Học hàm, học vị: Sản phẩm giả?
Xét lại quá trình lịch sử, chúng ta thấy việc để có hàng loạt sản phẩm loại hai, thiếu chất lượng, thiếu thực chất như hiện nay, đều có nguyên nhân của nó, trong đó có việc xét duyệt chức danh một cách dễ dãi mà chúng ta đã từng thực hiện. Đó là vào quãng những năm 80. Từ chỗ để làm được phó tiến sĩ, người ta phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp như có bằng ngoại ngữ, chính trị, thậm chí xét cả lý lịch… thì thời điểm đó, những thủ tục này dường như bị bỏ qua. Thay vì phải có bằng tiến sĩ khoa học mới được phong giáo sư thì chỉ cần có bằng phó tiến sĩ là được. Thậm chí, đã từng xuất hiện một loại “văn bằng”: giấy chứng nhận tương đương phó tiến sĩ. Phức tạp xuất pháp ở chỗ cá biệt có những người giỏi nhưng không có bằng cấp đã được phong chức danh khoa học, kéo theo hàng trăm người khác ăn theo, được phong chức danh không cần bằng cấp. Dần dần đi đến chỗ phong bừa bãi.
Thế là sau khi “đầy đủ” thâm niên, lý lịch, công trình…, các tân giáo sư lại phải bổ sung cho mình giấy tương đương phó tiến sĩ. Một cảnh chạy chợ đã diễn ra cấp tập trước ngày phong chức danh. Có những giáo sư một ngày ngồi dăm bảy hội đồng. Có người ngày ngồi hơn chục hội đồng, tối cũng phải làm việc. Nhưng tất cả chỉ là hình thức, người ta bỏ phiếu “thuận”, vì đâu là bạn bè của mình. Hãn hữu có một số trường hợp bị từ chối, ứng viên vẫn cứ được “phong”, còn người phản bác thì bị mang tiếng. Không có không khí của đánh giá khoa học: phản biện, đọc nhận xét… Sự cả nể nằm trong chính sách mà những nhà khoa học thời đó khó có thể có sự lựa chọn nào khác.
Đáng bàn nữa là phần lớn các nhà khoa học dùng chức danh không phải để làm nghiên cứu mà dùng để tiến thân. Theo số liệu thống kê, chỉ có 30% người làm khoa học thực sự làm khoa học, còn lại 70% làm quản lý. Rõ ràng, chúng ta đang đào tạo làm quan chứ không phải để phục vụ cuộc sống.
Bên cạnh đó, sự đãi ngộ và đánh giá của nhà nước đối với các chức danh khoa học là không hợp lý, có sự cào bằng. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính vì sự đãi ngộ không xứng đáng nên yêu cầu đối với giới khoa học cũng không cao, nếu không nói là quá thấp.
Để giải quyết tình trạng này cần một giải pháp tổng thể và không nên tách rời vấn đề giáo dục và khoa học. Chúng ta hiện rất sai lầm khi bỏ học vị TSKH, bỏ một nấc thang học vị rất thực chất mà nhiều nước vẫn đang sử dụng. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng cá mè một lứa trong giới khoa học, nên đặt ra những tiêu chuẩn nhất định như phải có những công trình, sáng chế, có tác dụng tích cực cho xã hội sau một thời gian nhận bằng tiến sĩ.
Trong ngành y-sinh học, 30 năm qua, số lượng bài báo khoa học do các nhà nghiên cứu từ Việt Nam công bố trên tập san khoa học quốc tế chỉ trên dưới 300 bài, trong khi đó Thái Lan có hơn 5210 bài, Malaixia hơn 2100 bài.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 104 (1822), 30/12/2005, tr 5