cáo lượng carbon thải ra môi trường.
Theo ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liện hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR) và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM).
Tại Việt Nam các vấn đề liên quan đến hấp thụ carbon của rừng, còn là những vấn đề còn khá mới mẻ và mới được bắt đầu nghiên cứu trong những năm gần đây. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 16/11/1994 và Nghị định thư Kyoto vào ngày 25/9/2002, được đánh giá là một trong những nước tích cực tham gia vào Nghị định thư Kyoto sớm nhất.
Thông tin từ Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Kon Tum, là một tỉnh tiếp giáp với Kon Tum, tỉnh Quảng Nam là địa phương được Chính phủ đồng ý cho phép lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021-2025). Theo đề án với 680.000 ha rừng, khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn từ 2018-2030, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng”.
Đối với Kon Tum, năm 2018 đã triển khai Dự án REDD+ tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, với mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng trên diện tích khoảng 1.200 ha, kết hợp trồng rừng hơn 100 ha diện tích đất rừng bị suy thoái. Đây là một hợp phần của Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (gọi tắt là dự án KfW10). Dự án được KfW10 hỗ trợ tài chính, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật là Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) có vai trò điều phối và thúc đẩy dự án, thay mặt cho cộng đồng thực hiện bán tín chỉ carbon.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Kon Tum cho hay: “Kon Tum có hơn 616.123 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 552.287 ha, rừng trồng là 63.836,09 ha nếu tính đầy đủ theo phương pháp tính của Cục lâm nghiệp, mỗi năm Kon Tum có khoảng 2 triệu tấn carbon đưa ra thị trường và có thể thu về hơn 10 triệu USD”.
Với diện tích rừng phủ rộng lớn và đa dạng sinh học phong phú, Kon Tum đang từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ môi trường bằng nhiều chương trình và dự án bảo tồn rừng, phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái. Tín chỉ carbon là một công cụ hữu hiệu giúp đánh giá và quản lý lượng khí thải carbon mà một tổ chức hoặc cá nhân sinh ra trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Bằng cách áp dụng hệ thống này, không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải mà còn tạo ra nguồn tài chính từ việc bán tín chỉ carbon để tái đầu tư vào các dự án bảo tồn và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia lĩnh vực Lâm nghiệp, việc áp dụng hệ thống tín chỉ carbon cũng đặt ra không ít thử thách cho Kon Tum. Do địa hình phức tạp và dân cư sống ở nông thôn chiếm đa số; kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dân về tín chỉ carbon là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, các ngành chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ, đồng thời giám sát và đánh giá hiệu quả của các hoạt động này.
Việc nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và quản lý bền vững rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum có thể tạo ra các dự án tín chỉ carbon. Các tổ chức và doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án này để mua các tín chỉ carbon nhằm bù đắp lượng khí thải mà họ tạo ra. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời mở rộng hơn nữa cộng đồng tham gia vào việc giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh.
Ông Đặng Thanh Long cho rằng, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm và sự đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực hiện những mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững này. Chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, mới có thể thành công trong việc hướng tới mục tiêu áp dụng tín chỉ carbon và xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho tương lai.
Bảo vệ rừng và các dự án tín chỉ carbon có thể giúp thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.