Hành trình điện gió Việt Nam – thách thức và cơ hội
Ước mơ về một ngành công nghiệp điện gió
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 80, các nhà khoa học kỳ cựu của ngành điện cũng như ngành khí tượng Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu về tiềm năng gió cũng như khả năng biến sức gió thành năng lượng điện. Cũng những năm đó, các nước Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch cũng không hẹn mà cùng nghiên cứu phát triển các tuabin gió lớn có khả năng thương mại hóa, họ cũng học được từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập kỷ 70 rằng tương lai của nhân loại không thể mãi dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, trong cuộc đua về năng lượng tái tạo, chúng ta đã có một xuất phát điểm không tồi, nhưng thực tế không như câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa, trong cuộc đua điện gió, các nước nhanh hơn họ đã không hề ngừng nghỉ một giây.
Cuộc hành trình điện gió…
Nhìn ra thế giới, những năm gần đây, điện gió đã có sự phát triển vượt bậc, thể hiện bằng mức tăng trưởng cao nhất so với các nguồn năng lượng khác. Chỉ trong năm 2010, các nhà máy điện gió đã bổ sung thêm công suất điện 39 GW vào nguồn cung điện năng toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc đóng góp 18,9 GW.
Tuy quá trình phát điện gió phụ thuộc cơ bản vào nguồn gió việc biển tiềm năng lý thuyết này thành tiềm năng kỹ thuật rồi thành tiềm năng kinh tế không đơn giản cứ đặt đích đến là được mà đó là cả một cuộc hành trình.
… Từ lý thuyết đến kỹ thuật….
Việc biến gió thành điện không phải là mới, tuy nhiên để làm ra đời tuabin gió có khả năng phát điện hiệu quả thì không đơn giản. Tuabin gió hiện đại là những cỗ máy khổng lồ có trọng lượng hơn 60 tấn, sải cánh vài chục mét và được đặt ở độ cao gần 100m. Cỗ máy đó có khả năng hoạt động liên tục trong 20 năm ở những điều kiện khí hậu, môi trường khắc nghiệt. Việc chế tạo cũng như vanaj hành được những cỗ máy này đòi hỏi phải có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khí động học cũng như cơ khí chế tạo, xây dựng và dĩ nhiên là những vấn đề đặc thù về điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Gió cũng như đa số các nguồn năng lượng tái tạo khác phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, do đó muốn vận hành hiệu quả thì việc dự báo thời tiết là rất quan trọng, vì nó sẽ giúp nhà máy điện phối hợp nhịp nhàng với cơ quan truyền tải điện cũng như tối ưu hóa kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thiết bị.
… Rồi đến kinh tế
Để đảm bảo tốc tộ tăng trưởng kinh tế, nước ta vẫn chưa thể tiến ngay đến một nền năng lượng sạch hoàn toàn mà vẫn phải dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên cũng không thể quên nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài những thiệt hại do thiên tai lũ lụt, việc thải ra một năng lượng lớn khí thải sẽ để lại những gánh nặng về sức khỏe cộng đồng cho xã hội. Những rủi ro này cần được định lượng và đưa vào bài toán kinh tế của quốc gia. Có như thế việc so sánh giữa đầu tư điện gió với đầu tư cho các nguồn năng lượng khác mới trở nên toàn diện.
Thách thức và cơ hội
Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 – 6 – 2011quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió đã được sự quan tâm của Nhà nước. Tuy nhiên mức giá mua 7,8 US cents/ kWh đã được ví là “cánh cửa mở hé” cho ngành điện gió. Nói là cánh cửa mở hé vì nó chỉ hé cho các nhà sản xuất tuabin giá thấp, có sự sắp xếp tín dụng, tức là chỉ tính đến giá thành đầu tư ban đầu mà chưa tính đến những chi phí phát sinh trong cả vòng đời dự án. Đó là những rủi ro tiềm tàng có thể làm nhụt chí các chủ đầu tư.
Tuabin điện gió là những công trình khổng lồ, được cấu thành từ những bộ phận siêu trường, siêu trọng như cánh quạt, thân, tháp. Việc vận chuyển những hạng mục này đòi hỏi chi phí rất lớn. Do đó việc nội địa hóa sẽ giúp triệt tiêu lợi thế về giá của các nhà sản xuất chỉ dựa vào giá thành. Tuy nhiên điều này cần được Nhà nước cụ thể hóa bằng các ưu đãi thiết thực cho các nhà chủ đầu tư tham gia quá trình nội địa hóa cũng như các quy định về tỉ lệ nộ địa hóa của các nhà máy điện gió.
Việc phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ cho thấy bất kỳ nguồn năng lượng nào cũng chứa những rủi ro, những tuabin gió cao hàng trăm mét cũng ẩn chứa trong đó những câu hỏi về an toàn hàng không cũng như thông tin liên lạc. Những rủi ro đó cũng cần được triệt tiêu bằng những quy định cụ thể.
Những thách thức đó không thể giải quyết bằng những kỹ năng đối phó mà phải được giải quyết nghiêm túc và triệt để trên cơ sở khoa học. Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giáo dục, nghiên cứu trong lĩnh vực này. Cụ thể là việc đào tạo mộ thế hệ kỹ sư, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan đến điện gió là không thể thiếu nếu chúng ta không muốn chứng kiến những nhà máy điện gió mọc lên rồi lại hoạt động cầm chừng vì phụ thuộc vào thiết bị, chuyên gia nước ngoài.
Như ai đó đã nói “Chẳng có định mệnh nào ngoài định mệnh do chính ta tạo ra”, công nghiệp điện gió có giành được vị trí như nó xứng đáng có hay không phụ thuộc vào những quyết tâm, những chính sách mà chúng ta đang tạo ra hôm nay.