Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 11/11/2006 14:14 (GMT+7)

Hỏi chuyện tiến sĩ Tô Thị Tường Vân

Cho đến nay, chị đã là tác giả của 14 giống tằm và 4 cặp lai tằm, trong đó có 5 giống tằm đa hệ có đánh dấu giới tính ở giai đoạn sâu non, 2 giống tằm lưỡng hệ đánh dấu giới tính bằng màu kén, 1 cặp lai tằm tứ nguyên lưỡng hệ dùng cho mùa khô, 1 cặp lai tứ nguyên lưỡng hệ khác có thể nuôi quanh năm ở Lâm Đồng... Trong số các giống tằm trên, có 8 giống và 4 cặp lai đã được công nhận quốc gia. TS. Tô Thị Tường Vân cũng là tác giả của Quy trình công nghệ nhân giống tằm lưỡng hệ và Mô hình nuôi tằm con tập trung ở Việt Nam. Từ các giống tắm và cặp lai mới do chị và các cộng sự lai tạo ra, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng (nguyên là Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Bảo Lộc) đã sản xuất và tiêu thụ hàng chục vạn hộp trứng tằm, hầu hết đều cho kết quả rất khả quan về sức sống, năng suất và chất lượng tơ kén, được bà con nông dân ở Lâm Đồng ngày càng tín nhiệm.

Với những thành tích về lai tạo giống tằm và chuyển giao khoa học công nghệ ra sản xuất, tập thể cán bộ khoa học nữ của Trung tâm do Tiến sĩ Tô Thị Tường Vân đứng đầu đã được nhận Giải thưởng Kovalevskâi năm 1998. Năm 2003, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng do chị lãnh đạo và bản thân cá nhân chị Tường Vân đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Điều đáng nói là, để đạt được những thành công trong sự nghiệp, chị Tường Vân đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, từ những trở ngại rất đời thường đến những gian nan về sức khoẻ...

Mấp mé lục tuần, song nét nhan sắc ở chị vẫn như thể còn lâu mới tới tuổi này. Một người bạn tôi cùng học tiếng Nga với chị Tường Vân gần ba mươi năm trước mách với tôi rằng chị là người đẹp nổi bật của khoá học ấy, học giỏi, hát hay và hay hát...

Trao cho tôi cuốn sách “ Những công trình nghiên cứu khoa học về lai tạo giống tằm trong 15 năm 1988-2002” mà chị là tác giả (do Nhà xuất bản Nông nghiệp vừa ấn hành năm 2003), chị nói:

- Gọi là 15 năm nhưng thực ra là cả cuộc đời đấy anh ạ, vì các năm trước đó là mầy mò tìm phương pháp lai tạo, tích luỹ kinh nghiệm, xác định hướng lai tạo... trước khi chính thức đi vào thực hiện đề tài.

Và trong 15 năm đó, chị Tường Vân đã thực hiện được một khối lượng công việc đồ sộ với những kết quả rất đáng ghi nhận về Lai tạo giống tằm và Công nghệ nhân giống tằm.

- Chị có thể tóm tắt các kết quả chính về các công trình đó được không?

- Vâng, có thể căn cứ vào các mốc thời gian để đánh dấu từng công trình nghiên cứu như thế này:

+ Năm 1990: nếu trước năm 1990 trong sản xuất ở Lâm Đồng chỉ toàn nuôi giống tằm đa hệ cổ truyền, kén có màu xanh nõn chuối, chất lượng tơ kén rất thấp (tơ chỉ đạt cấp E, G), hệ số tiêu hao kén ra tơ cao (phải gần 14-15kg kén tươi cho 1kg tơ), thì từ năm 1990, chúng tôi đã tạo ra được các giống tằm đa hệ BV1, BV2 (BV là chữ viết tắt của Bảo Lộc - Việt Nam) với đặc điểm đánh dấu giới tính ở giai đoạn sâu non, cặp lai của chúng có màu kén trắng tinh, kén có thể ươm cơ khí thay cho thủ công trước đây, tơ đạt cấp B hoặc A, tiêu hao kén ra tơ giảm xuống còn 9-10kg.

+ Năm 1993: Lai tạo thành công 4 giống tắm lưỡng hệ BV8, BV10, BV12 và cặp lai tứ nguyên của chúng là TN10 đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển sang nuôi tằm lưỡng hệ của sản xuất ở Lâm Đồng. Đến lúc này, đã có sự nhảy vọt về năng suất và chất lượng tơ kén; năng suất kén đạt bình quân 40kg/hộp trứng, đáp ứng được yêu cầu ươm tơ tự động, tơ đạt cấp 3A quốc tế, thuộc đẳng cấp tơ cao cấp. Tuy nhiên, đây là cặp lai chỉ phù hợp vào mùa khô ở Lâm Đông, đến thời điểm này chưa có cặp lai dùng cho mùa mưa.

+ Năm 1995: Lai tạo thành công 2 giống tằm đa hệ J1H, J2H và nhất là cặp lai tứ nguyên đa hệ x lưỡng hệ JH112 cho năng suất và chất lượng tơ kén khá tốt, lại có sức sống cao đáp ứng được nhu cầu nuôi tằm vào mùa mưa ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, do là cơ cấu đa hệ lai nên khó cạnh tranh với giống tằm lưỡng hệ của Trung Quốc lúc này đã tràn ngập thị trường Lâm Đồng.

+ Năm 1997: Được ghi nhận kết quả nghiên cứu với sự ra đời của các giống tắm lưỡng hệ đánh dấu giới tính bằng màu kén JV9, JVK. Đây là loại giống tằm có gen quý hiếm mà rất ít nước trên thế giới có được, tuy chưa có thể ứng dụng ngay vào sản xuất nhưng đã góp phần làm phong phú thêm guỹ gen về giống tằm ở Việt Nam.

+ Năm 2000: Chọn tạo thành công cặp lai tứ nguyên lưỡng hệ TQ112 có thể nuôi vào mùa mưa hoặc nuôi quanh năm ở Lâm Đồng. Sự ra đời của cặp lai TQ112 là rất đáng ghi nhận, vì kể từ thời điểm này, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã có thể cung ứng trứng tằm lưỡng hệ quanh năm, cả mùa khô và mùa mưa. Với ưu điểm có năng suất, phẩm chất tơ kén và sức sống ngang ngửa một chín một mười so với giống tằm Trung Quốc, chất lượng trứng giống lại rất ổn định, nên cơ cấu cặp lai TQ112 ngày càng được sản xuất tín nhiệm. Kể từ năm 1998, trứng tằm TQ112 đã được đưa ra sản xuất rộng rãi ở Lâm Đồng với hàng vạn hộp trứng. Ngoài ra, từ 1997-2002 Trung tâm còn xuất khẩu hơn 5 vạn hộp trứng TQ112 sang Tadgikistan đạt kết quả tốt.

Góp phần vào thành công của việc đưa các cơ cấu giống tằm mới ra sản xuất còn phải kể đến những nghiên cứu của chúng tôi về Quy trình công nghệ nhân giống tằm lưỡng hệ và Mô hình nuôi tằm con tập trung ở Việt Nam.

- Xin chị giải thích cho tôi hiểu rõ hơn về đặc điểm đánh dấu giới tính ở tằm.

- Thế này anh ạ, trong nghề tằm tang thì việc sản xuất trứng tằm hay còn gọi là nhân giống tằm giữ vai trò hết sức quan trọng, vì từ những hộp trứng, những vòng trứng sẽ nở ra hàng triệu triệu con tằm để từ đó người dân sẽ nuôi và thu về những nong kén, nén tơ. Trong quá trình sản xuất trứng tằm, có một công đoạn chiếm khá nhiều công lao động, đó là cắt kén để phân biệt đực cái ở giai đoạn nhộng, rồi sau đó cho ngài cái của giống này giao phối với ngài đực của giống khác và ngược lại. Cho nên, nhằm giảm công lao động trong việc phân biệt đực cái, từ hơn năm mươi năm qua, các nhà di truyền tạo giống đã nghiên cứu tạo ra các giống tằm có đánh dấu giới tính.

Cho tới nay, đặc điểm phân biệt giới tính ở Tằm dâu (tên khoa học là Bombyx mori) được phân làm ba loại theo giai đoạn phát triển của đời tằm: Thứ nhất là phân biệt ở giai đoạn trứng, trứng cái có màu nâu đen, trứng đực có màu trắng ngà. Thứ hai là phân biệt ở giai đoạn sâu non, tức là giai đoạn tằm, tằm cái có cá khoang đen trên đầu và ngực, còn tằm đực không có các dấu hiệu này. Thứ ba là phân biệt ở giai đoạn kén, kén cái có màu vàng tươi, kén đực có màu trắng.

Liên Xô cũ đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất thành công trong việc tạo ra các giống tằm đánh dấu giới tính ở giai đoạn trứng. Nhật Bản lại quan tâm hơn đến việc tạo ra các giống tằm đánh dấu giới tính ở giai đoạn sâu non. Còn các giống tằm đánh dấu giới tính bằng màu kén thì được tạo ra muộn hơn, khoảng cuối thập niên sau mươi của thế kỷ hai mươi.

Ở Việt Nam, trước đây Giáo sư Lê Văn Liêm (nguyên Phó Cục trưởng Cục dâu tằm) đã từng tạo ra một số giống tằm lưỡng hệ có đánh dấu giới tính ở giai đoạn sâu non. Còn chúng tôi cũng đi theo hướng này nhưng tập trung vào giống tằm đa hệ với suy nghĩ: kén tằm đa hệ rất nhỏ, vỏ kén lại quá mỏng nên khó cắt, công lao động dùng cắt kén phân biệt đực cái do vậy rất lớn... Thực tế khi tạo ra các giống tằm đa hệ BV1, BV2... với đặc điểm đánh dấu giới tính ở tằm, đã cho thấy tiết kiệm được rất nhiều công lao động do không phải cắt kén, không những thế, còn tiết kiệm được khoảng 40% lượng lá dâu tằm do tằm đực đa hệ đã được loại bỏ ngay từ đầu tuổi bốn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tạo ra được hai giống tằm lưỡng hệ JV9, JVK là các giống tằm đầu tiên ở Việt Nam mang đặc điểm đánh dấu giới tính bằng màu kén - một loại gen quý hiếm ở tằm...

Lúc chia tay, chị Tường Vân bỗng hỏi tôi có phải là người Hà Nội không. Chị nói, dù ở đâu chị vẫn luôn nhớ về Hà Nội. Khi mới làm quen với bàn phím máy tính, file đầu tiên chị tập gõ là “Các bài hát về Hà Nội”. Hà Nội - nơi chị sinh ra và lớn lên - bây giờ đang là mùa thu.

Nguồn: Những nhà khoa học nữ Việt Nam được giải thưởng Kovalevskaia, tr 75

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.