Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 03/04/2020 20:27 (GMT+7)

Hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhiều năm qua, hoạt động này luôn được Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng là thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả.

 PGS-TS. Lưu Đức Hải  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (ảnh st)

tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền; là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra. Đồng thời, xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan và không vì mục đích lợi nhuận.
Theo PGS-TS. Lưu Đức Hải  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết, thời kỳ Viện mới thành lập (1999-2010), các văn bản pháp quy về lĩnh vực Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng còn chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, do đó các Nghiên cứu khoa học - Tư vấn - Phản biện, giám định xã hội do Viện thực hiện cũng chưa bao quát được nhiều về các lĩnh vực (chẳng hạn như giao thông đô thị, ngập lụt đô thị, chất thải rắn đô thị, cây xanh đô thị... còn thiếu hoặc vắng trong các sản phẩm của Viện).
Thời kỳ này có một số đề tài được nghiên cứu, đó là: “Chống khép kín trong đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước”, “Sử dụng tài nguyên đất Việt Nam với định cư nông thôn”, “Chính sách đất đô thị Việt Nam”, “Nghiên cứu đánh giá tình hình cấp thoát nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2010 và đề xuất kế hoạch phát triển năm 2020”.
Thời kỳ 2011-2019, các văn bản pháp quy tương đối đầy đủ và từng bước đồng bộ, song có sự điều chỉnh và bổ sung mới (Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Quy hoạch đô thị ban hành mới, các văn bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn ở cấp độ Nghị định, chưa được nâng lên thành luật...).
Đây cũng là thời kỳ mà nhận thức của các địa phương về đô thị và đô thị hóa ngày càng nhiều hơn, tốt hơn, đòi hỏi các sản phẩm của Viện về Nghiên cứu khoa học - Tư vấn - Phản biện, giám định xã hội cũng phải liên tục đổi mới, đáp ứng yêu cầu của của các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương, của các cơ quan liên quan...
Đô thị hóa ở Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng và phát triển cả về số lượng, tỷ lệ đô thị hóa và chất lượng sống trong đô thị. Nếu như vào năm 1990 nước ta có khoảng 500 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 17-18% dân số sống trong các đô thị thì đến 2018 nước ta đã có trên 800 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37-38%. Năm 1990 cũng là năm tổ chức Hội nghị đô thị toàn quốc lần đầu tiên, khi đó có rất ít đô thị được lập và được duyệt quy hoạch chung đô thị.
Đến nay quy hoạch đô thị đã đi trước một bước theo đúng tinh thần của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, hầu hết các đô thị nước ta đều đã có quy hoạch chung được lập, được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đó là: Chương trình phát triển đô thị theo quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng.
Nước ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 58 tỉnh (gọi chung là 63 tỉnh thành). Trong mỗi tỉnh lại có đô thị tỉnh lỵ và một số huyện trực thuộc, mỗi huyện lại có thị trấn huyện lỵ là đô thị và một số xã (khu vực nông thôn).
Việc chuyển hóa từ nông thôn thành đô thị hay từ đô thị nhỏ thành đô thị lớn hơn đều phải được thực hiện theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch được phê duyệt. Ở tất cả các địa phương vấn đề đô thị hóa, quy hoạch đô thị là nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết của Đảng bộ các cấp. Hầu hết các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về đất đai, giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, nhà ở... đều có định lượng (hoặc định tính) cần đạt được trong tương lai (gần hoặc xa) được duyệt theo quy hoạch.
PGS Hải cũng cho biết thêm, việc “điều chỉnh quy hoạch” một số đô thị ở các địa phương trong thời gian qua có hai loại hình cụ thể: Một là, điều chỉnh theo tinh thần của Luật Quy hoạch đô thị, có quy hoạch được duyệt từ năm năm trở lên có thể điều chỉnh quy hoạch chung để phù hợp hơn với phát triển thực tế và tương lai; Hai là, điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu cần thiết của đô thị bậc cao hơn.
Ngày nay đô thị chính là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thường đóng góp tới 60-70% GDP, bởi ở đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đòi hỏi cao hơn, chuyển dần từ cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo. Theo quy định đất nông nghiệp được quy hoạch là đô thị hay một phần đô thị của tương lai sẽ được quản lý như đất đô thị khi quy hoạch được phê duyệt.

Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt là nhiệm vụ quan trọng của các ngành chức năng (ảnh st)

Việc phát triển các khu đô thị mới quá sớm trên các khu đất “heo hút”, “đồng không mông quạnh” để tạo ra các quỹ nhà ở mà ở đó cung lớn hơn cầu là một trong các thí dụ điển hình về lãng phí nguồn tài chính, tài nguyên đất đô thị, không chỉ gây lãng phí cho các nhà đầu tư mà còn gây lãng phí cho những nguồn đầu tư công hoặc cho cả người dân đô thị.
Sự lãng phí có thể còn diễn ra ngay trong các khu vực đô thị cải tạo, bởi các nhà đầu tư khi lập quy hoạch chi tiết nhằm cải tạo khu vực đó có thể sẽ dẫn đến quá tải về quỹ nhà ở, về không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, quá tải về các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu mới cải tạo (điện, nước, giao thông, thoát nước, chất thải rắn, cây xanh...), từ đó dẫn tới gia tăng đầu tư công để giải quyết sự quá tải bằng dự án đầu tư cải tạo, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Việc còn thiếu các báo cáo “đánh giá tác động xã hội” là một nguyên nhân dẫn tới có thể nẩy sinh lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch.
PGS Hải tâm sự, trong những năm Viện đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế như: Đề tài “Chống khép kín trong đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2005); Đề tài “Sử dụng tài nguyên đất Việt Nam với định cư nông thôn”; Nghiên cứu cơ sở khoa học về “Chính sách đất đô thị Việt Nam” (Bộ Xây dựng, 2009); Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình hình cấp thoát nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2010 và đề xuất kế hoạch phát triển năm 2020”; Đề tài “Tổng quan lý luận và thực tiễn về chính sách đầu tư và quản lý phát triển không gian dịch vụ công cộng tại các đô thị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 2010);
Dự án “Điều tra khảo sát sự phát triển đô thị của khu vực nội thành tại một số thành phố lớn và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại” (Bộ Xây dựng, 2011-2012); Đề tài “Định hướng phát triển và quản lý kiến trúc hệ thống hồ thành phố Hà Nội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 2014-2015); Đề tài “Đổi mới hệ thống quản lý đất đai, hình thành thị trường bất động sản”; Đề tài “Nghiên cứu những thay đổi trong kiến trúc truyền thống các tộc người bản địa ở Tây Nguyên hiện nay” (Quỹ Nafosted tài trợ, 2013-2014);
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trong phạm vi chỉ giới đường đỏ phù hợp với điều kiện của Hà Nội” và “Nghiên cứu các mô hình phát triển nhà ở xã hội cho thuê thành phố Hà Nội” (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 2016-2018); Đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp bảo vệ không gian hồ trong đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” (Bộ Xây dựng 2016-2018); Đề tài “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2019-2020)...
Để phát triển vững mạnh tới ngày nay, PGS Hải cho hay, trước tiên là các hoạt động của Viện phải bám sát 3 nội dung chính: Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng. Sự kết hợp hài hòa giữa 3 nội dung đã tạo nên sự phát triển bền vững, lớn mạnh của tổ chức.
Hai là, các cán bộ của Viện tham gia trong các hoạt động đó bao gồm: Nhà khoa học (tham gia nghiên cứu khoa học) - Nhà tư vấn (tham gia các công trình tư vấn) - Nhà báo (tham gia phản biện, giám định xã hội), sẽ phối hợp với nhau trong các hoạt động của Viện. Sự kết hợp hài hòa giữa “3 nhà” ấy đã tạo nên sự phát triển bền vững về con người, của mỗi thành viên trong tổ chức Viện.
Các cán bộ của Viện qua sản phẩm được tạo ra của mỗi người, họ đã đánh giá được thực trạng của đối tượng nghiên cứu, chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, chỉ ra được nguyên nhân của sự yếu kém để từ đó đề ra được các giải pháp khoa học cho tương lai (đối với đề tài nghiên cứu khoa học); đề ra được các định hướng phát triển ngăn hạn, dài hạn và tầm nhìn tương lai (đối với sản phẩm tư vấn về quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và hạ tầng); đề ra được các hướng đi tốt, nhằm khắc phục những việc làm chưa tốt.
Tiếng nói của “3 nhà” đã chỉ ra rằng, ngay chính trong sản phẩm nghiên cứu của mỗi người, mỗi nhà, họ không chỉ nghiên cứu, mà qua các sản phẩm ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ tụt hậu, những sai lầm đã, đang và dự báo có thể xảy ra trong tương lai, và quan trọng hơn cả họ phải chỉ ra được hướng đi và những nhiệm vụ, giải pháp cần làm cho  tương lai vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài: HT

Xem Thêm

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.
Thanh Hoá: Phản biện đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Sáng ngày 15/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” (Đề án) do UBND huyện Thạch Thành phụ trách.
Thanh Hoá: Phản biện quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
Ngày 05/3/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo phản biện “Quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm 2024 - 2025” do Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa phụ trách soạn thảo.

Tin mới