Hồ Chí Minh người khởi xướng sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, dân giàu nước mạnh
Tư duy kinh tế xuất hiện ở Hồ Chí Minh từ rất sớm. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, trong bài viết Gửi thanh niên An Nam, Người đã ca ngợi “Nhật Bản đứng vào hàng đầu các cường quốc thế giới”; còn những sinh viên - công nhân Trung Quốc thì lại không có mục đích nào khác hơn là nhằm thực sự chấn hưng nền kinh tế của nước nhà theo châm ngôn: “Sinh sống bằng lao động của bản thân và vừa học hỏi vừa lao động”. Người đã phát hiện ra ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như: hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la; chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức.
Trong quá trình tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đồng thời quan tâm tới sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh. Trong hệ thống quan điểm về Đường kách mệnh được truyền vào Việt Nam từ giữa những năm 20, Hồ Chí Minh đã nhắc lại nguyên lý “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” trong kho tàng lý luận của dân tộc, để đến khi Đảng ta ra đời, Người đã ghi vào Cương lĩnh đầu tiên cùng với phương diện xã hội, phương diện chính trị là phương diện kinh tế, tập trung mở mang công nghiệp và thương nghiệp, chia ruộng đất và miễn thuế cho dân cày nghèo. Trong quá trình vận động giành quyền độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã phác thảo bức tranh xóa đói, giảm nghèo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đánh đuổi được bọn đế quốc. Trong Chương trình Việt Minh năm 1941, Người xác định phải làm cho nền kinh tế quốc dân chóng phát đạt, làm cho nông nghiệp phồn thịnh; làm cho nông dân có ruộng cày, công nhân có tiền lương tối thiểu, được cứu tế thất nghiệp và xã hội bảo hiểm; học trò nghèo được giúp đỡ;... Trong Mười chính sách của Việt Minh có đoạn:
Nông dân có ruộng, có bò,
Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.
Công nhân làm lụng gian nan,
Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ.
Gặp khi tai nạn bất ngờ,
Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho.
Thương nhân buôn nhỏ, bán to,
Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ quyền
Nào là những kẻ chức viên,
Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng...
Một ngày sau Lễ độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách trong đó chứa đựng nguyên lý xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh. Người nêu nhiệm vụ số một là chống đói cho dân bằng cách tăng gia sản xuất, lạc quyên, tiết kiệm gạo phát cho người nghèo. Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo trong tư tưởng Hồ Chí Minh gồm cả biện pháp từ Chính phủ, cả sự nỗ lực, tự lực cánh sinh, tự lực tự cường của mỗi người dân và sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào theo tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Trong những tháng ngày bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh, bằng sự trải nghiệm của cuộc đời, sự hiểu biết con người và nhân dân hơn ai hết, Người ý thức rõ ràng công việc này không dễ, không thể một sớm một chiều, không thể nói suông vì hơn hai triệu đồng bào chết đói là do chính sách độc ác của bọn Nhật, Pháp. Bây giờ chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải làm cho đồng bào sống, có sống mới làm được cách mạng, “có thực mới vực được đạo”. Người hiểu rõ hơn ai hết “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời), “dĩ thực vi tiên” (trước cần phải ăn), và “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Sau khi giành được quyền độc lập, với tinh thần Chính phủ là công bộc của dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ Chính phủ phải nhằm vào mục đích giữ nền độc lập, mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người, làm cho dân mạnh nước giàu. Muốn thực hiện được mục đích đó, phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Hồ Chí Minh đã đầu tư trí tuệ, công sức xây dựng cả một lộ trình xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm cho dân giàu, nước mạnh theo hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ. Trí tuệ được hiểu ở đây không chỉ đơn giản là trí tuệ của một nhà cách mạng chuyên nghiệp mà là trí tuệ của một nhà nhân văn lớn, mang hơi thở thời đại, một tầm nhìn thấu suốt đạt tới hạnh phúc của con người. Hồ Chí Minh đã vượt qua và chiến thắng tất cả các trở lực của một tư duy hạn hẹp, cứng nhắc, máy móc về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, về vô sản và tư sản, về công, nông và thương gia, về lựa chọn, trọng dụng người tài, về đảng viên và người ngoài Đảng v.v... Có lẽ chỉ có Hồ Chí Minh, nhà cách mạng vô sản, học trò trung thành của Mác, Lênin, trong hoàn cảnh đất nước chưa giành được chính quyền, lại chọn ngôi nhà của một gia đình buôn bán vào loại giàu có nhất nhì ở Hà Nội làm nơi ở, nơi làm việc và viết Tuyên ngôn độc lập. Người xem việc kiến thiết kinh tế khó khăn hơn việc đánh giặc, vì vậy phải huy động sức lực, trí tuệ, của cải toàn dân tộc; tìm người tài đức trong Đảng ngoài Đảng, trong nước ngoài nước, trong chế độ mới và dưới chế độ cũ. Quan điểm dùng người tài của Hồ Chí Minh vào việc kiến thiết đất nước là cả một bản lĩnh, tầm trí tuệ, nhân văn và tinh thần phụ trách trước dân tộc. Người dặn: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được” 2.
Cũng chỉ có Hồ Chí Minh, nhà cách mạng chuyên nghiệp, sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn một tháng đã có Thư gửi các giới công thương Việt Nam, mà ngày nay Đảng, Nhà nước ta lấy ngày đó làm Ngày doanh nhân Việt Nam (ngày 13-10-1945). Một điều đặc biệt trong thư này là Hồ Chí Minh đã ca ngợi tinh thần đoàn kết của giới công thương và gắn nhiệm vụ của giới công thương với các giới khác; gắn sự phát triển của nền kinh tế quốc dân với sự giàu có, thịnh vượng của các nhà công thương và khẳng định vai trò của công thương vào việc làm ích quốc lợi dân. Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này.
Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” 3.
Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh một mặt nêu gương trước đồng bào những việc liên quan tới xóa đói giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh như tận tâm giúp giới Công - Thương, thực hành tiết kiệm, tự tay cuốc đất tăng gia sản xuất,... Nhưng điều quan trọng hơn là Người đã từng bước tìm ra con đường và biện pháp xóa đói, giảm nghèo, thực hiện dân giàu, nước mạnh. Hơn bốn tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến quốc. Tinh thần chủ đạo của cuộc họp là “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”4. Và Người nhấn mạnh nhiệm vụ phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành.
Trong khoảng hơn một năm sau khi nước nhà độc lập đến khi bước vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh liên quan tới công việc xóa đói, giảm nghèo như: Sắc lệnh về tổ chức các cuộc lạc quyên (5-4-1946); Sắc lệnh về việc lưu hành các loại giấy bạc (5-4-1946); Sắc lệnh phát hành các loại tín phiếu có giá trị như giấy bạc Việt Nam (18-7-1947), v.v... Trong một bài viết có tựa đề Động viên kinh tế đăng báo Cứu quốc, ngày 13-12-1946, Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa của công việc này là để người có sức giúp sức, có tiền giúp tiền, có của giúp của, tức là tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến và để kiến quốc; đồng thời những việc tiêu xài vô ích phải cố gắng tinh giảm. Mục đích của động viên kinh tế là làm cho nước giàu, dân mạnh. Hồ Chí Minh đã vạch ra kế hoạch, Chính phủ và tư nhân đều bỏ vốn ra mở mang ở vùng xa thành thị mà những nghề như: làm ruộng, nghề tiểu công nghệ, nghề làm mỏ. Phương pháp tiến hành động viên kinh tế thì phải động viên lao động, động viên công nghệ, động viên nông nghiệp, động viên tài chính, tiết kiệm,...
Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới một tầm nhìn và biện pháp của Hồ Chí Minh trong thực hiện kế sách xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh là cùng với xây thì phải có một tinh thần cách mạng, kiên quyết, triệt để trong việc chống những tiêu cực như: tiêu xài vô ích, tham ô, nhũng lạm, lãng phí. Ngay từ ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những cái xấu xa do chế độ cũ để lại và yêu cầu phải giáo dục nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách. Người viết: “Chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”(5). Thái độ của Hồ Chí Minh là thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công; phải kiên quyết quét sạch tệ tham ô, nhũng lạm. Người đã ký Sắc lệnh 223, ngày 27-11-1946, ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng. Và một trong mười điều phạt thì “trộm cắp của công sẽ bị xử tử”.
Trong tư duy về kế sách xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, Hồ Chí Minh không chỉ gói lại trong chính sách đối nội, tạo nội lực, mà Người có cả một tầm nhìn về chính sách đối ngoại, thu hút ngoại lực bằng chủ động, tích cực hội nhập, khai thác kinh tế quốc tế. Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc năm 1946, Hồ Chí Minh đã công khai tuyên bố chính sách đối ngoại với các nguyên tắc “Sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ”. Cụ thể, Việt Nam giành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các hải cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc,...
Tóm lại, Hồ Chí Minh có một tư duy sớm về xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh. Song song với việc hoạch định đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, Hồ Chí Minh đồng thời vạch con đường phát triển kinh tế ở Việt Nam với ý nghĩa là nhân tố quan trọng nhất để xóa đói, giảm nghèo, thực hiện dân giàu, nước mạnh. Tư duy khởi xướng, đột phá của Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh xuất hiện từ những năm hai mươi và định hình khá rõ nét trong những năm 1945-1946, được tiếp tục phát triển, hoàn thiện ở các giai đoạn sau, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trở lại với lịch sử Việt Nam, nói tới dân tộc Việt Nam là nói tới đạo lý làm người, nói tới một dân tộc sống có tình có nghĩa, có thủy có chung, có nhân có đức, “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; là nói tới truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... Tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo là một thái độ văn hóa, một cách ứng xử nhân văn trên nền truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhưng lại soi sáng dân tộc trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Học và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, để xóa đói giảm nghèo, Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách và các biện pháp hữu hiệu giúp nhân dân trong lao động sản xuất, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống. Nhân dân thì giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những lúc hoạn nạn do thiên tai, bão lụt gây ra. Giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã và đang trở thành cuộc vận động lớn, có ý nghĩa xã hội hóa cao, trong đó vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân là hết sức quan trọng. Đây thật sự là cuộc vận động văn hóa có ý nghĩa cách mạng rộng lớn và sâu xa mà nền tảng, gốc rễ là tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh. Vì vậy, ngày nay, tuy thế giới và Việt Nam đã có nhiều đổi thay nhưng di sản Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1995, t.4, tr.22, 36.
(2) Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.39.
(3) Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.49.
(4) Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.152.
(5) Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.8-9.
Nguồn: Thông tin KH&CN Nghệ An, 5/2010