Huy động 'trí' để 'thức dậy' phát triển
Nội dung chính các cuộc gặp gỡ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong năm vừa qua với các giáo sư đầu ngành, các nhà khoa học, các trí thức uy tín trong một số lĩnh vực, cũng đều xoay quanh chủ đề làm thế nào để “Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm qua phát triển nhanh với gần 5 triệu người, chiếm gần 12% lực lượng lao động xã hội. Đội ngũ trí thức luôn đi đầu trong các hoạt động khoa học, công nghệ, văn hoá, giáo dục và đào tạo, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm khoa học có giá trị cao. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng to lớn của mình. Bên cạnh đó, chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, dài hơi để phát triển đội ngũ vì sự phát triển chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, ngoài những chính sách ưu tiên thì cần nhất là sự tin dùng, dân chủ, tôn trọng ý kiến riêng của mỗi người, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức và các nhà khoa học phát huy hết tài năng sáng tạo. Hơn nữa, muốn trí thức đóng góp xứng đáng cho đất nước, cần tạo được không khí cởi mở, dân chủ; trí thức phải có được môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã nhận định rằng: Bản chất của khoa học, bản chất của người trí thức là sáng tạo. Quá trình sáng tạo cần những điều kiện nhất định, đó là tiếp cận nhu cầu của xã hội, bởi khi đó họ sẽ được khuyến khích, cổ động để sáng tạo. Và khi sáng tạo của họ đáp ứng được nhu cầu xã hội, được xã hội thừa nhận thì đội ngũ trí thức lại càng có thêm động lực để phát triển.
Nhìn lại hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, công tác tư vấn phản biện của đội ngũ trí thức nước ta trong những năm vừa qua, nhiều trí thức, các nhà khoa học có uy tín, các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia tư vấn, phản biện các đề án, dự án lớn ở tầm quốc gia, có tính chất liên ngành, đa ngành như: Dự án Thủy điện Sơn La, Chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Đánh giá hiệu quả Chương trình khai thác bauxite Tây Nguyên, dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, Đường sắt trên cao... Và đặc biệt trong năm 2014 vừa qua, khi mà lần đầu tiên các nhà khoa học nước ta thử nghiệm thành công tàu lặn biển, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời báo chí rằng: “ Tôi ngồi tàu ngầm vì tôi tin các nhà khoa học”.
Trở lại cách đây 10 năm - 2005, khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng dự án nghiên cứu và phát triển một triệu hécta lúa lai ở Việt Nam với kinh phí 1.200 tỷ đồng, trong quá trình dự thảo, Bộ đã xin ý kiến các nhà khoa học của Hội Giống cây trồng Việt Nam. Các nhà khoa học của hội đã xem xét, đưa ra ý kiến thực hiện dự án chỉ với 46 tỷ đồng và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã triển khai theo phương án này, nhờ vậy mà tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng - một con số thật khó tin nhưng lại là thực tế cho thấy giá trị của tri thức. Năm 2011, khi Thành phố Hà Nội đưa ra bản đồ quy hoạch đô thị Hà Nội với trục Hồ Tây - Ba Vì, sau nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng ý kiến của nhiều chuyên gia khác, các cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp hơn với tình hình thực tế... Đó chỉ là một vài ví dụ.
Mang trí tuệ của mình ra phụng sự cho sự phát triển chung của đất nước, ý kiến của mình đưa ra được đề cao, xem trọng, được ứng dụng vào thực tiễn là niềm vui, niềm tự hào của nhà trí thức. Tuy nhiên, để đội ngũ trí thức tiếp nối được những thành tựu đó, để đội ngũ những người làm khoa học thực sự mang “trí” của mình ra để phụng sự cho sự phát triển của đất nước thì Đảng và Nhà nước ta cần có một chiến lược chính sách dài hơi, thiết thực và đầy đủ hơn. Giáo sư Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng đang lãng phí rất lớn khi không huy động được đội ngũ trí thức nêu chính kiến trước những vấn đề nóng của đất nước. Giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam thì đề nghị: “Nếu giao cho đội ngũ trí thức tham gia tư vấn phản biện thì cũng cần phải có cơ chế đi kèm. Hiện nay, các văn bản góp ý thường gửi đến một cách rất ngắn gọn về mặt thời gian”, dẫn đến cái khó cho người phản biện. Ngoài cơ chế đặt hàng, Đảng và Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học chủ động đề xuất góp ý kiến. Bên cạnh đó, để các nhà khoa học tham gia phục vụ cho sự phát triển của đất nước hiệu quả, rất cần sự hợp tác của các cơ quan chủ quản trong việc cung cấp đầy đủ thông tin để các nhà khoa học có căn cứ đưa ra những giải pháp khoa học đúng đắn.
Khi chọn đúng vấn đề, doanh nghiệp hay Nhà nước đặt hàng các nhà khoa học, hay tự thân các nhà khoa học đưa ra vấn đề, đội ngũ trí thức của chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện cống hiến tốt và cống hiến xứng đáng cho Thủ đô và đất nước trên hành trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng.