Học sinh lớp 7 chế tạo thang nâng nhiều tiện ích
Mô hình này đã giành giải Nhì trong Cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 9, đồng thời được nhận giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ 4 năm 2013.
Đinh Tiến Anh và Hoàng Minh Đức cho biết, sau nhiều lần quan sát người lớn trong gia đình sửa đường dây điện, thay bóng đèn điện ở trên cao, các em thấy vị trí cần sửa, thay bóng đèn, đường dây điện ở xa tường, không có điểm tựa nên không thể dùng thang mà phải kê bàn ghế, hoặc sử dụng giàn giáo để làm gây nhiều khó khăn, thậm chí dễ dẫn đến tai nạn.
Trên đường đi học, các em cũng để ý thấy các chú thợ điện khi sửa chữa trên các cột điện cao phải sử dụng xe tải cẩu lắp giỏ nâng người lên. Tuy nhiên, cách làm này chỉ vận dụng được ở những nơi có địa hình rộng, còn đối với không gian hẹp thì xe không thể vào tới nơi.
Từ những suy nghĩ đó, các em đã nảy ra ý tưởng làm chiếc thang nâng theo chiều thẳng đứng, thiết kế gọn, có thể điều chỉnh độ cao và nhất là không phụ thuộc vào không gian xung quanh, dùng để lắp đặt, sửa chữa các thiết bị điện, trang trí nội thất ở trên cao.
Quá trình thực hiện ý tưởng của mình, Đinh Tiến Anh và Hoàng Minh Đức gặp nhiều khó khăn do một số vật liệu không có sẵn, mô hình có thiết kế phức tạp, nhiều chi tiết nhỏ nên việc lắp đặt dễ bị nhầm, phải tháo ra lắp lại nhiều lần…
Mất hơn ba tháng tranh thủ ngày nghỉ để nghiên cứu, phác thảo mô hình và miệt mài thực hiện, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của gia đình, thầy cô giáo trong trường, các em đã hoàn thành được sản phẩm.
Sản phẩm có phần đế bằng gỗ để giữ phần thân cố định của thang đứng mà không cần dựa vào các vật xung quanh, phần đế này được gắn bốn bánh xe thuận tiện cho việc di chuyển.
Phần thân thang cố định có kết cấu bằng nhôm, dọc hai bên có rãnh để phần thân thang di động trượt lên, trượt xuống. Số lượng các thân di động nhiều hay ít tùy thuộc vào độ cao của thang.
Ở mỗi đầu thân thang di động được gắn một bánh xe ròng rọc luồn vào một sợi dây, mỗi đầu dây gắn cố định với một bên của các thân thang theo vòng tròn khép kín.
Phần sàn để người thợ đứng thao tác gắn với phần thân di động trên cùng của thang, có rào chắn xung quanh đảm bảo an toàn.
Hệ thống vận hành sử dụng động cơ 12V kết nối với một trục vít xoay, có gắn một tay bấm điều khiển.
Thang nâng đưa người làm việc trên cao hoạt động theo nguyên lý trục vít và tính thuận nghịch của bánh xe ròng rọc. Khi nâng, ấn và giữ nút ON, động cơ sẽ quay ngược chiều kim đồng hồ chuyển động đến trục vít quay, đẩy các thân thang di động lên đến vị trí cần làm việc.
Khi hạ, ấn và giữ nút OFF, động cơ sẽ quay theo chiều ngược lại, trục vít hạ kéo các thân thang di động đi xuống.
Chiếc thang này thuận tiện khi làm việc trong nhà hoặc ngoài trời, nhất là có thể điều chỉnh nhanh độ cao và sử dụng cho các vị trí hẹp mà các thiết bị như giàn giáo, xe tải cẩu không thể vào được.
Đinh Tiến Anh và Hoàng Minh Đức tâm sự quan trọng nhất là có ý tưởng, sau đó tìm cách tạo ra sản phẩm. Khi quan sát thấy những vấn đề diễn ra xung quanh cuộc sống, cần suy nghĩ, liên hệ với thực tế ở nhiều góc độ khác nhau, tự đặt ra các giả thiết và lý giải nó theo cách của mình, những điều gì chưa hiểu có thể tham khảo ý kiến của bố mẹ, thầy cô. Việc làm này đã giúp các em khám phá được những điều thú vị và giúp ích nhiều cho quá trình học tập.
Nói về các học trò của mình, cô Lương Thị Kim Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A, Trường trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Ninh Bình tự hào: Đinh Tiến Anh và Hoàng Minh Đức không chỉ là cán bộ lớp gương mẫu, luôn đạt kết quả học tập loại giỏi, mà còn tham gia nhiệt tình các phong trào của lớp, của trường, say mê nghiên cứu, tạo ra sản phẩm khoa học có tính sáng tạo giành được giải thưởng cao, trở thành tấm gương cho các bạn học tập, noi theo.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình Đinh Quốc Luật đánh giá: Trong gần 600 sản phẩm tham gia Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình năm 2013, mô hình Thang nâng đưa người làm việc trên cao có ý tưởng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế cao, thể hiện tính không giới hạn của tư duy, đồng thời gợi ý những phương án kỹ thuật mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.