HS lớp 11 chiết xuất chất chống ung thư từ cây nghệ vàng
Ở Việt Nam, nghệ được trồng ở rất nhiều nơi, trở thành một gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng ít người biết được rằng, Cucurmin, một hoạt chất có nhiều trong củ nghệ vàng còn có tác dụng phòng chống bệnh ung thư rất hiệu quả.
Trong y học hiện đại, Cucurmin là chất hủy diệt tế bào ung thư mạnh nhất theo cơ chế hủy diệt từng bước các tế bào ác tính, làm vô hiệu hóa các tế bào ung thư và ngăn cản sự hình thành các tế bào ung thư mới.
Không chỉ thế, Cucurmin còn là một trong những chất kháng viêm, chống oxy hóa mạnh, giúp điều trị các bệnh loét dạ dày, hành tá tràng, viêm gan B, vảy nến, giảm trí nhớ…. Tuy nhiên, các phương pháp chiết tách Cucurmin trước đây hầu hết đều khá tốn kém và đạt hiệu suất cũng như độ tinh khiết không cao.
Nắm bắt được tình hình trên, hai học sinh Nguyễn Xuân Thiên Ân và Lê Thị Như Hoa, lớp 11B1 trường THPT Nhân Việt đã tìm cách để chiết tách ra được loại hoạt chất quý giá này từ củ nghệ vàng thông qua các thiết bị đơn giản, có sẵn trong phòng thí nghiệm.
Đầu tiên, củ nghệ tươi được gọt vỏ, rửa sạch, để ráo nước, cắt lát thật mỏng và tiến hành chưng cất lôi cuốn hơi nước để loại tinh dầu. Sau đó, nghệ được đem đi sấy khô trong tủ sấy để loại hơi nước và xay thành bột mịn. Sau nhiều bước khác như chiết bột nghệ với dung môi n-hexan để loại các hiđrocacbon và chất béo, “cô quay” dung dịch để loại bỏ dung môi, lọc chân không, đun hồi lưu …mới thu được kết quả là một lượng Cucurmin tinh khiết đến 99,5%, cao hơn nhiều so với các phương pháp khác. Hiện tại, chỉ với 1,5 kg nghệ tươi, các bạn đã cho ra 2,46g thành phẩm. Nếu so với con số 2,07g Curcumin/ 2,7 kg nghệ của một nhóm nghiên cứu ngoài Đà Nẵng trước đó, con số này quả thực rất ấn tượng.
So với các phương pháp chiết tách trước đây, cách làm của hai bạn cũng ít tốn kém hơn rất nhiều do chỉ sử dụng những bộ dụng cụ đơn giản, có sẵn trong phòng thí nghiệm như bình cầu, ống hồi lưu, bếp nhiệt…. Khi muốn thay đổi quy mô sản xuất, chiết tách Curcumin với số lượng khác nhau, chỉ cần thay đổi thể tích bình cầu chứa sao cho phù hợp với nhu cầu chứ không cần phải thay đổi hết toàn bộ hệ thống như những phương pháp trước đó. Hiện tại, 1 kg nghệ tươi có giá khoảng 30 ngàn đồng, trong khi 1g Curcumin được bán với giá 400 ngàn đồng. Nếu được ứng dụng vào thực tế, đây có thể là một cách để tăng giá trị của cây nghệ vàng tại Việt Nam.
Như Hoa chia sẻ, kể từ lúc bắt tay vào nghiên cứu cho đến khi đề tài kết thúc, hai bạn đã mất gần 6 tháng trời. Do là học sinh nội trú, thời gian học tập và nghiên cứu bị chi phối hơn các bạn khác rất nhiều, nhưng điều đó vẫn không làm giảm ham mê nghiên cứu của cả hai. Bên cạnh làm việc tại phòng thí nghiệm của nhà trường, những lúc rảnh hay ngày nghỉ, Như Hoa và Thiên Ân còn tranh thủ nghiên cứu thêm tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Thiên Ân và Như Hoa tại cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cấp quốc gia tại Cần Thơ
Nhớ lại quãng thời gian thực hiện đề tài, Như Hoa cười chia sẻ: “Lần đầu tiên được vào phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sư Phạm, bọn em háo hức lắm, vì phòng thí nghiệm bên đó lớn và dụng cụ đầy đủ hơn ở trường em nhiều. Chẳng biết do vui quá hay sao, mà khi thực nghiệm, em lỡ tay cho nhiều hóa chất quá, làm cả phòng bốc mùi hôi không chịu nổi, hai đứa và giáo viên hướng dẫn phải chạy ra ngoài hết. Cô lao công đã lau dọn, xịt nước hoa đủ kiểu mà vẫn còn hôi đến tận mấy ngày sau. Cũng may là không bị ai la rầy”.
Chìa ra bàn tay với những vệt vàng, vệt đỏ, Thiên Ân cho biết, đó là kết quả của mấy tháng trời tiếp xúc với nghệ, “nếu anh tới đây vài bữa trước, nhìn mặt hai đứa em vàng khè, cứ như thổ dân ấy, đi đến đâu mấy bạn cũng chọc, riết rồi quen luôn”.
Với nghiên cứu của mình, hai bạn đã xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học năm học 213 -2014 cấp Thành Phố. Tại vòng thi cấp Toàn quốc, được tổ chức ở Cần Thơ từ ngày 7/3/2014 đến 9/3/2014, đề tài này cũng đã giành giải 3 ở nhóm ngành Sinh - Hóa.