Học vấn lớp 5 vẫn làm robot
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Nguyễn Văn Hai (ngụ phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) là sự nhanh nhẹn, nhiệt tình và lối sống giản dị, hòa đồng. Anh Hai được nhiều người biết đến là nhờ vào những nghiên cứu và sản phẩm cơ khí thiết thực, phục vụ cho sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh.
Thất bại không nản
Trước đây, khi còn đi làm thuê, làm mướn cho các xưởng cơ khí, anh Hai chú tâm học hỏi rồi tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Thấy bà connông dântrục ruộng (làm cho đất nát ra để sạ giống hoặc cấy lúa) thủ công rất vất vả, anh mua chiếc máy hàn cũ và một ít sắt về thử làm cái bánh trục ruộng.
Sau nhiều lần thất bại nhưng vẫn không nản, anh Hai quyết tâm đeo đuổi, thử nghiệm và cải tiến đến lúc thành công. Hàng ngàn bánh trục ruộng được nông dân trong tỉnh đặt hàng đã giúp cuộc sống của anh thay đổi. Quan trọng nhất là anh thu được chút ít vốn liếng để đầu tư mở cơ sở sản xuất cho riêng mình, thỏa đam mê sáng chế các sản phẩm cơ khí trong lĩnh vựcnông nghiệp.
Nhớ lại lúc còn đi ruộng, đi rẫy với chiếc xe máy cà tàng, anh Hai kể do khó khăn lẫn tò mò nên anh đã sáng tạo thêm các công năng khác trên nền của chiếc xe này. Anh đặt tên cho nó là chiếc xe “4 trong 1” vì ngoài việc dùng để đi làm, nó có thêm các chức năng như phát điện, bơm nước, phun thuốc và chữa cháy. Riêng chức năng phát điện, với việc có thể thắp sáng được hàng chục bóng đèn, chạy 2 quạt máy và 1 tivi… đã giúp anh rất nhiều khi phải ở lại nhiều ngày trong rẫy xa.
Dân làm rẫy thấy chiếc xe máy “4 trong 1” này thì mê lắm, đặt hàng tới tấp nhưng nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chỉ thời gian ngắn là anh ngưng sản xuất. Dần dần, anh Hai tiết lộ: “Táy máy thì làm chơi cho vui vậy thôi, chứ cải tiến trên chức năng của chiếc xe máy là không nên. Vả lại, rất nhiều chi tiết của xe mà những người ở vùng sâu, vùng xa mua về sử dụng khi hư hỏng sẽ rất khó kiếm người biết để sửa chữa”.
Bỏ hẳn ý tưởng cải tiến xe máy thành loại “4 trong 1”, anh Hai quay sang sáng chế máy tuốt củ lạc. Để làm được chiếc máy này, anh mất 12 năm mày mò nghiên cứu từng chi tiết từ những loại máy nông cụ khác có trên thị trường, rồi lặn lội ra đồng với nông dân để biết máy sẽ được đưa ra ruộng thế nào, nông dân cần một chiếc máy với những tính năng ra sao...
Thế rồi chiếc máy cũng ra đời, anh đưa ra đồng trình diễn và nhận được một loạt đơn đặt hàng. Sản phẩm này vẫn đang được anh tiếp tục cải tiến. Anh cho biết đồng ruộng ở nước ta không như nhau, giống lạc cũng nhiều loại nên cần phải tạo ra nhiều dòng sản phẩm để sử dụng được cho nhiều vùng miền.
Ở Bình Thuận, rất nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc tưới nước cho rẫy thanh long diện tích lớn. Thấy được điều này, anh Hai bỏ ra 3 năm ròng rã để nghiên cứu và cho ra đời hệ thống tưới 3 trong 1, vừa tiết kiệm được nước, nhất là vào mùa khô vừa không phải tốn nhân công. Bà con nông dân thích sử dụng hệ thống tưới này là chế độ tưới tự động mà đa năng, có thể qua hệ thống vòi đặc biệt để tưới riêng phần gốc, phần ngọn, nước ra nhỏ.
Hệ thống tưới này sử dụng mô-tơ 3 ngựa, một đường ống kéo dài đến các trụ của từng cây, van sẽ có nhiệm vụ chỉnh nước đến ngọn hay gốc. Nếu vòi đang tưới gốc thì chức năng tưới ngọn sẽ đóng và ngược lại nên rất tiết kiệm nước.
Dồn hết tâm sức
Những năm gần đây, anh Hai dồn hết tâm sức nghiên cứu sáng chế robot có cánh tay dài với 10 thao tác: bón phân, cắt cỏ, tưới nước, chiếu đèn… - những công việc mà nhà nông phải làm thường ngày. Để biến giấc mơ thành hiện thực, anh đã mua 5 ha đất phục vụ việc chế tạo. Anh cho biết khu đất này rồi sẽ trở thành một vườn thanh long để thí nghiệm những khả năng của robot.
“Vì mình nghiên cứu con robot này mà từ cái tên thường gọi là Tuấn Loan, nay có người đã gọi là... Tuấn khùng rồi. Ở thành phố không ham, tự nhiên lại tìm về nông thôn mua đất cặm cụi nghiên cứu. Nói thật là chỉ sản xuất và bán mấy sản phẩm đã có thì tôi đủ sống rồi nhưng sự đam mê đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi. May mà vợ con cũng hiểu, đồng tình ủng hộ nên thuận lợi cho mình, lại có thêm động lực mà cố gắng. Vợ con không chịu là nguy to” - anh Hai tếu táo.
Chị Loan, vợ anh Hai, cho biết rất chia sẻ với đam mê của chồng. Chị kể: “Anh Hai ham làm lắm, cực thì đúng là cực nhưng ông ấy đam mê quá. Đến nỗi, rảnh khi nào ăn cơm khi đó chứ ông ấy không còn dùng đúng bữa nữa”.
Lãnh đạo Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết đang hướng dẫn những giấy tờ cần thiết để anh Hai đăng ký bản quyền các sản phẩm. Riêng sản phẩm máy bóc củ lạc thì đã được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Anh Hai cũng đã đoạt giải thưởng trong hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận, từng được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen và Hội Nông dân Việt Nam tặng giải nhì cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông…
Kỳ tới:Hai lần được Thủ tướng khen
Rất an tâm!
Nói về hệ thống tưới 3 trong 1, anh Nguyễn Hữu Hạnh - ngụ huyện chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, một khách hàng của anh Hai - cho hay: “Đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới này tốn khoảng 40 triệu đồng/ha chứ không ít. Tuy nhiên, dùng rồi mới thấy nó mang lại hiệu quả cao, đỡ tốn nước, tiết kiệm nhân công và thời gian. Mùa khô có máy đó rất thuận lợi, anh Hai lại còn thường xuyên gọi điện kiểm tra hệ thống tưới có ổn không nên chúng tôi rất an tâm”.