Kim Quợt - “Nhà khoa học Hai Lúa”
Kim Quợt kể về công trình lai tạo giống lúa thơm đầu tiên của mình rất chân thật: “Tôi ít được học chữ nhưng được cái tính là hay tìm tòi cái mới, nhất là cái gì liên quan đến cây lúa. Tôi thấy giống lúa Nàng thơm Chợ Đào có đặc tính thơm, thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng cơm hơi cứng. Trong khi đó, giống ST5 của kỹ sư Hồ Quang Cua (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng) mới đưa ra cũng rất thơm, cơm dẻo, nhưng dài ngày, tôi nảy ra ý định sao không cho chúng “bén duyên” với nhau để có giống lúa vừa thơm, dẻo lại ngắn ngày”. “Vậy anh có lai ra được giống nào ưng ý không?” - tôi hỏi. Một chút ngập ngừng, anh tiếp: “Đúng ra là đã có giống mới rồi vì tất cả công đoạn đầu đều làm rất đạt, nhưng do bất cẩn để lộn xộn... cuối cùng không xác định được cái nào là cha, cái nào là mẹ, nên không thể hoàn thành công đoạn cuối. Tiếc lắm!”. Sau một phút lặng im, anh trở lại câu chuyện với vẻ phấn khởi hơn: “Nói vậy chớ cũng đã làm được một giống riêng mang tên mình rồi đó. Đó là giống CLV1 lai từ tổ hợp do Trường Đại học Cần Thơ đưa về cho tôi thực hiện. Tôi đang tiến hành thử nghiệm và không bao lâu sẽ đưa ra sản xuất đại trà”.
Qua tìm hiểu tôi được biết, hiện Kim Quợt còn giữ khá nhiều giống lúa quý và nhờ người thân nhân ra hàng năm. Anh có được số giống này nhờ phát hiện những dòng đột biến trong quá trình hợp tác chọn dòng. Hiện nông dân Viên Bình vẫn còn sản xuất giống nếp Sáp Long An do chính anh nhân ra từ 100gram hạt giống đầu tiên của Khuyến nông tỉnh Long An tặng vào năm 2000. Anh Quợt đưa tôi đi thăm cánh đồng giống trước cửa chùa Lao Vên và khoe: “Cái này chúng tôi thực hiện với Thạc sĩ Phương ở Sở Nông nghiệp và PTNT Long An. Phía sau chùa cũng có ruộng thí nghiệm giống nữa, nói chung gần như ruộng của tổ là dành để làm giống hết”.
Thấy tôi quan tâm nhiều đến các giống lúa, anh kể tên cùng xuất xứ của hàng chục giống đang được thí nghiệm trên đồng. Đây là giống Basmati đột biến, kia là giống ST5.... Nhìn cách anh nâng niu từng cây lúa, tôi hiểu anh rất quý và trân trọng chúng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi khi vừa mới sinh ra là anh đã thấy lúa và gắn bó với ruộng đồng. Thấy anh đang vui, tôi hỏi: “Nghề nhân giống này chắc cho thu nhập? Anh có tính tiếp tục lai tạo cho mình một giống mới nữa không?”. Như chạm đúng vào suy nghĩ của mình, anh nói ngay: “Người khác làm giống thì khá giả, còn tôi thì thu nhập không có bao nhiêu, chủ yếu là vì mê, muốn có giống mới cho bà con sản xuất mang lại hiệu quả cao. Nói vậy thôi chứ cũng có lợi nhiều lắm. Vì khi tham gia cùng các nhà khoa học, mình học được nhiều kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất. Còn chuyện lai tạo giống lúa vẫn sẽ làm nhưng không làm một mình như trước nữa mà phối hợp với các nhà khoa học”.
Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà trong vụ lúa đông xuân vừa rồi, dù dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại nghiêm trọng nhưng 2,7ha ruộng của anh vẫn cho một vụ mùa bội thu. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh hay nhắc đến Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng và anh cũng là một trong những cộng sự đắc lực của chị Hiền từ trước đến nay. Nói về người cộng sự của mình, chị Hiền cho biết: “Sau lớp tập huấn chọn tạo giống lúa tại chùa Lao Vên vào năm 2002, chúng tôi phát hiện nơi đây có nhiều nông dân rất yêu thích công tác này. Kim Quợt là một trong hai người nổi bật nhờ có năng khiếu và niềm đam mê. Chính anh đã phát hiện, lưu giữ và nhân thành công nhiều dòng trong thời gian qua, góp phần làm phong phú thêm nguồn giống địa phương và hỗ trợ đắc lực cho chương trình giống của tỉnh. Riêng giống basmati đột biến, chính anh là người có công rất lớn trong việc nhân rộng giống lúa này cho khu vực các huyện phía Nam của tỉnh”. Lòng đam mê và sự cống hiến của Kim Quợt đáng được ghi tên vào danh sách những nhà khoa học Hai Lúa của tỉnh Sóc Trăng.