Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 18/05/2005 17:46 (GMT+7)

Hipocrates, ông tổ nghề y

Từ nhỏ, như đã hiểu được nỗi mong mỏi của cha mẹ, Hipocrates rất thích quẩn quanh cha mẹ khi họ chẩn trị bệnh cho những người bệnh. Thứ đồ chơi cậu bé Hipocrates thích nhất là chiếc túi thuốc xinh xinh cha tặng cho, trong đó có ống nghe, những chai lọ đựng thuốc... Cậu thường biến cha mẹ thành “người bệnh” để nghe nghe, khám khám, cho thuốc..., tựa như một thầy thuốc tí hon vậy.


Lớn lên hơn một chút, Hipocrates đã theo cha đi chẩn bệnh trong khắp thành Athens. Hipocrates rất ham học hỏi. Cậu chăm chú nghe và quan sát cha lúc chẩn bệnh, trên đường trở về nhà lại hỏi han cha về bệnh tình của người bệnh và vì sao cha dùng các thứ thuốc ấy đễ chữa trị. Cậu vui lắm mỗi lần thấy người bệnh khỏe lại nhờ chẩn trị của cha mình và thầm hứa sẽ suốt đời theo đuổi nghề y để giải thoát nỗi thống khổ bởi bệnh tật cho con người.


Ở Hy Lạp thời đó, y thuật cũng đã có khá sớm, nhưng thời đó vẫn bị cầm cố trong sự mê tín của tôn giáo và pháp thuật phù thủy. Mọi người còn cho rằng bệnh tật là sự quở trách của thần linh, cho nên bị bệnh thì phải mau chóng kêu cầu thần linh khoan dung, thu lại sự quở trách ấy(!). Những người được mệnh danh là “thầy thuốc” lúc đó đa phần là bọn phù thủy, tăng lữ, đạo sĩ, chữa bệnh bằng cách niệm chú, cho uống nước thánh, cầu khẩn... thì làm sao mà người bệnh thoát chết!


Hipocrates học được nhiều từ cách chữa trị, chẩn trị bệnh của cha, lại thấy được sự ngu dốt của bọn phù thủy, tăng lữ trong chữa bệnh, thế là lên đường ngao du tới khắp nơi suốt dải biển Đen, sang tận Bắc Phi để tìm học ở các thầy thuốc nổi tiếng, làm phong phú tri thức y học của mình. Ông đã “tầm sư học y” như vậy suốt 10 năm, từ năm 445 trước Công nguyên tới năm 435 trước Công nguyên, sau đó vừa chữa bệnh cho người bệnh, vừa nghiên cứu, tìm tòi về y học. Ông rất chú ý nghiên cứu những đặc trưng ở cơ thể người, nghiền ngẫm phát hiện những nguyên nhân gây bệnh, đề ra được những tư tưởng rất mới mẻ trong phòng chống bệnh tật cho con người.


Hipocrates đã sớm tìm ra căn nguyên bệnh động kinh là do sự hỗn loạn tạm thời chức năng của đại não; tên gọi loại bệnh này là do ông đặt ra, vẫn được sử dụng mãi tới ngày nay. Ông cũng là người tìm ra cách nắn chỉnh căng kéo để chữa gãy xương, mà sau này được gọi là “phương pháp nắn chỉnh Hipocrates”.


Hipocrates lần đầu tiên nêu ra tư tưởng: Những nhân tố bên ngoài như chất lượng nước, sự thay đổi mùa vụ, phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán sống... có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, không thể xem nhẹ. Người thầy thuốc, ngoài việc tận tình với chức trách chẩn trị bệnh, còn cần phối hợp xem xét môi trường sống của người bệnh. Ông cũng là người đầu tiên nêu ra khái niệm “dự phòng”: Thầy thuốc không chỉ chẩn trị bệnh cho người bệnh đang mắc phải, mà còn cần khám xét kỹ để đưa ra những dự đoán tin cậy được về xu thế phát triển bệnh tật và tình trạng phục hồi sức khỏe của người bệnh. Ông còn cho rằng, chức trách của thầy thuốc là chữa trị cho người bệnh, song còn cần quan tâm tới cả những người mạnh khỏe để họ không bị mắc bệnh.


Về phương pháp điều trị, Hipocrates cho rằng, cùng một loại bệnh thì ở mỗi người bệnh, do có khí chất khác nhau mà thể hiện ra những chứng trạng cũng khác nhau, và phải có cách điều trị khác nhau. Ông nhấn mạnh chủ trương dùng các cách để kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể người trong chiến thắng bệnh tật. Ông đề xuất thuyết thể dịch, cho rằng “cơ thể có 4 loại thể dịch là dịch gan màu đen, dịch gan màu vàng, dịch máu và dịch nhớt”, khi 4 loại thể dịch đó điều hòa thì cơ thể khỏe mạnh, còn ngược lại thì sẽ sinh bệnh.


Qua nghiên cứu lý luận và tích lũy thực tiễn trong điều trị cho người bệnh, Hipocrates có được kinh nghiệm phong phú trong y học. Ông phát hiện, con người ở khoảng tuổi 40 đến 60 là dễ bị đột quỵ nhất: khi phát sinh vàng da (hoàng đảm) và gan cứng thì tất nguy; người bệnh trước khi chết thì móng tay xám đen lại, môi tím, tai lạnh và co lại, mắt lờ đờ... Miêu tả diện mạo người bệnh sắp chết của ông, được người hậu thế gọi là “vẻ mặt Hipocrates”.


Những phát hiện của Hipocrates trong khi loài người chưa có khoa học giải phẫu, chưa có kính hiển vi, chưa có những ngành hóa học, vi sinh vật... cho thấy sức khám phá, tìm tòi vô cùng nhạy bén, tài tình của ông. Những phát hiện và ứng dụng những phát hiện ấy trong chữa trị bệnh của ông đã giúp mọi người không còn quá sợ hãi với bệnh tật, khiến y học từng bước thoát li khỏi sự ràng buộc của tôn giáo mê muội, khiến y học tách ra khỏi triết học, trở thành một môn khoa học độc lập. Bởi thế, giới y học thế giới tôn vinh ông là “ông tổ của nghề y”.


Hipocrates còn là một mẫu mực sáng chói về y đức. Trước thực tế trong xã hội thời đó có không ít những kẻ mang danh thầy thuốc tìm mọi cách trục lợi, bất chấp hiểm nguy của người bệnh, ông đã soạn thảo ra quy phạm về đạo đức người thầy thuốc phải tuân thủ, mà sau đó trở thành văn bản mang tên “ Lời thề Hipocrates” nổi tiếng, khôgn chỉ là quy tắc cho các thầy thuốc ở các nước phương Tây, đồng thời còn là cơ sở của quy tắc đạo đức y vụ quốc tế do Hiệp hội y học thế giới chế định ra.


Chính Hipocrates là người thực hiện suốt đời “Lời thề Hipocrates” đó, chỉ xin nêu vài việc: Vào năm 431 trước Công nguyên, toàn thành Athens bị ngập trong một nạn dịch. Người trúng dịch thoạt đầu bị sốt cao, mắt đỏ ngầu, rồi họng xám đen lại, miệng rất hôi, tai ù, tâm thần thảng thốt, và thường chỉ trong vòng 8 ngày là chết! Số người bị chết dịch rất nhiều, gây chấn động toàn thành. Dân chúng lũ lượt bỏ Athens ra đi để mong thoát nhiễm dịch... Khi đó, Hipocrates làm ngự y cho một quốc vương ở phía Bắc Hy Lạp. Sau khi biết tin về nạn dịch, ông đã xin từ chức ngự y, tức tốc trở về Athens để vừa chữa trị cho người bệnh, vừa tìm ra căn nguyên và cách phòng dịch, chẳng quản ngại là chính mình cũng có thể bị nhiễm dịch. Cuối cùng thì ông phát hiện ra một gia đình thợ rèn không ai bị nhiễm dịch, từ đó hiểu ra là lửa có thể là cách đề phòng nạn dịch này, bèn kiến nghị cho đốt những đống lửa khắp nơi trong thành Athens để dập nạn dịch. Sau thành công này của ông, mọi người bàn tán rằng trong ông có “sức mạnh của thần linh” khiến ông mới có thể cứu được bao người chỉ còn sống ngắc ngoải, thì ông đáp rằng:


- Tôi không phải là thần, cũng chẳng có thần lực gì đâu! Tôi chỉ tận tụy làm chức trách của một hầy thuốc. Yêu cầu các thầy thuốc tuân theo quy phạm y đức thì tôi phải đầu tiên thực hiện – lương tâm và chức trách phải quyện làm một ở người thầy thuốc.


Hipocrates từ khi lập chí theo nghề y, đã suốt đời sống một cuộc sống tận tụy, vất vả vì người bệnh, vì y học. Ông không có lấy một nhà ở cố định, mà đâu cần là ông tới và nơi đó là nhà của ông. Sau khi cha mẹ qua đời, ông không có lấy một người họ hàng, thân thuộc, nhưng ông xem mỗi người bệnh đều là người thân của ông.


Bao nhiêu năm bươn trải, bôn ba vì nghề, làm nghề, trong sự chống đối của những thế lực tôn giáo mù quáng thời đó (chúng gọi ông là “kẻ phản nghịch đáng sợ”, tìm cách chia rẽ bằng được ông với người thiếu nữ mà ông vừa đính hôn...). Ông gầy guộc, khắc khổ, trong người chồng chất bao bệnh tật. Ông qua đời vì kiệt sức, sau khi đã thức suốt hai đêm ròng để cứu sống một sản phụ, khi vừa tròn 63 tuổi (mùa đông năm 397 trước Công nguyên).


Cả dân thành Athens bàng hoàng, đau xót trước cái chết đột ngột của người thầy thuốc yêu quí của họ: Hipocrates. Ngày đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng là một ngày đông rất lạnh giá, song hàng ngũ những người đưa tang cứ dài, dài mãi với bao dòng nước mắt tiếc thương và biết ơn ông... Người đời sẽ mãi nhớ câu danh ngôn ông thường nói lúc sinh thời: “Đời người ngắn ngủi, còn khoa học mới trường tồn”.

Nguồn: Khoa học & Tổ quốc, số 10-2004

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.
Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.