Học sinh sáng tạo thành công mô hình “máy phát và tích điện bằng ắc quy”
Em Mã Xuân Tường cho biết, tháng 10/2011, khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, em bắt tay vào tìm hiểu nghiên cứu sáng tạo mô hình “máy phát và tích điện bằng ắc quy” để có sản phẩm tham gia cuộc thi.
Theo Xuân Tường, cấu tạo của sản phẩm này bao gồm: hai bánh răng (bánh răng lớn 48 răng và nhỏ có 24 răng); bình tích điện ắc quy 6V; Điamô xe đạp; đèn sử dụng phát sáng 4V; hệ thống bàn đạp; vỏ bảo quản máy (sắt) và một số thiết bị phụ trợ khác. Tuy nhiên, sau khi gắn kết các bộ phận với nhau, đến phần gắn hệ thống bàn đạp em gặp khó khăn. Vì nếu sử dụng hệ thống đạp bằng bàn đạp của xe đạp rất khó làm, mất thời gian. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bất chợt em nhìn thấy gia đình mình đang sử dụng máy vắt nước chổi lau sàn nhà, có hệ thống bàn đạp. Thấy thế em liền xin mẹ và được mẹ đồng ý, em liền tháo bàn đạp ra gắn vào hệ thống bàn đạp đang thiếu, thế là em đã thành công máy hoạt động và bóng đèn phát sáng.
Nguyên lý hoạt động của máy phát điện, khi tác dụng vào bàn đạp hệ thống bàn đạp sẽ hoạt động làm bánh răng quay. Sau khi bánh răng quay tác động vào Dinamô xe đạp quay theo sẽ tạo ra dòng điện xoay chiều. Dòng điện này được tích vào bình ắc quy khi đó bóng đèn sẽ phát sáng, người sử dụng có thể dùng được.
Hỏi em tại sao em lại thực hiện ý tưởng này Tường trả lời: “Do hiện nay nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các nhà máy phát điện không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác sản phẩm này sẽ góp phần giải quyết sử dụng được năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường” - “Chi phí khi thực hiện mô hình này là một triệu đồng/máy. Tuy nhiên, em cũng mong muốn có được nhà đầu tư để có thể được nhân rộng mô hình này. Nếu được đầu tư, trước hết em sẽ đặt chiếc máy này trước cổng trường (nơi Tường đang học) khi mỗi bạn đạp lên bàn đạp thì sẽ cho 1,2W điện năng, với 600 bạn (tổng số học sinh toàn Tường) sẽ cho 7.200W điện năng/ngày” - em Tường nói.