Hiệp sĩ của người khuyết tật
Những ngày chưa xa
Trịnh Công Thanh trở thành tâm điểm của sự chú ý trong đêm giao lưu này bởi những việc anh đã và đang làm, bởi những nỗ lực tìm đến với khoa học công nghệ để cống hiến cho xã hội.
Năm 2001, tốt nghiệm ĐH Luật Hà Nội chuyên ngành Luật Kinh tế, Trịnh Công Thanh phát hiện mình bị ung thư xương sau những cơn đau dữ dội ở chân. Hai tuần sau khi phát hiện khối u, Thanh đã phải cắt bỏ một chân. “Lúc đó trong đầu tôi luôn lo sợ mình sẽ chết đến nơi. Bởi tôi nhìn thấy nhiều người cùng điều trị với tôi đã ra đi rất nhanh. Tôi sợ cái chết, đến lúc đó thì tôi vẫn chưa làm được gì cho các em tôi, báo hiếu bố mẹ tôi. Gác lại ước mơ trở thành luật sư, tôi bắt đầu tìm đọc sách về công nghệ thông tin vì đó là con đường đến thành công phù hợp nhất dành cho người khuyết tật.
Lúc đó phải điều trị hóa chất, sức khỏe yếu, tóc rụng hết, người gầy gò vì không ăn được gì, nhưng Thanh vẫn học, vẫn đọc để mong sau khi ra viện mình sẽ làm được một điều gì đó. Cũng từ đây, anh chính thức gia nhập đội ngũ những người khuyết tật. Đầu năm 2003, vừa rời khỏi bệnh viện, anh tham cuộc thi Ngày sáng tạodo Ngân hàng Thế giới tổ chức và lọt vào chung kết với dự án: Hà Nội cho mọi người - Du lịch không rào cản. Dự án nhằm vận động các công trình du lịch, nhà hàng, khách sạn dành lối đi riêng cho người khuyết tật. Cũng trong khoảng thời gian này, anh làm tình nguyện viên cho tổ chức Diễn đàn người khuyết tật và bắt tay xây dựng cổng thông tin trực tuyến cho người khuyết tật. Năm 2004 và 2005, anh cùng một số người bạn chung tay xây dựng chuyên trang dành cho các nạn nhân chất độc da cam, đồng thời lập ra nhóm từ thiện Ước mơ xanh Hà Nộiđể hỗ trợ trẻ em nghèo, người khuyết tật và những nạn nhân chất độc da cam.
Vinh danh ý tưởng sáng tạo
Cánh đồng sau cơn bão đã lắng xuống, nhưng dư âm của cơn bão vẫn còn. Khó khăn đã tiếp thêm sức mạnh cho anh chàng khuyết tật này một nghị lực sống, vươn lên. Tháng 4/2006, công ty TNHH du lịch Rồng Việt được thành lập bởi ông chủ Trịnh Công Thanh. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch, tổ chức sự kiện, hội thảo và đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Thành công nối tiếp thành công, phía sau đó, công việc nối tiếp công việc. Vinh danh giải nhất tại cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin 2007là phần thưởng xứng đáng dành cho anh.
Thanh Loan, người bạn thân thiết gắn bó với Trịnh Công Thanh, chung tay chia sẻ những công việc này từ khi còn là ý tưởng cho biết: Thanh luôn ấp ủ mơ ước tạo được một sân chơi cho người khuyết tật, thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về họ. Anh đã đi qua những tháng ngày đầy sóng gió bằng đam mê và quyết tâm. Thành quả đạt được duy nhất là mọi người đã nhìn nhận người khuyết tật bằng con mắt có một chúg gì đó nể phục. Thành viên của cổng thông tin nguoikhuyettat ban đầu chỉ có 10 người, đến nay đã lên tới hơn 3000 người là sự thay đổi dễ nhận thấy nhất.
Thầy Nguyễn Việt Anh (giảng viên ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng là một tấm gương của người khuyết tật, đi lên bằng nghị lực sống. “Tôi là thành viên từ những ngày đầu tiên của nguoikhuyettat.org, tôi luôn động viên Thanh làm thật tốt công việc này, vì trong cộng đồng người khuyết tật hiện nay, chưa có một diễn đàn nào để chia sẻ cũng như giúp đỡ nhau những khó khăn. Từ lâu, cổng thông tin này đã trở thành điểm đến của người khuyết tật, trong đó Thanh đóng vai trò là người “chỉ huy dàn nhạc”.
Tháng 7/2003, website người khuyết tật ra mắt phiên bản đầu tiên gồm trang tin, diễn đàn thảo luận và số góp ý. Ngày 15/10/2003, cổng thông tin chính thức đi vào hoạt động, trở thành diễn đàn thảo luận cho người khuyết tật Việt Nam. Khi điều kiện kinh tế khá hơn, Trịnh Công Thanh đã bỏ tiền túi của mình để mua và duy trì tên miền cho trang web hoạt động. |
Nguồn: Báo KH&ĐS, số 61 (1987), 20/7/2007, tr 5