Hoàng Ngọc Trung: Trong khó khăn phải thấy được cơ hội
Xin anh cho biết đôi nét về bản thân và ý tưởng cho ra đời Giải pháp học và thi trực tuyến?
Trước đây tôi học Khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1999, khi Học viện Aptech (Ấn Độ) mở chi nhánh tại Việt Nam , tôi đã theo học đồng thời ở đó. Năm 2002, khi vừa ra trường, Học viện NIIT của ấn Độ cũng vừa mở chi nhánh ở Việt Nam, tôi thi tuyển vào đó và đã được nhận làm giảng viên cho Trung tâm này. Trong quá trình giảng dạy ở đây, tôi đã xin được nhiều học bổng cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa và sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Các em sinh viên khi nhận được học bổng này đã có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao kiến thức, đạt được kết quả tốt trong học tập và thành công trong công việc sau khi ra trường.
Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy chúng ta còn thiếu sự kết nối giữa đào tạo với nghiên cứu - triển khai, mối liên kết đào tạo với nước ngoài cũng hạn chế. Điều này đã được nhận thức rõ nhưng hầu như chưa được giải quyết một cách thoả đáng. AI Việt Nam góp phần giải quyết vấn đề này.
Một trong những hoạt động đầu tiên của AI là viết những tin về công nghệ mới trên thế giới trong lĩnh vực CNTT và gửi qua e -mail cho các em sinh viên đang theo học CNTT ở 19 trường đại học, cao đẳng có đào tạo CNTT, từ đó sinh viên biết đến AI rất nhiều. Chúng tôi bắt đầu mở Trung tâm đào tạo với các chương trình ngắn hạn. Các chương trình này đảm bảo đáp ứng đầu ra nhanh chóng, phù hợp cho các doanh nghiệp phần mềm. Quan điểm đào tạo của chúng tôi là vừa đào tạo cập nhật những công nghệ mới, vừa cho sinh viên tham gia các dự án mà chúng tôi ký kết được với các doanh nghiệp. Khi tốt nghiệp, chúng tôi giới thiệu các em đến thực tập tại doanh nghiệp, sau đó, sinh viên có thể được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Với mô hình như vậy, AI đã thu hút được đông đảo sinh viên. Điều này chứng tỏ nhu cầu của sinh viên trong việc cập nhật thông tin mới và tham gia dự án là rất lớn (năm ngoái, chúng tôi đã đào tạo được hơn 1.000 lượt sinh viên tham gia học tập tại AI). Chúng tôi nhận thấy, nhu cầu học tập lớn đồng nghĩa với việc ngày càng phải mở rộng cơ sở vật chất cho đào tạo. Vậy tại sao mình không thiết kế một chương trình học tập trực tuyến. Xuất phát từ nhu cầu và ý tưởng như vậy, Giải pháp học trực tuyến và thi trực tuyến của chúng tôi đã ra đời.
Anh có thể giới thiệu chi tiết hơn về giải pháp này?
Vấn đề lớn của nền giáo dục nước ta hiện nay là cần phải nâng cao chất lượng, nó cũng là yêu cầu tất yếu trong quá trình thu hút đầu tư từ nước ngoài. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư đã, đang và sẽ có ý định đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT nhưng nguồn nhân lực của chúng ta, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được. Cơ hội thì rất nhiều, vấn đề là chúng ta cần có hệ thống đào tạo tốt để chớp lấy những cơ hội đó. Để góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi cho ra đời giải pháp học và thi trực tuyến đối với học sinh THPT. Bên cạnh đó, sinh viên CNTT rất mong muốn được đi làm nhưng vì chưa ra trường, họ không có bằng để đi xin việc. Chính vì vậy, việc thi sát hạch đối với sinh viên CNTT trở nên cần thiết, và họ có thể chứng minh cho doanh nghiệp thấy qua giải pháp của chúng tôi mà không phải thi những chứng chỉ quốc tế khá tốn kém. Hiện nay AI đang hợp tác với Trung tâm VITEC (thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc) để thực hiện chương trình này. AI sẽ xây dựng hệ thống, còn VITEC sẽ kiểm định nội dung, hai bên cùng nhau phối hợp với mong muốn là xây dựng được một hệ thống sát hạch triển khai trên cả nước nhằm làm cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp.
Hệ thống học trực tuyến được rất nhiều nơi làm, trên thế giới ước tính hệ thống này đã đem lại doanh thu cho các nhà đầu tư khoảng 38 tỷ Euro; ở Việt Nam cũng có nhiều trường đại học đã tiến hành phát triển phần mềm học trực tuyến. Tuy nhiên, điều khó khăn là những hệ thống đó còn chưa đảm bảo tính hệ thống, chưa phù hợp với điều kiện học ở Việt Nam ; mặt khác, những hệ thống này thường chú ý phát triển phần mềm hơn là nội dung bài học. Một phần mềm dù có hay đến mấy nhưng nội dung bài học nghèo nàn thì khó mà thu hút được người học, phần mềm đó cũng chỉ giống như một bản demo (bản nháp, chưa chính thức) mà thôi. Với giải pháp học trực tuyến của AI, chúng tôi kết hợp nội dung với hình thức. Với nội dung, chúng tôi mời các chuyên gia thiết kế sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam . Nhiều trường đại học cũng thiết kế hệ thống học trực tuyến nhưng không vì mục đích kinh doanh, chính vì vậy, họ không có kinh phí để đầu tư ngược trở lại nhằm tiếp tục phát triển hệ thống - đó cũng là một vấn đề quan trọng liên quan đến đào tạo trực tuyến. Nội dung của chương trình học THPT hàng chục năm mới thay đổi một lần, giữa các vùng miền khác nhau, đầu tư cho giáo dục cũng khác nhau. Thông thường thì ở các thành phố mới có các thầy/cô giỏi. Vậy làm thế nào để các em học sinh ở các nơi có thể được tiếp cận với những thầy/cô giỏi như các em học sinh ở thành phố? Khi xây dựng hệ thống này, chúng tôi mong muốn sẽ có một cộng đồng lớn được tiếp cận với hệ thống giáo dục tốt ở mức có thể.
Những khó khăn gặp phải khi triển khai hệ thống học và thi trực tuyến? và anh có mong muốn gì trong vấn đề này?
Đào tạo nói chung và đào tạo CNTT nói riêng là một vấn đề lớn, nó không chỉ khó đối với cấp quản lý vĩ mô mà còn với cả các trường, doanh nghiệp đào tạo về CNTT. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội cho những bạn trẻ có ý tưởng và dám triển khai thực hiện ý tưởng. Hệ thống học trực tuyến của chúng tôi mang cả ý nghĩa nhân văn và kinh tế. Nhân văn là ở chỗ, chúng tôi hướng đến đông đảo cộng đồng với một chương trình miễn phí hoặc mức phí rất rẻ (100.000 đồng /năm sử dụng); kinh tế là ở chỗ, chúng tôi chỉ xây dựng hệ thống một lần (tất nhiên có cập nhật), nhưng chúng tôi sẽ bán được cho hàng triệu học sinh /sinh viên. Khi triển khai hệ thống này, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là làm thế nào để doanh nghiệp, học sinh /sinh viên có thể tin tưởng vào mình? Để khắc phục những khó khăn này, chúng tôi không có cách nào khác là thiết kế một chương trình đào tạo hoàn hảo nhất và tăng cường khả năng tiếp thị. Đến nay, chúng tôi đã được nhiều học sinh /sinh viên biết đến, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã công nhận AI là một đơn vị đào tạo tốt về CNTT. Sự thành công bước đầu của chúng tôi cũng không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực của VITEC và một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Giải pháp học và thi trực tuyến đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2007 và chúng tôi mong muốn sản phẩm của mình tiếp tục được ứng dụng trên toàn quốc. Muốn vậy, chúng tôi rất cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ /ngành trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, từ máy móc, trang thiết bị đến đường truyền; trong việc thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục giỏi tham gia biên soạn giáo trình, giảng dạy... Hiện nay, AI đang được Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp (HBI) thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc hỗ trợ về cơ sở vật chất trên Khu công nghệ cao này; các dự án kinh doanh để phòng ngừa rủi ro, tìm nguồn đầu tư.
Có thể nói, trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi quan niệm rằng, với sức trẻ thì trong khó khăn cần phải thấy được cơ hội. ước mơ, hoài bão, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng đương đầu với thách thức sẽ là những phẩm chất để biến cơ hội thành hiện thực. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự hỗ trợ hơn nữa của các bộ /ngành có liên quan, với hoài bão và sức trẻ, những dự định của chúng tôi sẽ sớm trở thành hiện thực.
Xin cảm ơn và chúc những dự định của anh sớm trở thành hiện thực.
Nguồn: T/c Hoạt động khoa học, 1/2008