Khúc hát về Bệnh viện tình thương
Với một nghề cao quý và cũng đầy ắp những vất vả, lo toan như nghề chữa bệnh cứu người, quả thực đời sống văn hóa có được trong mỗi con người, nhất là với một người ở cương vị quản lý như Giám đốc Nguyễn Văn Chương, thật đáng quý, đáng trân trọng…Trong những năm qua, Bệnh viện đa khoa Vân Đình sở dĩ đạt được những thành tựu phát triển xuất sắc và toàn diện, bên cạnh những nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, có vai trò hết sức quan trọng của bác sĩ Nguyễn Văn Chương trên cương vị Bí thư Đảng ủy - Giám đốc bệnh viện, mà yếu tố thành công trong lãnh đạo không thể thiếu những tri thức về văn hóa.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chương đã có gần 40 năm cống hiến cho cộng đồng xã hội và cho đất nước, trong đó ông thực sự gắn bó với ngành Y đã 27 năm với 24 năm đóng góp tâm sức, trí tuệ của mình cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Vân Đình trên quê hương Ứng Hòa Anh hùng. So với đời người, đó cũng là một chặng đường dài; là một hành trình ông đã trải đủ những gian nan, vất vả, những hạnh phúc, buồn vui…
Một thời để nhớ
Sinh ra và lớn lên ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa - Hà Nội vào những năm cuối của thập niên 50 thế kỷ XX, tuổi thơ của bác sĩ Nguyễn Văn Chương gắn liền với cuộc sống bộn bề và gian khó trên vùng đất thuần nông mà rất giàu truyền thống cách mạng. Miền quê ấy gắn liền với cái tên Khu Cháy một thời oanh liệt, hào hùng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khi nơi đây trở thành cơ sở trung tâm của An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ. Trong đó, Trầm Lộng là nơi cơ quan Xứ ủy đóng trụ sở, và cùng với Tảo Khê (đều thuộc Khu Cháy), đây là một khu du kích kiên cường trong cuộc kháng chiến 9 năm với nhiều trận đánh khiến kẻ địch phải khiếp đảm, kinh hoàng… Thân phụ của bác sĩ Nguyễn Văn Chương cũng là một trong những cán bộ kháng chiến tiêu biểu của địa phương, tiếp nối xứng đáng truyền thống yêu nước của các thế hệ cha ông. Phải chăng vì thế mà khi lớn lên, rồi đến cả sau này khi đã thành đạt trong sự nghiệp, bác sĩ Nguyễn Văn Chương vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương, nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình với một tình cảm nặng sâu, gắn bó. “ Anh ơi, vùng đồng quê tiếng hát hòa hương lúa. Ứng Hòa em như thế, luôn nặng nghĩa với tình… Anh ơi, anh nhớ lấy đây Khu Cháy Anh hùng, chúng ta hẹn lời xây quê hương đẹp mãi…” - Tâm tình ấy đã được ông thể hiện trong ca khúc Hẹn em cô gái Ứng Hòa của mình.
Từ sự thôi thúc ấy, ngay sau khi tốt nghiệp cấp III (THPT bây giờ), chàng thanh niên Nguyễn Văn Chương đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trở thành người chiến sĩ của Binh đoàn 12, mang trong mình truyền thống của Đoàn 559 Trường Sơn Anh hùng. Môi trường quân đội đã tôi luyện bản lĩnh và ý chí của ông; rồi đào tạo để ông trở thành một Bác sĩ thực thụ. Những năm 1987-1989, với trọng trách của một bác sĩ quân y, ông liên tục phục vụ các đơn vị quân đội trên đất nước Campuchia trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, tính mạng luôn bị đe dọa bởi sốt rét ác tính nơi rừng sâu…
Quê hương và cả những năm tháng luyện rèn và phục vụ trong quân ngũ đối với ông, đã trở thành một thời để nhớ, để thương, để tự hào và nhắc nhở bản thân mình trên suốt chặng đường cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân…
Một thực tế sinh động ai cũng nhận thấy, đó là sự đổi thay rõ nét, nhanh chóng và toàn diện của BVĐK Vân Đình trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Thành quả ấy không thể là ngẫu nhiên, đổi thay ấy cũng không là việc dễ dàng. Thạc sĩ - Giám đốc Nguyễn Văn Chương và các đồng nghiệp của ông hôm nay có quyền tự hào về sự đổi thay lớn lao ấy, tự hào về những nỗ lực không ngừng của mình trong hành trình vượt khó. Vẫn còn mãi trong ký ức của mỗi người lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Bệnh viện cách đây 51 năm về trước: “ Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả 2 mặt vật chất và tinh thần: Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ tốt, coi người bệnh như ruột thịt…” và “Cần đặc biệt chú ý việc phòng bệnh, tuyên truyền giải thích cho đồng bào chung quanh nhà thương và trong huyện biết cách giữ gìn vệ sinh, làm cho mỗi người bệnh, khi khỏi bệnh, biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình họ…”. Để lời Bác dạy không chỉ đi vào suy nghĩ, mà trở thành hành động, thành nếp nghĩ, thành việc làm có hiệu quả của mỗi cán bộ, y bác sĩ và nhân viên trong bệnh viện, người Giám đốc, thông qua sự điều hành và công tác quản lý của mình, đặc biệt là thông qua những yếu tố văn hóa, tinh thần xen lồng trong những giải pháp, phải tạo được nền tảng, được tiền đề và điều kiện để mọi người thực hiện với ý thức tự nguyện, tự trong tâm, trong lòng mình. Người thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Vân Đình luôn coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân. Có như vậy mới phục vụ tốt được.
Năm năm qua, trên cương vị Giám đốc bệnh viện (ông đảm nhận cương vị Giám đốc từ năm 2009), bằng rất nhiều giải pháp xuất phát từ tâm nguyện dựng xây và khát vọng cống hiến, đồng thời từ sự làm gương của chính mình, bác sĩ Nguyễn Văn Chương đã từng bước làm thay đổi tư duy làm việc, thay đổi và nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân, của cả một tập thể hơn 300 cán bộ nhân viên, tạo nên một diện mạo mới của bệnh viện về mặt văn hóa và ứng xử. Uy tín của bệnh viện, sự tin yêu của người dân dành cho bệnh viện được khởi nguồn từ đó. Trong điều hành, ông luôn thể hiện sự dứt khoát, khẩn trương, hiệu quả. Nhưng không bao giờ xem nhẹ tính dân chủ nhằm tập hợp và phát huy cao nhất trí tuệ của tập thể vì sự phát triển chung. Trong khi yêu cầu cán bộ nhân viên phải nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách của mình, ông và ban lãnh đạo bệnh viện cũng đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ nhân viên ở mức cao nhất có thể được. Ai cũng cảm nhận được sự quan tâm ấy, đều yên tâm và mang hết nhiệt tình, khả năng của mình để làm việc. Nói trước làm sau, nói sao làm vậy, là nếp nghĩ, nếp làm, là thói quen nghiêm túc của Giám đốc Nguyễn Văn Chương. Với phương châm lấy phục vụ người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, BVĐK Vân Đình đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh, y đức luôn được trau dồi nên tạo được sự tin yêu của người bệnh. Số người đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng nhiều. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 650 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú 350 bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh ở tất cả các khoa đều đạt trên 115%... Đó là thành quả rất đáng trân trọng.
Năm năm qua còn là sự thay đổi lớn của bệnh viện về chuyên môn, về trang bị kỹ thuật.Trong tư duy của Giám đốc Nguyễn Văn Chương, để nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện, việc nâng cao trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên phải đi đôi với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Dự án 1816 về Chuyển giao công nghệ và kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đó. Đã có gần 30 kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao tại bệnh viện. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu, cận lâm sàng…đã được triển khai có hiệu quả tại bệnh viện đa khoa Vân Đình. Trong hơn hai năm triển khai dự án, đã có gần 600 ca phẫu thuật loại II và loại I được thực hiện thành công, như: phẫu thuật nội soi u xơ tuyến tiền liệt, mổ sỏi thận, sỏi niệu quản, phẫu thuật u xơ tử cung, cắt tử cung toàn phần, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longor, u nang tuyến giáp, kết gãy xương đòn, xương bánh chè, v.v…Và, điều đáng nói là các kỹ thuật này đã được đội ngũ thầy thuốc của BVĐK Vân Đình tiếp nhận, làm chủ và thực hiện thành công, điều mà trước đây chưa làm được. Kết quả này giúp người bệnh được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận tiện cho việc chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị.
Có thể khẳng định, thành công của bệnh viện trong việc nâng cao năng lực khám chữa bệnh gắn liền với tư duy mới, với tầm nhìn xa, với vai trò lãnh đạo xuất sắc của Giám đốc Nguyễn Văn Chương và ban lãnh đạo bệnh viện. Từ những thành tích xuất sắc đạt được trong chặng đường phấn đấu đã qua, bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng, Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Ba… Cá nhân bác sĩ Nguyễn Văn Chương vinh dự được phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011), Huân chương Lao động hang Ba (2013), Bảng vàng vinh danh Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô (2014) và nhiều phần thưởng khác.
…Kể về Thầy thuốc ưu tú - Thạc sĩ Nguyễn Văn Chương không dễ gì đầy đủ được trên một vài trang báo. Dẫu sao, một chút khái quát về ông cũng cho ta một cảm nhận chân thực về một bác sĩ, một trí thức đã và đang hết lòng đóng góp cho cộng đồng - Đó là một tư cách đáng trân trọng, một tâm hồn đáng quý, một trí tuệ mẫn tiệp và một con người đáng kính; mong sao xã hội ngày càng có nhiều hơn những người bác sĩ - giám đốc như ông.