“Hai Lúa”: Lại cải tiến máy cắt lúa
Cách đây chừng 3 năm, anh Chính cải tiến máy cắt lúa rải hàng từ máy cắt lúa FUTU 1 có bán trên thị trường. Nay trên cơ sở máy đã có, anh thêm hệ thống sên rút nhau, gắn thêm bánh hơi vào 2 bánh lồng, thêm bánh xe thứ 3 phía sau, thêm yên ngồi để không phải đi bộ theo. Máy cắt được lúa cả lúc trời mưa, lúc lúa ướt do sương, lúa ngã 45 độ, ruộng lầy - điều mà máy cùng loại trên thị trường không làm được.
Từ trước tới nay, người điều khiển máy cắt lúa rải hàng phải lẽo đẽo đi bộ theo máy, tốn công tốn sức rất nhiều. Anh Chính mong muốn phải ngồi lên máy để điều khiển cắt lúa, và anh đã làm được. Không dùng bánh lồng cũ, anh tạo ra một bánh lồng mới - một mâm sắt có hàn 8 lá tôn chống lầy hình xoắn, mỗi miếng dày 3 mm có cốt là sắt chữ V hay L, bề ngang 20 cm (ngắn hơn trước) - khi lội ruộng bùn không bị lún, không bị bám đất và lúa... Đối lưng với bánh lồng là bánh hơi, tiện vận hành trên đường.
Ở đuôi sau, bánh xe máy được thay bằng bánh rùa hơi. Chỉ gạt cần là càng bánh xe xếp vào hay mở ra (chưa cải tiến làm lâu hơn). Khi máy đi trên đường hoặc khi cắt ruộng khô, thì mở càng bánh xe để ngồi; khi ruộng lầy thì thu càng lại và đi bộ.
Đuôi sau của máy có độ dài hợp lý để khi qua góc quanh, bánh sau không cán lên lúa đã cắt.
Máy tải thêm người ngồi nhưng không phải tăng công suất, vẫn dùng máy nổ Honda 6,5 sức ngựa, vì bánh lồng mới có độ ma sát thấp hơn; số vòng tua sên cắt giảm từ 1.000 vòng xuống còn một nửa. Các hệ thống rút “nhau” và kéo lúa vào cắt cũng có tác dụng đẩy máy tới trước. Vận hành ở ruộng khô mất 7 - 10 phút/sào (500 m2), ruộng lún 12 - 15 phút/sào (giảm 3 - 5 phút/sào so với máy cải tiến lần trước).
Kể từ tháng 4/2007 đến nay, anh mới bán ra khoảng... 15 chiếc máy mới, do nó chưa được biết đến nhiều. Giá anh bán ra là 18,5 triệu đồng/chiếc, so với máy cắt của An Giang chỉ đắt hơn khoảng 4 triệu đồng (nếu sản xuất theo dây chuyền công nghiệp thì sẽ rẻ hơn).
Anh Chính đã thành lập công ty nhưng chưa có vốn để đầu tư sản xuất hàng loạt...