Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/06/2013 22:45 (GMT+7)

Hành trình của Trí thức Việt Nam từ Nho giáo đến Chủ nghĩa Cộng sản

>> Xã hội và văn hoá trí thức Việt Nam

Trái với nhiều định kiến một chiều, chủ nghĩa kinh nghiệm máy móc, tầng lớp trí thức xuất thân trường Tây không mất gốc hay dễ bị đồng hoá như người ta thường nói, nói nhưng không chứng minh. Trừ một số rất ít đã bị “Tây hoá” - những nhân vật được nhà văn Hồ Biểu Chánh (một người Tây học!) dựng hình và phơi bày một cách tài tình những tật xấu - phần đông học sinh các trường Tây đã biết dung hoà hai nền giáo dục thực ra có nhiều điểm tương đồng hơn là dị biệt: nền tảng duy lý, thế tục và tinh thần hiếu học, trọng văn. Trong khi so sánh tác phong con người, nếp suy nghĩ, động cơ lựa chọn gia nhập đoàn thể, đảng phái, phong trào – “dấn thân hành đạo” của người quân tử - ta không thấy sự khác biệt căn bản giữa thế hệ Nho học và thế hệ Tây học ngoài chế độ chính trị, cơ chế nhà trường, nghề nghiệp và môi trường kinh tế.

Dẫn vào phương pháp nghiên cứu xã hội học lịch sử

Lịch sử xã hội những trí thức Tây học trở thành những người “bạn đồng hành” (5)của Đảng Cộng sản Việt Nam (quyển 3) áp dụng quan niệm theo đó muốn tìm hiểu và giải thích biến cố lịch sử, người làm sử phải có khả năng cảm thông đặc tính của hoàn cảnh (conjoncture), nhận diện những lực lượng xã hội đang tham gia vào phong trào đấu tranh trong thời điểm đó, xác định đằng sau những nhân vật điển hình, tượng trưng thành phần xã hội mà nó đại diện theo sơ đồ:

Sử học (ghi chép lịch trình biến cố hay dữ kiện ngắn hạn) => Xã hội học (nhận diện nhân vật, đoàn thể được thời sự phóng đại, truy tầm “thế hệ xã hội” đương sự) => Sử học (giải thích ý nghĩa “văn hoá giai cấp” trong dài hạn).

Nói một cách khác, nó công nhận sự tác động lẫn nhau giữa lịch sử (biến cố) và xã hội (diễn viên) và ngược lại. Một động tác không bắt buộc có một ý nghĩa lịch sử giống nhau vào hai hoàn cảnh khác nhau (giữa thời điểm I với thời điểm II); ngược lại, diễn viên cũng có thể không “lặp lại” một tác động vào hai thời điểm khác nhau như lập trường hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong lịch sử phong trào Duy Tân về ngoại giao, chính thể, chiến lược (6).

Mỗi thời đại đánh dấu sự thay đổi quan hệ xã hội, hay như ngừơi ta thường nói, “khúc quanh của lịch sử”, chuyển biến trong tương quan lực lượng khi thì thong thả, nhẹ nhàng hoặc đột ngột, nhanh chóng… Vấn đề căn bản của sử gia là nhận định và lý giải phản ứng ( có ý thức hay vô thức), thái độ (tích cực hay tiêu cực)… của diễn viên khi bị đặt trước tình thế mới. Trong L’Ancien Régime et la Révolution (1856) (Chế độ cũ và Cách mạng), Alexis de Tocqueville nhấn mạnh những dư luận trái ngược của người đương thời trước sự sụp đổ nhanh chóng của triều đình Versaille. Đối với dư luận chung, cách mạng 1789 là một biến cố bất cập trong chính sách trị vì của vua Louis XVI và triều đình. Nó cũng không hẳn là hậu quả trực tiếp thất bại của Necker trong công cuộc cải tổ quản lý kinh tế và tài chính, thái độ bảo thủ cực đoan của các lãnh tụ quý tộc, dục vọng điên cuồng của giai cấp tư sản. Thậm chí, có người như Joseph De Maistre còn xem 1789 là một cách đền tội “bằng máu và nước mắt” mà nước Pháp, một quốc gia Thiên chúa giáo, phải chịu sau khi để cho bọn ma quỷ (Satan) đội lốt trí thức trong phong trào “Khai sáng” xâm nhập, đề cao pháp quyền tự nhiên, chà đạp Tôn giáo, Gia đình và Nhà nước quân chủ. Cách mạng 1789, theo ông là cái giá phải trả khi người dân “muốn cãi luật trời” đập phá truyền thống, giết vua, phủ nhận Thánh đạo (7). Tóm lại, cách mạng đối với họ là một biến cố đường đột, một tai biến bất ngờ của lịch sử.

Lý giải đó chỉ dựa trên yếu tố nhất thời hay “phóng đại” những sai lầm, kém khuyết của người lãnh đạo không thuyết phục một sử gia và chính trị gia có tinh thần duy lý như A. de Tocqueville. Ông là một người quý tộc thông minh, cởi mở, được tiếp xúc nhiều với thực tế Âu-Mỹ. Rút kinh nghiệm bản thân đã từng trải những ngày đen tối của cách mạng 1789 cũng như lúc ông được mời làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Odilon Barrot sau Cách mạng tháng 2-1848, ông cống hiến mười năm trường, sau khi từ chức chính phủ, vào việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Cách mạng 1789. Tác giả đi đến kết luận: trái với nhiều thiên kiến sai lạc, nhất là về phía phe chống cách mạng, Cách mạng 1789 là một sự kiện lịch sử đương nhiên, không thể tránh vì quan hệ xã hội giữa giai cấp quý tộc và trưởng giả đã hoàn toàn ngả về phía tư sản (đứng trên phương diện kinh tế và văn hoá) và vì giai cấp nông dân (đông đảo nhất) đã ly khai với triều đình và quý tộc.

Quyển nhật ký của một nhà quý phải người Anh (Arthur Young) sau hai chuyến đi thăm nước Pháp trước và sau cuộc cách mạng, cũng ghi nhận và diễn tả một cách trung thực sự cách biệt giữa đô thị (nhất là kinh đô Paris) và nông thôn, đời sống xa hoa phù phiếm chốn triều đình và số phận lầm than, dốt nát, bệnh tật của đa số làng mạc đôi khi chỉ cách kinh đô khoảng vài chục cây số! Sự tranh chấp giữa các giai cấp thống trị và tư sản từ lúc Louis XVI lên ngôi đã đi đến giai đoạn quyết liệt.

Nhà nước quân chủ Pháp và thành phần quý tộc cuối cùng bị lật đổ vì họ không rút kinh nghiệm xứ Anh từ khi Guillaume d’Orange lên chấp chính và chia sẻ quyền lợi với các giai cấp tư sản và trung lưu, tạo điều kiện kinh tế và chính trị thuận tiện cho một quốc gia kỹ nghệ tiên tiến, đầy tham vọng đế quốc. Trong khi đó, triều đình của Louis XIV lại ép buộc tầng lớp quý tộc qui tập về kinh đô Versaille để dễ bề kiểm soát, bỏ rơi giai cấp nông dân (và nông thôn) trong cô độc và sa đoạ văn hoá. Như vậy, Cách mạng 1789 cũng là kết quả “tất nhiên” của những yếu tố dài hạn, mâu thuẫn giai cấp đối kháng (Mao Trạch Đông), phát triển bất đồng giữa nông thôn và thành thị. Không hẹn nhau trước mà hai sử gia lớn nhất thế kỷ XIX, Các Mác (Luttes de classes en France (8), Le 18 Brumaire de Louis Bonaparte (9)và De Tocqueville cùng đi đến một kết luận tương tự, theo đó cách mạng 1789 là cuộc đấu tranh giai cấp lớn nhất và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới cận đại.

Và nếu ta không tin ở sự trùng lập ngẫu nhiên, ta phải chấp nhận rằng cả hai đều sử dụng một phương pháp nghiên cứu và suy diễn sự kiện lịch sử, phối hợp yếu tố ngắn hạn, đặt diễn viên (con người “thật”) trong hoàn cảnh với yếu tố dài hạn, thuộc phạm trù “văn hoá giai cấp” trong cấu trúc.

Cùng một lúc với De Tocqueville, Mác đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu lịch sử toàn diện: nhận định thời sự chính trị, biến cố vừa xảy ra, tìm hiểu những nhân vật xuất hiện trên sân khấu xã hội, phân tích những lực lượng đứng sau lưng họ trong hậu trường, xác định những động cơ tranh chấp (ngắn hạn) và ý nghĩa lịch sử (dài hạn) của nó: trong đấu tranh giai cấp ở Pháp (1848-1850), tranh chấp giữa khối tư bản công nghệ (còn yếu) và tư bản tài phiệt (rất mạnh) dưới thời quân chủ Louis Philippe và Guizot từ cuộc cách mạng tháng Bảy 1830 đến tháng Hai 1848, trong Ngày 18 tháng Sương mù.. (1851), tranh chấp giữa nhóm đại diện giai cấp địa chủ của xã hội cũ núp sau chiêu bài “Légitimestes” và tập đoàn tài phiệt hướng về công nghệ lớn và thị trường thế giới, những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa xã hội công nghệ như Saint Simon hay Auguste Comte ủng hộ cuộc đảo chính của Napoleón III.

Trong hoàn cảnh Việt Nam, tìm hiểu về người trí thức cũng đưa chúng ta đến phương pháp sử xã hội học tương tự: không xem lực lượng trí thức (nho sĩ cũng như trí thức hiện đại) như một giai cấp tự nó (Hegel), một thực thể ký danh (entité nominale) mà như một “giai cấp” chỉ xuất hiện qua những thực tiễn giai cấp (pratiques sociales): hành động, suy tư, tác phong xã hội có thể nhận diện và giải lý được trong hoàn cảnh xã hội nhất định. Và trong viễn tượng thực tiễn đó, tách biệt và phối hợp hai loại thực tiễn: thực tiễn bảo tồn “bản tính văn hoá cộng đồng” thành hình và trưởng thành từ một quá trình xã hội hoá lâu dài (dòng họ huyết thống, gia đình, giáo dục, tôn giáo, trí nhớ tập thể…)- khái niệm habitus (Pierre Bourdieu), hay “văn hoá giai cấp”, “ý thức giai cấp” (E. Thompson) – và thực tiễn xã hội thuộc phạm trù “thế hệ lịch sử” – “théorie des champs” (P.Bourdieu) - Kết hợp thực tiễn đồng thời của những nhân vật cụ thể trong một “hoàn cảnh cụ thể” (“situation concrète” theo Lénine), hay trong “lĩnh vực chuyên môn” (“champ spécialisé”) (10).

Cái mà nhà nhân học người Anh Edward Thompson chỉ định dưới khái niệm “văn hoá giai cấp” hay “ý thức giai cấp” là kết tinh biện chứng giữa quá trình xã hội hoá chung của giai cấp và kinh nghiệm lịch sử riêng của nhiều thế hệ nối tiếp nhau (11). Diễn viên (cá nhân hay tập thể) trong tấn kịch xã hội (drame social) có thể không ý thức rõ quan hệ giữa hành động của họ và động cơ văn hoá giai cấp nhưng sử gia phải nhận chân liên hệ hữu cơ giữa thực tiễn thế hệ và văn hoá giai cấp. Cái mà Pierre Bourdieu gọi là “théorie des champs” soi sáng ý nghĩa giai cấp và văn hoá giai cấp trong tư thế của họ và những người cùng thế hệ trong mỗi tình huống và mọi môi trường “chuyên môn” cụ thể.

Chẳng hạn như tư thế (position, posture) nghiên cứu của các nhà Đông phương học Việt Nam những năm 1930 như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Trần Văn Khang… trong Trường Viễn Đông Bác Cổ đối với các đồng nghiệp người Pháp – qui chế nhân viên công nhật, thư ký hành chính và vai trò phụ thuộc của họ trong E.F.E.O. – có một ý nghĩa trong “không gian xã hội” thuộc địa, nó phản ánh cái “văn hoá trí thức” của người bản xứ mất chủ quyền. Chỉ vài năm sau, lúc phong trào Bình dân ra đời và với nó các tổ chức trí thức Trung, Nam, Bắc, tư thế của các ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu trong Viễn Đông Bắc Cổ… đã thay đổi hẳn! (12.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực quân sự, chiến lược và chiến thuật cầm binh thay đổi từng thế hệ trí thức từ thời Cần Vương (du kích chiến) đến thời chiến tranh giải phóng hiện đại (1945-1975), nhưng “văn hoá giai cấp” hay đúng hơn “văn hoá dân tộc (sĩ+nông)” vẫn là truyền thống chiến tranh nhân dân của 10 thế kỷ trước để lại (13).

Trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam có hai biến cố lịch sử “khai lập”: sụp đổ của triều đình nhà Nguyễn trước quân đội viễn chinh Pháp mở đầu thời đại “vong quốc sử” (Phan Bội Châu) từ năm 1858 đến năm 1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở đầu phong trào giải phóng và chiến tranh giành tự chủ, thống nhất từ năm 1945 đến năm 1975.

Đối tượng của tác giả ba quyển sách nói trên nhằm nghiên cứu một cách liên tục thực tiễn xã hội của tầng lớp sĩ phu cũ, mới trong nước giữa hai cái mốc lịch sử “khai lập” nói trên.

Cũng trên tinh thần đó, phương tiện và công cụ nghiên cứu lịch sử nhắm đến việc:

1. Khai thác tài liệu có quan hệ đến thân thế của 222 trí thức hai thế hệ (1862, 1925 và giữa hai thế hệ trên: thế hệ các nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ XX, thế hệ 1907).

2. Lý giải dư luận, lập trường, tư tưởng được sản xuất và trình bày trong các tài liệu đủ loại: sách vở, thi văn, tác phẩm được xuất bản hay ghi chép lại.

3. Đối chiếu dư luận, ý thức hệ, quan điểm chính trị được phát biểu với địa vị xã hội được nhà nước (chính quyền) giao phó trước và sau những biến cố khai lập: bại trận, thay thầy đổi chủ, cách mạng, đảo chính, chiến thắng.

4. Vấn đề lựa chọn nhân vật đòi hỏi tiêu chuẩn hợp lý phối hợp dữ kiện thân thế (ngày sinh tháng đẻ, địa vị cha mẹ, nơi sinh trưởng, anh em, học trình, học hàm), nghề nghiệp (học vị và chức phận trí thức) và thân thế xã hội (phẩm hàm, huy chương…). Phần đông những nhân vật đó được cộng đồng sử gia trong nước và ngoài nước công nhận.

Trong quyển đầu (1990, 2007), tác giả ghi lại danh sách hơn 600 nhân sĩ có tên tuổi trong hầu hết các bộ sách sử quan trọng và tác giả lớn. Sau một thời gian tìm kiếm tiểu sử chỉ còn giữ lại 222 nhân sĩ của ba thế hệ: 60 nhân sĩ thế hệ I, 40 nhân sĩ thế hệ II và 122 thế hệ III.

Trong quyển III viết về những bạn “đồng hành” với đảng Cộng sản Việt Nam (trong một thời gian có ý nghĩa), tác giả ghi lại gần 194 người trong số 234 nhân sĩ các thệ hệ II và III đã “đáp lời sông núi”, gia nhập Mặt trận Việt Minh sau lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tựa quyển sách).

Trước xu hướng kiểm duyệt chính trị thời nào cũng có nhằm đẩy lùi vào bóng tối kẻ bại trận hay chịu “im lặng một cách bất đắc dĩ” (các vua tôi triều Nguyễn, Pétrus Ký, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Thinh, những trí thức đối lập với Đảng Cộng sản như Tạ Thu Thâu và các đồng chí gần xu hướng Đệ tứ, nhân sĩ thuộc khối Quốc gia hay của chế độ Việt Nam Cộng hoà (1955-1975), người làm sử càng phải thận trọng cân nhắc trong việc phê phán và nếu cần, để tôn trọng sự thực, phục hồi vai trò của diễn viên có thật trong lịch sử.

Bây giờ nếu so sánh quyển I với quyển III, ta có thể nhận chân hai kết luận hoàn toàn trái ngược:

a. Lôgic lịch đại (diachronique) áp dụng trong sự so sánh ba thế hệ tiếp nối nhau trong thời cận đại biểu hiện rõ rệt những biến đổi căn bản về tổ chức, cơ chế kinh tế, giáo dục, văn hoá nhưng đồng thời nó cũng phản ánh sức trì kéo của nền “văn hoá trí thức” Nho giáo. Như ta thấy trong phần đầu, sĩ phu Nho giáo Việt Nam xưa và nay (Trịnh Văn Thảo I) chỉ tiếp nhận từ văn hoá ngoại bang những giá trị phù hợp với truyền thống dân tộc. Chẳng hạn như sự thay thế văn hoá tự do tư sản thời Pháp thuộc trước năm 1945 bằng văn hoá Cộng sản (Nga – Tàu) sau cách mạng cũng không vượt ra ngoài công thức đó, nghĩa là qua khuôn mẫu Đạo đức Khổng Mạnh: gia đình, dòng họ, đại phương, tôn giáo, Nhà nước tập quyền, xu hướng minh chủ. Thay đổi cơ chế, cấu trúc xã hội phải được xây dựng trên những giá trị truyền thống (GS. Trần Đình Hượu) mới có thể bắt rễ, ăn sâu vào văn hoá dân tộc.

b. Ngược lại, lôgíc đồng đại (synchrronique) sử dụng để phân tích các “loại hình” văn hoá trong thế hệ III đã chứng minh sự hiện diện của ba nguồn văn hoá trí thức xuất phát từ những quá trình xã hội hoá khác nhau:

- Văn hoá Cần vương và Duy Tân do con cháu xuất thân trong các gia đình Nho giáo miền Trung (Thanh - Nghệ - Tĩnh) những nhà Nho kháng Pháp dưới ngọn cờ “Bình Tây, diệt Tả” thời chiến tranh chống Pháp lần đầu (1858 – 1885), khởi nghĩa Cần Vương (1885 – 1896) và phong trào cải lương Duy Tân (1907-1909). Qua cha ông hay chính do bản thân, họ đã sống và lớn lên trong buổi “hoàng hôn” sụp đổ của triều đình, những thảm cảnh của phong trào kháng thuế (1908), biểu tình bãi khoá để tang Phan Châu Trinh (1926), đòi ân xá Phan Bội Châu, ủng hộ báo tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng… Họ là gạch nối giữa thành phần quan lại triều đình nhà Nguyễn và lớp con cháu bỏ học sang Tàu hoạt động trong hàng ngũ “Tâm Tâm xã”, “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, và đã tìm trong chủ nghĩa cộng sản Á Đông tư tưởng, phương pháp tổ chức và những hình thức đấu tranh quen thuộc.

- Văn hoá Tây học của trí thức thuộc địa (Nam kỳ và các địa phận có qui chế thuộc địa như Hà Nội, Hải Phòng) hấp thụ văn hóa Tây phương trong học đường Pháp từ vỡ lòng cho đến Đại học, hưởng qui chế công chức thuộc địa và thấm nhuần ít nhiều tư tưởng dân quyền và nhân quyền được trui rèn từ cuộc đấu tranh thành thị những năm 1925-1926, các phong trào thanh niên cấp tiến (và mácxít) của những Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu hay tổ chức Đông Dương Đại hội. Một số không ít đã bắt đầu bị phân hoá dưới áp lực Pháp - Nhật và các tổ chức giáo phái (Cao Đài, Hoà Hảo). Trong viễn ảnh giải thực chính trị ôn hoà, họ có thể đóng vai trò tích cực nhưng chế độ thực dân mà người Pháp muốn áp đặt lại lần nữa sau Thế chiến thứ II đã đưa họ vào ngõ bí,thúc đẩy một số con cháu các quan chức thuộc địa theo con đường cách mạng với tất cả cái bồng bột của tuổi trẻ (phong trào Thanh niên Tiền phong).

- Văn hoá “trung dung” của trí thức miền Bắc phần đông là con cháu nhà khoa hoạn, nho phong. Họ lớn lên trong một chế độ Bảo hộ có phần cởi mở sau cuộc nổi dậy Yên Bái và Nghệ Tĩnh (1930), Phong trào Bình dân (1936) và nhất là sự trưởng thành của phong trào văn học Việt Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương (Tự lực Văn đoàn). Cũng như ở trong Nam thời Pháp - Nhật, tầng lớp tri thức miền Bắc cũng đã bắt đầu phân hoá dưới áp lực của các đảng phái, các luồng tư tưởng trái ngược, từ cực tả sang cực hữu (14). Từ năm 1940 đến năm 1945, Đại học Hà Nội đã tạo điều kiện không gian tập họp đông đảo thanh niên trí thức để đảm nhận trách nhiệm giai cấp lãnh đạo trong một xứ tự chủ. Ngoài một thiểu số đảng viên Cộng sản, phần đông có xu hướng dân chủ tiểu tư sản (15)và còn chịu ảnh hưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng. Những phần tử nhạy cảm nhất đã đóng góp vào việc mở rộng hàng ngũ trí thức trong Mặt trận Việt Minh. Có lẽ nhờ vậy mà họ trở thành bộ phận chủ lực trong công cuộc động viên, đoàn kết trí thức ba miền để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh giành chính quyền ngay những ngày đầu trứng nước của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chú thích:

1. Les compagnons de route de Ho Chi Minh. Histoire d’un engagement intellectuel au Viet Nam Paris, Nxb karthala, 2004.

2. Viet Nam du confucianisme au communisme Paris, Nxb L’Harmattan, 1990, 2007 (in lần thứ hai).

3. L’ecole francaise en Indochine Paris, Nxb Karthala, 1995.

4. Về phần trình bày, ấn loát cẩu thả của nhà xuất bản L’Harmattan trong lúc tác giả vắng mặt. Lần tái bản thứ 2 (2007) trong collection “Logiques sociales” có sửa chữa vài đoạn.

5. Chỉ những trí thức người Pháp hợp tác công khai với Đảng Cộng sản mà không gia nhập với tư cách đảng viên thực thụ như triết gia Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir sau thế chiến thứ II.

6. Xem Trịnh Văn Thảo, Vietnam du confucianissme au communisme, Sđd, tr.228-233

7. Soirrées de Saint-Pétersbourg, 1821.

8. Đấu tranh giai cấp ở Pháp.

9. Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bonapát. Xem Trịnh Văn Thảo, Marx et Engels et le journalissme révo-lutionnaire (Mac và Anghen với báo chí cách mạng), 3 tập, Paris, Anthropos, 1977-1979.

10. “Thế hệ xã hội” không đồng nghĩa với khái niệm “thế hệ nhân số” dựa vào tiêu chuẩn sinh học hay tuổi tác.

11. La formation de la classe ouvrrière en Angleterre(Sự hình thành giai cấp công nhân ở Anh), Paris, Gallimard-Seuil, 1988, tr.13-14

12. Xem luận án của Nguyễn Phương Ngọc, Đại học Provence, 2004.

13. Xem Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân,(bản tiếng Pháp), Paris, Nxb F.Maspéro.

14. Chỉ cần đọc lại những bài xã luận của Hoàng Đạo trong tạp chí Ngày Nay cũng đủ thấy sự hiện diện của các luồng tư tưởng trái ngược đó!

15. Xem Hồi ký Thanh Nghịcủa Vũ Đình Hoè, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.


Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.