‘Hai lúa’ Chín Tường và chiếc máy bóc vỏ lạc
Anh là Đào Kim Tường, 44 tuổi, ở thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Anh đang chuẩn bị tham gia cuộc thi Nhà nông sáng tạo do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Bà con gọi Chín Tường vì anh là con thứ chín trong gia đình và anh có nhiều nghề mà nghề nào cũng "chín".
Nghề nào cũng giỏi
“Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa được một ngày an nhàn. Bố mẹ tôi nghèo vì đông con. Lớn lên, tôi lấy vợ, vợ chồng tôi sinh bốn con. Để lo cho sáu miệng ăn trong gia đình, vợ chồng tôi phải xoay xở đủ mọi nghề” - anh Tường tâm sự.
Hiện nay, gia đình anh có ít nhất bốn nghề, mà nghề nào cũng cho thu nhập kha khá: Làm ruộng đủ trang trải cho gia đình không phải mua gạo chợ. Nghề chạy xe đò rồi chuyển sang làm máy cưa, lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Nuôi bò lai lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Nghề làm cối sạt lạc thu trên dưới 15 triệu đồng/năm. Hỏi nhiều nghề vậy làm sao kham hết, anh cười: "Làm ruộng và nuôi bò vợ con tôi đảm nhiệm. Các nghề còn lại tôi lo".
Anh Lộc - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, bảy năm trở lại đây, gia đình anh Tường liên tục được công nhận gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, với thu nhập bình quân 35 triệu đồng/năm.
Cái khó ló cái khôn
Anh Tường gọi chiếc máy mình sáng chế là "cối sạt lạc". "Những năm 1989, đời sống khó khăn, tôi phải đi thu mua lạc về bán lại cho các lái buôn trên thị trấn. Nhưng thuê bóc vỏ thì lãi còn lại cỏn con, có khi còn làm không công, nếu bóc bằng tay thì năng suất thấp. Phải cải tiến cách bóc vỏ lạc" - anh suy nghĩ.
Ban đầu, anh cùng với anh Trang (nay ở dốc Nhà Đá, Mỹ Hiệp - bạn buôn bán với anh) dùng phên tre nan dày, đặt trên khung gỗ rồi dùng sống cào cỏ thay phiên nhau đẩy qua lại để vỏ đậu tách ra, hạt rơi xuống dưới. Cách này tuy có nhanh hơn bóc bằng tay nhưng những hạt đậu bị nhiều vết xước, có khi bị vỡ, lại phải hai người làm cùng lúc.
Năm 1990, quan sát máy sát mì, hai anh nghĩ ra cách làm cối sạt tay quay. Nguyên lý cơ bản của máy là dùng trục quay có cạnh trái khế sát vào lớp vỏ bọc bên ngoài để vỏ đậu dập ra cho hạt rơi xuống. Năng suất bóc lạc đã cao hơn và chất lượng hạt lạc cũng tối hơn.
Không dừng lại ở đây, quan sát chiếc máy suốt lúa, hai anh sáng chế cối sạt đạp chân. Năm 1994, dựa trên nguyên tắc của máy bóc vỏ cà-phê anh tiếp tục cải tiến máy đạp chân sang dùng máy nổ và mô-tơ điện.
Chế tạo máy thành công, anh bỏ hẳn nghề buôn bán lạc, chuyển sang làm cối sạt lạc để bán. Từ năm 1995 đến nay, anh đã sản xuất và bán ra thị trường trên 100 cối sạt lạc, trong đó hơn 70 chiếc chạy bằng động cơ diezel.
Khách hàng của anh giờ không chỉ ở Bình Định mà cả ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương, Long An... Riêng địa bàn Tây Nguyên năm nào anh cũng phải lên đó 2-3 tháng để sửa và làm cối mới cho bà con.
Chiếc cối sạt lạc mới nhất của anh hiện nay chạy bằng động cơ D15, năng suất 1-1,2 tấn lạc/giờ, giá bán 4 triệu đồng. Anh cho biết: Giá cả của cối có nhiều loại, từ 1,5 đến 4 triệu đồng tuỳ theo tính năng. Anh cũng đã mở nhiều đại lý bán máy ở các địa phương.
Về chất lượng máy, anh cho biết, máy tốt động cơ phải chạy đều, vòng tua chậm, mạnh. Chính vì thế máy 1,2 tấn/giờ phải dùng đến loại D15 dù rằng động cơ này là của máy cày.
Ông Nguyễn Công Tánh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định, cho biết: Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang giúp anh Tường hoàn thành các thủ tục tham gia cuộc thi Nhà nông sáng tạo khoa học kỹ thuật do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và Chợ Thiết bị công nghệ (của Bộ Khoa học và Công nghệ) sắp tới sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội cho anh Tường tiếp thị sản phẩm của mình đến nông dân cả nước.
Nguồn: nhandan.com.vn 10/9/2005