Hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chiều 27/6, tại Liên hiệp hội Việt Nam đã diễn ra Hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Chương trình công tác năm 2023, chiều 27/6, Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đến dự Hội nghị, về phía Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có PGS.TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về phía VUSTA, có TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA; PGS.TS Phạm Quang Thao, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA; Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA; Đồng chí Phạm Hữu Duệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức cán bộ và Chính sách hội.
Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền
Báo cáo chuyên đề năm 2023 “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan trung ương” của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nêu rõ, việc nêu gương luôn được coi là một phương pháp giáo dục hết sức hiệu quả, đặc biệt với các dân tộc phương Đông. Giáo dục Nho giáo trước đây coi tu thân và gương mẫu là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội.
PGS.TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội nghị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng phương pháp giáo dục Nho giáo. Người luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, hành động; những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Người cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Điều đó đã được thể hiện có hệ thống, thông qua các văn kiện của Đảng, qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 07/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Trong đó yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đồng thời, đề ra 7 nội dung mà cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương gồm: Về tư tưởng chính trị; Về đạo đức, lối sống, tác phong; Về tự phê bình, phê bình; Về quan hệ với nhân dân; Về trách nhiệm trong công tác; Về ý thức tổ chức kỷ luật và Về đoàn kết nội bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để giải quyết những vấn đề nan giải, có động lực để đạt được những khát vọng, tầm nhìn trong tương lai.
Học tập Bác về vận động trí thức, tận tâm, tận tụy
Trình bày tham luận tại Hội nghị về việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vận động trí thức, TS Lê Công Lương, Bí thư chi bộ cơ quan VUSTA cho hay, Bác quan tâm tất cả các dạng trí thức từ nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà giáo,thầy thuốc, những nhà nho danh tiếng, kể cả quan lại cũ.
TS Lê Công Lương, Bí thư chi bộ cơ quan VUSTA trình bày tham luận tại Hội nghị.
Quan điểm của Người về trí thức rất sâu sắc và toàn diện. Trước hết, Người yêu cầu và đòi hỏi trí thức phải đi vào quần chúng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, lấy hạnh phúc của nhân dân làm cơ sở.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay, TS Lê Công Lương cho rằng, trước tiên, cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, trong bộ máy của Đảng và Nhà nước để thấm nhuần quan điểm sử dụng người tài, quan điểm về sử dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các tổ chức của trí thức.
Các cơ quan nhà nước các cấp cần phải cụ thể hóa nhanh chóng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về trí thức vào cuộc sống, đặc biệt là NQ 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW.
Cùng với đó, cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức. Và một điều rất quan trọng, đó là thu hút và trọng dụng trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng hơn 400.000 người có trình độ cao, trong đó có tới hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao.
Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam Đỗ Huy Hoàng.
Đại diện cho Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Bí thư Đỗ Huy Hoàng cho hay, Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam có 9 chi đoàn trực thuộc với tổng số 105 đoàn viên.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng, đoàn kết nhất trí, tận tâm, tận tụy, không ngừng phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, có việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng như phối hợp tổ chức các chương trình “Xuân gắn kết, Tết yêu thương” Xuân Qúy Mão năm 2023, Xuân sẻ chia 2023... đã trao nhiều phần quà có giá trị, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.