Kinh nghiệm nuôi cá bống tượng
Theo anh Bảo, nuôi cá bống tượng không khó, chỉ cần có nguồn nước ngọt hoặc nước lợ, đảm bảo con giống sạch bệnh. Quy trình chăm sóc cũng khá đơn giản. Con giống khi mang về có kích thước gần bằng đầu đũa, mực nước trong ao lúc đó chỉ cần 9 tấc là được, giữ pH 7-8, ao phải diệt cá tạp thật kỹ. Những tháng đầu cho cá ăn bằng các loại thức ăn tôm với số lượng nhỏ. Đến tháng thứ 6 trở đi mới cho ăn bằng cá tươi cắt nhỏ, tuỳ theo kích cỡ của cá. Bệnh chủ yếu của cá bống tượng là trùng mỏ neo bám vào mang cá. Thuốc trị hữu hiệu là sulphat đồng, cứ 1.000m 2ao dùng 300g, định kỳ 15 ngày một lần. Khi cá đạt trọng lượng 400g thì điều chỉnh mực nước khoảng 1,4m rồi nuôi cho đến lúc cá đạt khoảng 800g thì xuất bán.
Hiện nay, ngoài việc nuôi cá thịt, anh Bảo còn có 500 cặp cá bố mẹ đều đặn cho trứng. Ao nuôi cá giống chỉ khác với ao thường là thêm hệ thống tạo mưa; dưới đáy ao anh đặt những tấm gạch Tàu xếp chụm đầu như mái nhà để làm tổ cho cá đẻ. Bình quân 1 con cá sẽ cho 35.000 trứng sau 1-2 tuần. Vài ngày một lần, anh Bảo lấy những tấm gạch lên, đưa trứng vào bể ấp, vài hôm sau thu được cá bột. Hiện mỗi tháng anh Bảo xuất sang Trung Quốc trên 200.000 con cá bống tượng giống.
Theo anh Bảo, một số người trước đây nuôi cá bống tượng thất bại là do cá bị ghẻ. Vì nguồn giống từ đánh bắt ngoài thiên nhiên, cá bị trầy xước, đem về nuôi chỉ mấy ngày sau là cá sinh ghẻ rồi chết.
Anh Bảo cho rằng, một số vùng nuôi tôm đã bị nhiễm bệnh ở Bến Tre nên chuyển sang nuôi cá bống tượng. Anh sẽ hỗ trợ con giống, kỹ thuật trong suốt thời gian nuôi để khẳng định ngoài tôm sú, Bến Tre và các vùng lân cận còn có một đối tượng nuôi khác đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.