Khi nhà khoa học làm thương hiệu
Vận động
Mở đầu buổi gặp gỡ, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng EEI, kể chúng tôi nghe một câu chuyện dường như không liên quan gì đến viện của ông cả. “Ông bạn của tôi kể, có lần đến thăm một xí nghiệp chế biến hạt điều, thấy khói cứ bay um lên rất khó chịu. Để tìm nguyên nhân, ông ấy đi xem lò đốt được vận hành ra sao. Quan sát xong, ông bảo công nhân sửa lại cách đốt vỏ nhiên liệu. Thay vì đổ ụp vỏ vào lò một lần như trước, ông đề nghị họ rải đều vỏ ra. Theo cách làm của ông, cả xí nghiệp trở nên thoáng đãng hơn trước”. Bằng giọng Nghệ Tĩnh khá hóm hỉnh, ông Viện trưởng kết luận: “Thị trường về dịch vụ khoa học-công nghệ còn rộng lắm. Hầu như đến với doanh nghiệp nào, nhà khoa học cũng nhìn ra những điểm hạn chế cần phải áp dụng khoa học-công nghệ…”.
Có lẽ vì tiếc mảng thị trường đầy tiềm năng ấy mà năm 2004, sau khi về hưu, Tiến sĩ Phúc, nguyên giảng viên bộ môn Năng lượng điện, trường Đại học Bách khoa TPHCM, đã nghĩ đến chuyện lập một viện khoa học tư nhân. “Sở dĩ phải chọn hình thức viện vì vốn liếng của tôi đâu có gì ngoài chất xám. Các nhà khoa học bán chất xám cũng giống như đi làm người giúp việc vậy. Lương thấp lắm, do đó, có rất nhiều trung tâm khoa học của tư nhân lập ra rồi chết hàng loạt. Qua những bài học thực tiễn, người ta rút ra kinh nghiệm: ở Việt Nam, một cơ sở khoa học của tư nhân hoạt động trong hai năm đầu thường lỗ, đến năm thứ năm mới bắt đầu có lời”, ông Phúc chia sẻ. Dù biết vậy nhưng ông vẫn tin vào nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ khoa học-công nghệ. Khó khăn đầu tiên là làm sao thuyết phục được các nhà khoa học để họ cùng tham gia vì theo luật phải tập hợp được tối thiểu trên 30 nhà khoa học mới được phép thành lập viện.
Ông chọn cách trực tiếp đến gõ cửa từng nhà khoa học. Hai người được ông “chấm” đầu tiên là Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bội Khuê và phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Nam Tặng. Nếu hai chuyên gia đầu ngành về điện và tự động hóa này đồng ý hợp tác thì sẽ mở ra nhiều cơ hội kéo được nhiều người khác nữa, ông Phúc tự nhủ. May thay, nghe xong đề án của ông, cả hai nhà khoa học đều nhất trí ủng hộ. Cứ thế, sau mấy tháng vận động, ông Phúc đã thuyết phục được 32 nhà khoa học tham gia sáng lập viện. Đầu năm 2004, EEI chính thức trở thành viện khoa học tư nhân đầu tiên tại TPHCM. Khó có thể ngờ rằng, chỉ hai năm sau EEI đã tập hợp được một đội ngũ gồm 96 nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực như điện, năng lượng, điện tử, viễn thông, tự động hóa, kinh tế, luật…
Chào hàng “chất xám“
Lực lượng thì đông nhưng EEI lại được tổ chức rất gọn nhẹ, cơ động. Cả viện, chỉ có 10 người làm việc chính thức, số còn lại lúc nào có việc mới làm. Nhờ đó, viện tiết kiệm được một phần chi phí đáng kể. Trong thời gian đầu, các nhà khoa học đưa ra một cơ chế khuyến khích mọi thành viên tìm việc cho viện. “Chúng tôi tổ chức viện như một sân chơi, ai có gì thì cứ mang đến. Sân chơi này bao gồm các mảng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tư vấn-thiết kế-thẩm định kỹ thuật; đào tạo; thông tin khoa học công nghệ. Ai mang về nhiều hợp đồng thì được hưởng hoa hồng càng nhiều”, ông Phúc nói. Với cơ chế đó, tự lúc nào không hay các nhà khoa học của viện đã trở thành những nhân viên tiếp thị thực thụ. Một trong những “thương vụ” đầu tiên là chế tạo một thiết bị tự động hóa để kiểm tra chất lượng lò xo cho Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Bình Dương). Nếu như trước đây nhà máy phải kiểm tra chất lượng bằng phương pháp thủ công vừa tốn nhiều thời gian, vừa không chính xác, thì nay với công cụ trên, các kỹ sư chỉ cần nhìn qua tín hiệu là có thể biết được ngay kết quả.
Tiến thêm bước nữa, các nhà khoa học tự tạo ra các sản phẩm để tiếp cận thị trường. Ví dụ, khi giá nhiên liệu tăng lên, EEI nhanh chóng tung ra sản phẩm “Chương trình tiết kiệm năng lượng bốn bước cho doanh nghiệp”. Với chương trình này, viện có thể tư vấn, thiết kế và thi công dự án tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp mà trong hai năm có thể hoàn vốn. Các đơn vị thấy rõ lợi ích kinh tế khi được các nhà khoa học tư vấn nên ngay trong đợt đầu đã có bảy doanh nghiệp đồng ý tham gia chương trình.
Tiếng tăm của EEI dần dần được nhiều người biết đến. Chỉ trong hai năm, viện đã thực hiện được 13 dự án về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; 14 dự án tư vấn, thiết kế, thẩm định kỹ thuật và 14 dự án về đào tạo. Trong đó, có những dự án như tư vấn cho Công ty Điện lực TPHCM thiết kế trạm biến thế điện với công suất 63 MVA; tư vấn về chất lượng điện cho Công ty Điện lực Đồng Nai; chế tạo công cụ robot phục vụ khám chữa bệnh cho Bệnh viện An Sinh. Mới đây, EEI là một trong ba đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ mời tham gia đấu thầu năng lực cho dự án “Tiết kiệm sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Dự án này do Chương trình UNDP tài trợ, với tổng số vốn lên tới 28 triệu đô la Mỹ (UNDP tài trợ 5 triệu đô la Mỹ, Chính phủ đối ứng 23 triệu đô la Mỹ).
“Hoạt động của chúng tôi trong hai năm vừa qua thực tế vẫn chưa có lời. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã bắt đầu gầy dựng một thương hiệu được nhiều người biết đến. Có thương hiệu rồi, lúc đó mới có thể nghĩ tới lợi nhuận”- Viện trưởng Phúc tin như vậy.
Viện điện - điện tử -tin học
16 Cù Chính Lan, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM
ĐT: 8429439 - 9137046
E-mail: eei@eeiacad.org
Website: www.eeiacad.org
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn 1/6/06