Hơn 80% giống cây trồng bản địa đã mất
“Nếu xu hướng (tàn phá) tiếp diễn như hiện nay, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 sẽ phải chứng kiến một làn sóng tuyệt chủng của những loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam, ở một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, kèm theo các thiệt hại về môi trường và kinh tế”.
Đó là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) về mối đe dọa với đa dạng sinh học trong Báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam 2005 được công bố mới đây.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự du nhập các giống cây trồng mới, đặc biệt là những giống lai năng suất cao đã làm suy giảm cả về diện tích lẫn nguồn gene của các giống cây trồng bản địa.
Hơn 80% giống cây trồng bản địa đã mất đi trên đồng ruộng sau những phong trào hiện đại hóa. Giống vật nuôi đang mất đi với tốc độ 10%/năm.
Những mất mát đó rất quan trọng vì các giống lúa bản địa thường có tính đa dạng di truyền cao hơn so với giống ngoại nhập, vì vậy, có khả năng chống chịu cao hơn đối với sâu hại và bệnh tật. Đó còn là nguồn quý để tạo giống mới và cải tiến.
Theo báo cáo, dù Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát động, thực vật hoang dã tới năm 2010, tình trạng săn bắn ngoài vòng kiểm soát chỉ giảm đi đôi chút khi nguồn động vật hoang dã ở đó đã cạn kiệt.
Quần thể của nhiều loài bị buôn bán đã giảm đến mức động vật hoang dã từ nước ngoài đã được tìm kiếm và thay thế. Đa số tê tê và rùa nước ngọt bị buôn bán mới đây tại Việt Namcó nguồn gốc từ Indonesiavà Malaysia .
Một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này, theo WB, là tăng cường quyền và năng lực của các cộng đồng để quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Một ưu tiên khác là đánh giá và phát triển các cơ hội cho những người nghèo được hưởng lợi từ việc cung cấp các dịch vụ sinh thái, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 30/11/2005